Chiến lược Bitcoin: Đấu trường may rủi

Bitcoin: Đấu trường may rủi

11
Đồng Bitcoin (BTC) những ngày qua đã sụt giảm đáng kể trước sự kiểm soát chặt chẽ của các chính phủ, trong khi mối lo ngại về một bong bóng tài sản mới khi giá đồng tiền này liên tục tăng mạnh trong thời gian ngắn cũng đã thúc đẩy giới đầu tư bán ra.


Ảnh minh họa

Tăng giá trong thời gian ngắn

Ngày 31/8, đồng Bitcoin đã đạt mức cao nhất tại 4.834USD/BTC. Điều đáng nói là đồng tiền mã hóa này chỉ mất vỏn vẹn 1,5 tháng để tăng giá hơn 2,5 lần từ quanh 1.900USD/BTC lên mức kỷ lục trên. Nếu so với mức giá 900USD/BTC hồi đầu năm nay, đồng Bitcoin đã tăng giá gần 5,4 lần, trở thành tài sản có mức tăng giá kỷ lục và mạnh nhất trên thị trường tài chính thế giới.

Thông thường một tài sản tăng giá quá nhanh sẽ khiến giới phân tích bắt đầu lo ngại về một bong bóng tài sản, trong khi một bộ phận giới đầu tư lẫn đầu cơ có thể xem xét bán ra để chốt lời. Đồng Bitcoin hiện tại đang có những diễn biến đúng y như thế, đặc biệt là khi có đợt tăng giảm rất mạnh càng kích thích giới đầu cơ liên tục bán ra mua vào để tối đa hóa lợi nhuận.

Hồi tháng 5 vừa qua, Bitcoin đã giảm một mạch từ hơn 2.500USD/BTC về tận 1.900USD/ BTC, tức giảm đến 24%. Mặc dù sau đó đã sớm tăng mạnh trở lại để đạt mức kỷ lục trên, tuy nhiên những lo ngại rủi ro của đồng tiền này vẫn hiện hữu. Do đó, sau khi đạt đỉnh, đồng Bitcoin một lần nữa lại giảm mạnh trong năm nay, khi rớt giá nhanh về quanh 4.260USD/BTC vào ngày 4/9, rồi ba ngày sau bật lên 4.650USD/BTC trước khi tiếp tục giảm mạnh trở lại, xuống tận 4.150USD/ BTC vào ngày 10/9 vừa qua.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 9 này, đồng Bitcoin đã trải qua hàng loạt phiên tăng giảm, cho thấy tâm lý của giới đầu tư đã trở nên mất ổn định, cũng như kỳ vọng vào sự tăng giá tiếp theo của đồng tiền này đã giảm. Điều này không chỉ xuất phát từ việc một bộ phận nhà đầu tư và đầu cơ bán ra để chốt lời mà còn đến từ việc một số thông tin cho thấy nhiều chính phủ đang gia tăng kiểm soát chặt chẽ đồng tiền này.

Nhiều chính phủ bắt đầu “để mắt”

Ngày 4/9, Chính phủ Trung Quốc đã cấm các công ty huy động tiền mặt hoặc các loại tiền ảo khác thông qua ICO (Initial coin offerings) – một hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư của các startup. ICO đã trở thành phương tiện chính trong việc gây quỹ cho những kế hoạch xây dựng trên công nghệ blockchain. ICO thường chỉ được phát hành một số lượng mật mã nhất định (Token) và sau đó bán ra cho khách hàng mục tiêu, thường thì ICO sẽ được đổi lấy Bitcoin, Ethereum hoặc tiền mặt. Theo Reuters thì ICO đã huy động ít nhất 2,62 tỷ nhân dân tệ (khoảng 400 triệu USD) tại Trung Quốc.

Ngày 21/8/2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Như vậy, với đề án này, các hình thức tiền ảo như bitcoin sẽ được Việt Nam cân nhắc chỉnh sửa khung pháp lý để có hình thức quản lý phù hợp.

Tuy nhiên, ủy ban giám sát rủi ro trong lĩnh vực tài chính internet của Trung Quốc gần đây đã định nghĩa các loại ICO như là công cụ gây quỹ trái phép có thể liên quan đến gian lận tài chính, đồng thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc gây quỹ thông qua ICO trả lại các quỹ nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và giải quyết rủi ro.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết họ đã hoàn tất việc điều tra về ICO và sẽ trừng phạt thẳng tay đối với các đợt chào bán tớii, đồng thời xử lý vi phạm pháp luật đối với những công ty đã hoàn tất quá trình ICO.

Các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ và Singapore cũng đã nhấn mạnh những nguy cơ về rửa tiền và gian lận mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi mua vào một Token kỹ thuật số. Trong khi đó, ngày 25/7 vừa rồi, sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu thế giới – BTC-E bất ngờ bị Chính phủ Mỹ thu lại tên miền, đứng trước khả năng bị đóng cửa vĩnh viễn nên khiến nhiều người đầu tư vào tiền ảo này hoang mang.

Dù sau đó vài ngày, một số thông tin cho biết sàn Bitcoin này sẽ hoàn lại một phần số tiền cho khách hàng từ những gì còn lại sau khi bị FBI tịch thu. Điều này cho thấy những rủi ro từ việc đầu tư vào BTC luôn hiện hữu, bao gồm rủi ro cả về tính bảo mật lẫn pháp lý.

Hầu hết các quốc gia không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp, bởi hai lý do chính. Thứ nhất, nếu chấp nhận nó là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ. Thứ hai, tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết.

Trong tháng 7/2017, Bank of America Merrill Lynch (BoAML) cũng đã tỏ ra thận trọng về Bitcoin, khi cho rằng đồng tiền ảo này gây quá nhiều hệ lụy, như các vụ trộm cắp và dễ bị tin tặc tấn công. Do đó, nhiều khả năng Bitcoin sẽ không đạt được vị thế là một tài sản thế chấp có thể cầm cố được.

Theo DNSG