Chiến lược Thời công nghệ 4.0, hình vẽ ngôi nhà cấp 4 và lối...

Thời công nghệ 4.0, hình vẽ ngôi nhà cấp 4 và lối tư duy 30 năm chưa chịu thay đổi của người Việt

27
Đề bài: Hãy vẽ một ngôi nhà. Bức vẽ của gần 100 người tham gia có đôi nét khác nhau, nhưng ngôi nhà trên giấy đều có điểm chung: Nhà 1 tầng, có mái ngói, 1 cửa ra vào hình chữ nhật, và 2 cửa sổ hình vuông. Thời đại công nghiệp 4.0, khi chung cư mọc lên khắp chốn, nhà mặt đất cũng là nhà 3 – 4 tầng, chúng ta vẫn đang vẽ ngôi nhà theo tư duy của vài chục năm trước…


Ảnh minh họa

Đề bài này được đặt ra bởi ông Melvin Chia – Giảng viên cao cấp, Chuyên gia đào tạo Hướng nghiệp sớm và Phát triển lãnh đạo trẻ thuộc Growth Catalyst Vietnam (GCV) – tại Hội thảo “Định hướng nghề nghiệp sớm: Tư duy nào để con đột phá?” diễn ra mới đây.

Lý do gần 100 bức vẽ đều tương tự nhau, người thì cho rằng đó là tư duy thông thường của nhiều người, người thì cho rằng chừng 30 năm trước, cô giáo mẫu giáo dạy họ vẽ như vậy.

Và cứ thế, mấy chục năm nay, chúng ta vẫn vẽ ngôi nhà với một tư duy không thay đổi.

Nhìn vào câu chuyện định hướng nghề nghiệp, thời đại công nghệ 4.0 rồi, nhưng chuyện tìm nghề của các bạn trẻ và cả các bậc cha mẹ vẫn xoay quanh câu hỏi “Nghề gì đang hot? Nghề gì kiếm được nhiều tiền?”

Ông Melvin cho rằng, câu hỏi chính xác hơn nên đặt ra là: Cần trang bị những kỹ năng gì, và trang bị như thế nào?

“Các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người có khả năng tư duy. Họ không còn tìm kiếm một người nhận lệnh mà sếp bảo 2 việc là làm đúng 2 việc nữa”, ông Melvin cho biết.

“Yếu tố quan trọng bây giờ là: Cùng một vấn đề, các bạn tìm ra các cơ hội khác nhau thế nào? Góc nhìn khác nhau ra sao? Chúng ta phải huấn luyện bộ não của mình nghĩ theo hướng đó. Đây là kỹ năng chủ chốt và quan trọng mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm”.

Tư duy mà ông Melvin đề cập đến là Tư duy sáng tạo tìm ra giải pháp.

Theo ông Melvin, quá trình phát triển lối tư duy này sẽ trải qua 5 bước:

1- Đồng cảm: Lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu.

Chúng ta cần lắng nghe nhiều kênh khác nhau, như anh/chị, bố/mẹ nghĩ gì? Anh hàng xóm nghĩ gì? Mục đích lắng nghe nhiều kênh nhằm để hiểu mọi người có nhu cầu gì? Chuyện gì đang xảy ra hiện nay?

2- Định nghĩa: Hệ thống lại vấn đề một cách rõ ràng.

Sau khi đã lắng nghe nhiều bên liên quan, cần dùng phương pháp hội tụ để cô đọng lại xem vấn đề ở đây là gì. Do đã tham vấn các bên liên quan, góc nhìn của các bạn sẽ tương đối toàn diện.

3- Phát triển các ý tưởng khác nhau

Đừng vội đưa ra phán xét hay quyết định, mà chỉ phát triển các ý tưởng, giải pháp.

4- Chọn phương án khả thi và thử nghiệm

Trong các giải pháp khác nhau đó, chọn phương án khả thi nhất và cho chạy thử.

5- Kiểm tra kết quả

Kiếm trả kết quả có như kỳ vọng ban đầu. Xem có cần điều chỉnh gì hay không? Nếu làm lại, có thể thay đổi gì để làm tốt hơn hay không?

Ứng dụng tư duy này trong sự nghiệp của chúng ta thế nào?

Khi chúng ta theo đuổi sự nghiệp của mình, chúng ta có tham vấn nhiều bên, hỏi nhiều người? Hay chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức “Bố mẹ bảo thế này, bạn mình bảo thế kia”?

“Trong việc lựa chọn sự nghiệp của mình, hãy hỏi thật nhiều người trong ngành bạn thích xem tại sao họ chọn công việc đó. Hãy tham vấn nhiều người có tầm nhìn khác nhau, sau đó mới hội tụ lại và tự hỏi bản thân mình thực sự muốn gì?”

“Khi biết mình muốn gì, hãy xem mình có muốn thử việc này, việc kia không. Khi có một loạt lựa chọn hãy thử mọi thứ đi! Nếu các bạn là bố mẹ và đang lo lắng cho lựa chọn của con cái mình, sợ chúng chọn sai, thì đừng. Hãy cho phép con cái được mắc sai lầm, được phép thất bại”, ông Melvin gợi ý.

Khi các con đã xác định điều mình muốn, hãy để bọn trẻ thực tập, làm bán thời gian để chúng cảm nhận, đúc rút được thế mạnh của bản thân, từ đó mới đưa ra lựa chọn.

Theo trí thức trẻ