Kiến thức quản trị “Khi khởi nghiệp, vốn nhiều hay ít không quan trọng, vì cuối...

“Khi khởi nghiệp, vốn nhiều hay ít không quan trọng, vì cuối cùng bạn cũng sẽ mất hết tất cả và chỉ khi đó bạn mới nghĩ đến chuyện kiếm lại và quản lý nó hiệu quả”

197
Đó là kinh nghiệm mà anh Phạm Ngọc Liêm, Founder chuỗi Túi xách da Lee & Tee đã chia sẻ tại sự kiện LEAD 2017 – Bệ phóng kinh doanh. Từ số vốn ít ỏi 40 triệu đồng, đến nay sau 7 năm hình thành và phát triển, anh đã sở hữu chuỗi 22 cửa hàng Lee & Tee trên toàn quốc.


Ảnh minh họa

Khởi nghiệp với 40 triệu đồng

Phạm Ngọc Liêm sinh năm 1988 tại Bình Phước trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Vì vậy, ngay khi vào Sài Gòn học, chàng sinh viên tỉnh lẽ đã nung nấu ý định khởi nghiệp, làm chủ một cơ sở kinh doanh của riêng mình.

Trọ tại Tân Bình, nơi có nhiều người làm nghề may mặc, anh quyết định chọn lĩnh vực này để sản xuất kinh doanh. Anh bỏ việc và dành 2 năm để theo học nghề của một vị “sư phụ” có nhiều năm kinh nghiệm về làm túi xách da.

Trong suốt thời gian này, Liêm cũng không quên lập kế hoạch kinh doanh và huy động nguồn vốn từ bạn bè, người thân. Có trong tay 40 triệu, anh bắt đầu tính toán các chi phí và tìm mặt bằng kinh doanh.

Với nguồn vốn ít ỏi, Liêm chỉ dám nhắm đến một căn nhà nhỏ 10m2 ở cuối đường Cách Mạng Tháng Tám. Sau nhiều tháng chờ đợi, anh đã chớp được cơ hội thuê lại căn nhà chỉ trong vòng 2 phút đàm phán. Đây cũng chính là cửa hàng đầu tiên của chuỗi Túi xách da Lee & Tee.

Thời gian đầu, cửa hàng của anh rất đông khách. Nhìn thấy tiềm năng phát triển, Phạm Ngọc Liêm liều lĩnh mở cửa hàng thứ 2, chỉ 3 tháng sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên.

Đối mặt với khủng hoảng vốn và xoay vòng vốn

Khi tiến hành mở cửa hàng thứ 2, CEO Lee & Tee bắt đầu đối mặt với thách thức quản lý dòng vốn. Ban đầu, anh chỉ ước lượng các chi phí một cách mơ hồ, ghi chép thu chi rất thô sơ.

Để tiết kiệm chi phí, Lee & Tee lúc này cũng không hề có kế toán. Một mình anh vừa lo sản xuất, phân phối và tính toán, cân đối thu chi. Các ghi chép thủ công của anh cho thấy việc kinh doanh vẫn tạo ra lợi nhuận. Nhưng trên thực tế Lee & Tee bắt đầu lỗ nặng từ cửa hàng thứ 2.

Trong thời gian ngắn, Lee & Tee rơi vào khủng hoảng khi mất khả năng xoay vòng vốn cũng như mất khả năng chi trả. Anh rơi vào trạng thái tiêu cực tưởng chừng không thoát ra nổi.

Sau này khi nhìn lại, Liêm nhận ra rằng rất nhiều người khác cũng từng như mình. Đây gần như là thử thách khốc liệt mà hầu hết những người kinh doanh bán lẻ đều phải trải qua.

Anh đúc kết: “Khi khởi nghiệp, vốn nhiều hay ít không quan trọng, vì dù gì cuối cùng bạn cũng mất hết tất cả… Và chỉ khi đó bạn mới nghĩ đến chuyện kiếm lại và quản lý nó hiệu quả”.

Đi tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề vốn

Sau một thời gian dài bi quan, cuối cùng Phạm Ngọc Liêm cũng bình tâm trở lại và tìm cách vượt qua khó khăn. Anh nhận ra vấn đề lớn nhất của mình là không phân biệt được tài chính cá nhân và tài chính kinh doanh.

Đối với những người mới khởi nghiệp như anh, việc nhầm lẫn hai dòng tiền này rất thường xảy ra. Cộng với việc phân bổ chi phí mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và không ghi chép rõ ràng… Tất cả khiến tình trạng tài chính của Lee & Tee rối rắm và mất cân bằng nghiêm trọng.

Anh bắt đầu bằng việc đi học các lớp quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. Sau khi đã nắm vững kiến thức quản lý vốn, anh mới ngồi lại phân tích và vạch ra kế hoạch quản lý tài chính khoa học và chính xác hơn.

Đầu tiên, anh tách bạch tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp. Trong đó, các khoản chi cho cá nhân được tiết giảm tối đa. Anh cùng vợ quyết định cắt giảm toàn bộ những khoản chi không cấp thiết. Họ chấp nhận “Thắt lưng buộc bụng” để tập trung ổn định tình trạng tài chính của Lee & Tee.

Đối với các khoản chi cho doanh nghiệp, Liêm tiếp tục chia ra 2 nhóm: Chi phí cố định và chi phí phát sinh. Trong đó chi phí cố định bao gồm: tiền mặt bằng, lương nhân viên, tiền nợ hàng tháng… Đây là các khoản chi bắt buộc hàng tháng và hầu như không thể cắt giảm, cần được ưu tiên đáp ứng trước.

Ngược lại, các khoản phát sinh khác như hao hụt, thất thoát… cần giảm thiểu đến mức tối đa. Riêng chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị hỗ trợ sản xuất cần được tính toán và xem xét kỹ lưỡng.

CEO Phạm Ngọc Liêm chia sẻ cách vượt qua khủng hoảng tài chính tại LEAD 2017

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ý chí và sự cam kết của người thực hiện kế hoạch tài chính. Nếu không có tính kỷ luật, sẽ không có kế hoạch nào thành công. Và nhà sáng lập Lee & Tee đã sử dụng một phương pháp rất cổ điển mang tên: 2 con heo đất.

Theo đó, chú heo đất màu cam sẽ phục vụ cho các khoản chi cố định, cấp thiết nhằm đảm bảo tình trạng tài chính của cửa hàng luôn ổn định. Chú heo còn lại có màu xanh tượng trưng cho hy vọng, sẽ cất giữ những khoản tiền dư còn lại để phục vụ cho việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị và mở rộng hệ thống về sau.

Mỗi ngày, Liêm đều đặn cho tiền vào 2 chú heo kể trên, đặt biệt là chú màu cam cấp thiết. Đây là cách đã giúp anh dần dần giải quyết vấn đề tài chính của mình. Các cửa hàng của Lee & Tee không còn rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau như trước đây và dần đi vào hoạt động ổn định trở lại.

Sau thành công này, Liêm trở nên vững vàng hơn và tự tin phát triển sản phẩm của mình với quy mô ngày càng lớn. Đến nay, sau 7 năm, chuỗi túi xách da Lee & Tee đã có 22 cửa hàng trải rộng khắp 3 miền đất nước.

Các diễn giả trả lời các câu hỏi về vốn và xoay vòng vốn tại LEAD 2017

Trước khi kết thúc phần chia sẻ của mình tại LEAD 2017 – Bệ phóng kinh doanh, Phạm Ngọc Liêm cũng cho rằng người kinh doanh nên có thói quen giữ một khoản tiền mặt đủ lớn. “Đây là nguồn vốn để bạn có thể đáp ứng những đơn hàng lớn hay đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh. Khi có tiền trong tay, chúng ta sẽ có khả năng nắm bắt tốt hơn các cơ hội xung quanh mình” – nhà sáng lập Lee & Tee đúc kết.

Theo Nhịp sống kinh tế