Chiến lược Newton, bong bóng cổ phiếu South Sea và hiện tượng đầu tư...

Newton, bong bóng cổ phiếu South Sea và hiện tượng đầu tư ‘hot’ Bitcoin trên thế giới và Việt Nam

7
Sir Isaac Newton, một trong những người thông minh nhất trong nền văn minh nhân loại. Ông đã lỗ 20.000 bảng khi đầu cơ vào cổ phiếu South Sea. Sau này, ông đã phát biểu: “Tôi có thể tính được chuyển động của các thiên thể, nhưng không tính được sự điên rồ của con người.”


Ảnh minh họa

Xuất hiện đầu năm 2013 nhưng phải đến năm 2017, Bitcoin mới thực sự được xem là hiện tượng đầu tư trên thế giới. Theo tính toán của CNBC cứ 5 phút người ta lại nói về bitcoin, lượng tìm kiếm thông tin về bitcoin trên Google tăng đột biến. Thậm chí tờ Fortune mở riêng 1 chuyên mục mang tên “The Ledger” để đưa tin về bitcoin và tất cả những thứ gì liên quan đến công nghệ blockchain.

Một những tỷ phú thế giới từ Warren Buffett, Jamie Dimon (CEO ngân hàng JPMorgan Chase) cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke, trùm đầu cơ Ray Dalio đến tỷ phú Bill Gates cho tới những nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel như Paul Krugman hay Robert Shiller đều nói về đồng tiền số này với không ít quan điểm trái ngược nhau.

Tại Việt Nam, gõ cụm từ “đầu tư Bitcoin”, Google ngay lập tức trả về 408.000 kết quả chỉ trong 0,43 giây, kèm theo đó là quảng cáo về đầu tư loại tiền ảo này tại Việt Nam. Hiện tượng nhiều người đổ xô đầu tư vào loại tiền ảo này về bản chất đã được các nhà kinh tế học rút ra trong 13 tác nhân dẫn tới những gì mọi người mua: Hiện tượng xe chở ban nhạc và bong bóng.

Newton, bong bóng cổ phiếu South Sea và hiện tượng đầu tư hot Bitcoin trên thế giới và Việt Nam – Ảnh 1.
Xe chở ban nhạc là những chiếc xe ngựa lớn được trang trí lộng lẫy mà các ban nhạc của gánh xiếc sử dụng. Mỗi khi gánh xiếc đến thị trấn, xe chở ban nhạc sẽ đi thông báo, với rất đông người lớn và trẻ em theo sau do bị cuốn hút bởi đám đông và sự phấn khích. Những chiếc xe chở ban nhạc ngày nay nói chung đã biến mất, nhưng chúng vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong thị trường; chúng xuất hiện với thông điệp rằng cầu tăng không phải do nhu cầu nội tại mà đơn giản do những người khác đang mua hàng. Giống như những đám đông đến để xem gánh xiếc, đám đông càng lớn, những người không tham gia bị hấp dẫn gia nhập càng nhiều.

Hiệu ứng xe chở ban nhạc đôi khi có thể xảy ra từ những thứ rất nhỏ, đơn giản chỉ bởi tạo ra tiếng động lớn. Joe Nakash, chủ tịch của Jordache Enterprises, một trong những người tạo ra mốt mặc quần bò có in logo của một nhà thiết kế nổi tiếng, là một người ủng hộ nhiệt thành hiệu ứng này.

“Chúng tôi hò hét ngày càng lớn,” ông quan sát được vào năm 1982. “Nếu hò hét ngày càng lớn, bạn làm càng tốt hơn.” Công ty của ông được thành lập vào năm 1978 và trong vòng 4 năm đã đạt doanh thu 370 triệu đô-la. Jordache đã bán được 1,2 triệu chiếc quần bò một tháng một phần do dự đoán đúng một chiếc xe chở ban nhạc sắp xuất hiện – thanh thiếu niên Mỹ đã sẵn sàng dịch chuyển từ những chiếc quần bò bị xé rách, bẩn thỉu sang những chiếc quần bó chặt, “thông minh,” đắt tiền – và một phần do ông đã tạo ra nó với các quảng cáo thông minh và mức giá cao hơn 20 đô-la so với những mẫu mã tiêu chuẩn nhằm kích thích sự đua đòi.

Lịch sử marketing chứa đầy những chiếc xe chở ban nhạc, từ những chiếc vòng lắc (hula hoop), viên đá ngộ nghĩnh (pet rock), xì trum, cho đến những con chuột hamster, khủng long Công viên Kỷ Jura, và thậm chí, trong những năm 1920, những con tắc kè còn được đính vào áo blouse của phụ nữ bằng các sợi xích nhỏ bằng vàng. Điện thoại di động là một ví dụ rõ nét gần đây về một chiếc xe chở ban nhạc – nhu cầu trên thế giới về điện thoại di động đã tăng nhanh hơn cả những dự báo lạc quan nhất.

Bong bóng tài sản tài chính

Những chiếc xe chở ban nhạc đặc biệt mạnh mẽ trong những thị trường tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và bất động sản. Xe chở ban nhạc càng mạnh, tiềm năng tạo “bong bóng” càn lớn. Bong bóng tài chính là một sự tăng nhanh về giá của tài sản, xảy ra mà không hề có bất cứ lý do nền tảng cơ bản nào (như thông báo về sản phẩm mới, hay khám phá ra một mỏ dầu).

Vụ Bong bóng South Sea, xảy ra từ năm 1711 đến năm 1720, là một ví dụ minh họa điển hình. Để giúp chi trả khoản nợ 9 triệu bảng, năm 1711, chính phủ Anh đã thành lập công ty South Sea, được trao độc quyền thực hiện các giao dịch của Anh với các cảng của Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, sau đó cho phép những trái chủ đổi trái phiếu lấy cổ phiếu trong công ty này. (Anh và Tây Ban Nha đã ở trong tình trạng chiến tranh hay căng thẳng trong phần lớn thế kỷ sau, một tình huống khó mà tạo ra được những khoản lợi nhuận lớn từ giao dịch bùng nổ giữa hai quốc gia này).

Theo thời gian, cổ phiếu mới được phát hành. Xét trên khía cạnh giao dịch, công ty này hoàn toàn thất bại. Nhưng trong tháng 1 năm 1720, nó đã lao vào cuộc chiến đấu giá với Ngân hàng Anh quốc (Bank of England) nhằm mua toàn bộ số nợ quốc gia của Anh. Nó đã thắng, nhờ hối hộ và mánh khóe. Từ thời điểm đó, tất cả đều trở nên hỗn loạn. Giá cổ phiếu của nó tăng từ 128 bảng một cổ phiếu vào ngày 1 tháng 1 năm 1720 lên 1.000 bảng một cổ phiếu vào cuối tháng 6.

Rồi bong bóng vỡ tung và cổ phiếu rơi trở lại mức 160 bảng vào cuối năm. Trong số những người mất tiền có Sir Isaac Newton, một trong những người thông minh nhất trong nền văn minh nhân loại. Ông đã lỗ 20.000 bảng khi đầu cơ vào cổ phiếu South Sea. Sau này, ông đã phát biểu: “Tôi có thể tính được chuyển động của các thiên thể, nhưng không tính được sự điên rồ của con người.”

Một nhà ngân hàng bảo thủ, người ban đầu đã chống lại được chiếc xe chở ban nhạc này nhưng sau đó lại nhảy lên nó bằng việc mua cổ phiếu ở mức 500 bảng một cổ phiếu, đã nói, “Khi phần còn lại của thế giới phát điên, chúng ta phải bắt chước họ ở một chừng mực nào đó” – đây có lẽ là tấm văn bia cho tất cả những bong bóng xe chở ban nhạc như vậy, một lời khuyên mà loài người dường như quyết tâm đi theo với một sự kiên trì bền bỉ.

Hiệu ứng xe chở ban nhạc không phải lúc nào cũng xấu. Cuối cùng, chúng cũng sẽ mang lại trật tự cho một vài thị trường hỗn loạn bằng cách làm rõ đặc điểm nào của sản phẩm được mọi người đặc biệt khao khát.

Khi một sản phẩm tiêu chuẩn xuất hiện từ trong sự hỗn loạn này, nó thường có thể được sản xuất hàng loạt, khiến giá giảm nhanh và mạnh, đồng thời nó giúp sản phẩm có mặt rộng khắp trên thị trường đại trà. Những chiếc xe chở ban nhạc của thị trường, cũng giống như những chiếc xe chở ban nhạc của gánh xiếc, nhấn mạnh rằng, mua sắm là một hành động mang tính xã hội, chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng khắp của những người khác.

 Năng lượng xã hội rộng lớn được thể hiện trong những chiếc xe chở ban nhạc giống như thác Niagara – rất khó để kiểm soát, nhưng đem lại lợi thế to lớn cho những ai thành công. Cuối cùng, nhà tâm lý học nhận thức Stanley Schachter đã quan sát được, giá cả là một thực tế mang tính xã hội.

Theo nhà kinh tế học của Đại học Princeton, William Baumol, giá cả là mối quan hệ giữa người với người, được thể hiện trong mối quan hệ giữa vật với vật (như tiền bạc, hàng hóa và tài sản).

Theo trí thức trẻ