Chiến lược Đừng mơ sau 1 đêm thành tỉ phú, đại gia

Đừng mơ sau 1 đêm thành tỉ phú, đại gia

31
Câu chuyện về doanh nghiệp Việt Nam thật sự là những câu chuyện bao gồm cả tự hào lẫn thất vọng.


Ảnh minh họa

Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ, Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục tháo gỡ, tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển đúng hướng, ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn mạnh.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, chúng tôi đăng tải những kiến nghị, tâm tình của một số doanh nhân với mong muốn đóng góp vào sự hoàn thiện các chính sách của Nhà nước.

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc công ty BITA’S:

Có đại gia “sớm nở tối tàn”

Câu chuyện về doanh nghiệp Việt Nam thật sự là những câu chuyện bao gồm cả tự hào lẫn thất vọng. Vì làm doanh nghiệp tức ta chọn cho mình con đường công danh với ý nghĩa phải bền vững, phát triển ngày càng tốt.

Tuy nhiên trong cuộc sống, trong mối quan hệ kinh tế, trong thương trường mọi thứ đều không phải lúc nào cũng là màu hồng, lúc nào cũng bền vững.

Có nhiều nguyên do để có thể khẳng định “Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn non trẻ – vẫn nằm trong sự xáo trộn chung của nền kinh tế thiếu ổn định” – và vì thế doanh nghiệp VN vẫn phải còn khó khăn, vật lộn cả với môi trường bên ngoài lẫn bên trong nội tại của doanh nghiệp”.

Trước tiên phải công nhận có nhiều doanh nghiệp thành đạt đến đời thứ ba tại VN. Phân tích kỷ lưỡng thì ta thấy đó là doanh nghiệp chọn lựa “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Họ nối tiếp truyền thống ông bà, gia đình, duy trì sản nghiệp chỉ “một nghề” duy nhất họ trân trọng, tảo tần, tỉ mỉ cải tiến cái sản phẩm mà với công nghệ hiện nay.

Họ bứt phá làm tốt, làm giàu và còn phát triển bền vững hơn khi họ biết chuẩn bị tốt để giao cho thế hệ kế thừa.

Phần còn lại của doanh nghiệp Việt Nam tôi phải suy nghĩ rất nhiều để viết vì quả là “vụt sáng vụt tắt”, “chưa kịp nổi thì đã chìm”. Nếu suốt chặng đường 30 năm kể từ khi Việt Nam mở của kinh tế từ năm 1986 đến nay, không biết có bao nhiêu doanh nghiệp kiểu “sáng nắng chiều mưa”, bị rơi rụng.

Nguyên nhân có những dạng doanh nghiệp không bền vững này chắc có lẽ có cả “nghìn lẻ một lý do”.

Do thể chế: Có lẽ chỉ có VN ta là có nhiều luật lệ giữa lý kinh tế nhất thế giới. Nhiều luật lệ lại trói buộc nhau, kiềm hảm theo dạng “nếu quản không được thì thôi là ra quyết dịnh cấm”; hoặc những qui định cho doanh nghiệp lại không phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cải tạo điều kiện cho để dùng quản lý của các cơ quan làm luật.

Về con người: Doanh nghiệp thì có trăm ngàn loại doanh nghiệp, có doanh nghiệp chỉ mơ “qua một đêm” là thành tỷ phú cho nên làm bất chấp luật lệ, bất kể rủi ro và nhất là “liều mạng” để được xứng danh “đại gia”.

Họ làm giàu bằng mọi giá, không màng dư luận, không thấy được tương lai đen tối của họ nếu vận hành doanh nghiệp bất chấp các thủ đoạn và rồi hậu quả là họ “sớm vụt sáng rồi cũng vụt tàn”.

Đa phần những doanh nghiệp này đôi khi họ đã tự chọn cho họ con đường làm giàu tốc độ, cũng có doanh nghiệp buộc rơi vào hoàn cảnh phải làm giàu bất chính vì nợ nần, vì hám danh.

Chính những doanh nghiệp dạng “đại gia” kiểu này bất chấp, lủng đoạn, mua chuộc, chỉ tập trung lợi ích cá nhân doanh nghiệp họ. Và họ để lại cho đất nước những lỗ hổng kinh tế không thể vá được.

Trong nhiều bức tranh tranh tối, tranh sáng các doanh nghiệp làm ăn chân chính lại chịu nhiều thiệt thòi nhất, bị kiểm soát, kiểm tra đủ kiểu, bị trói buộc trong nhiều tầng cấp quản lý.

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc công ty BITA’S: “Sở dĩ có nhiều “đại gia” nổi lên cồm cộm rồi vụt tắt nhanh chóng là do họ lợi dụng được chính sách không minh bạch”- Ảnh: Internet

Hãy trả lại một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính bằng cách: Chính phủ cần nỗ lực cụ thể hóa thêm các chủ trương kiến tạo phát triển đất nước bằng cách tạo thêm nhiều cơ chế, cơ hội cho doanh nghiệp phát biểu, trực tiếp chứng kiến.

“Thông quan” các chính sách kìm hãm doanh nghiệp như giải tỏa các quy hoạch treo làm vướng doanh nghiệp không đầu tư phát triển được, xem xét các chính sách về lao động, BHXH, y tế, cắt giảm các chi phí ăn vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp, trừng trị những kẻ làm hàng gian hàng giả…

Những kiến nghị hợp tình hợp lý có lợi chính đáng cho doanh nghiệp cũng như đất nước cần phải được chấp thuận, ủng hộ, không chờ xin ý kiến từng bộ ngành mà chỉ cần thông qua một đầu mối do chính phủ chỉ định. Đây là cơ chế mở để giải quyết cả việc cùng một chủ trương chung, những tỉnh thành khác nhau, hiểu khác nhau, giải quyết khác nhau.

Sở dĩ có nhiều “đại gia” nổi lên cồm cộm rồi vụt tắt nhanh chóng là do họ lợi dụng được chính sách không minh bạch. Họ có bảo đảm của một bộ phận công chức làm ngơ, che giấu họ. Về lâu dài đó là thảm họa của một quốc gia.

Cho nên với đại bộ phận các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm giàu căn cơ cần nhiều hơn các động lực. Trong đó động lực lớn nhất là họ cần các cơ quan, chính quyền phải chuyên nghiệp hơn để cải thiện chính sách gần gũi, che chở cho doanh nghiệp phát huy thế mạnh nội lực đóng góp đất nước.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn:

Tạo môi trường cho tư nhân sáng tạo

Muốn tư nhân phát triển cần tạo một môi trường để tư nhân phát triển có tính tự nhiên, sáng tạo. Các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần xem xét công nghệ mà các doanh nghiệp FDI mang đến có hay hơn, hiện đại hơn hay không.

Nếu công nghệ của DN FDI mang vào Việt Nam không hay hơn, sản phẩm không mới hơn so với công nghệ, sản phẩm mà DN tư nhân trong nước đang làm thì cần hạn chế, sàng lọc.

Chứ DN tư nhân Việt Nam đang phát triển sản phẩm A, công nghệ B mà các DN FDI cũng chỉ có như vậy thì chẳng khác nào chúng ta mang thêm sự cạnh tranh, không có sự sáng tạo, không có nghiên cứu phát triển thì không nên.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn:Kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh vì vậy cần hỗ trợ họ kịp thời, đừng để họ “thui chột”

Về chính sách vốn nên đánh giá vào dự án kinh doanh của DN nhiều hơn chứ không nhìn vào tài sản thế chấp.

Vì kinh tế tư nhân đa số là DN nhỏ và vừa, có nhiều dự án kinh doanh rất tiềm năng, rất sáng tạo, nếu nhìn vào tài sản thế chấp thì rất khó cho họ.

Nhà nước cần chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, về sản phẩm, công nghệ mới, chuyển giao công nghệ.

Nhà nước cần nhìn vào bức tranh tăng trưởng quá trình hoạt động kinh doanh của DN trong nhiều năm, như ba năm liên tiếp DN làm tốt, doanh thu tăng, nộp thuế đầy đủ thì nên có chính sách tốt dành riêng cho cho những DN này. Không nên đánh đồng họ với DN khác.

Ví dụ DN đang làm tốt với vài ngàn công nhân, quy mô lớn, đang phát triển thì cần hỗ trợ họ làm nhanh các thủ tục đất, hoặc cho tiếp tục thuê đất, hoặc tạo điều kiện cho DN mở thêm nhà máy mới…

Kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh vì vậy cần hỗ trợ họ kịp thời, đừng để họ “thui chột”, đừng để họ vừa lo quản trị DN vừa phải bận tậm vì các thủ tục hành chính, chính sách…

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình.

Cải cách cần quyết tâm

DNTN dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng tổng thể còn yếu, đặc biệt về tầm nhìn chiến lược kinh doanh cũng như các kĩ năng cần thiết của thời kì hội nhập, liên kết, tích hợp.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình: “Cải cách là rất khó, cải cách cần sự quyết tâm và bền lòng”

Nghị quyết Trung ương 5 nhìn thẳng, nhìn thật đã xác lập rõ ràng vị thế của kinh tế tư nhân là động lực của phát triển kinh tế đã mang lại một cú hích thật sự cho cả nền kinh tế cũng như thức tỉnh chính cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù vậy, chúng ta đều cần thẳng thắn nhìn nhận một vấn đề: cải cách là rất khó, cải cách cần sự quyết tâm và bền lòng, đặc biệt là đồng lòng và tinh thần ý chí kiên định từ Đảng – Nhà nước và Chính phủ.

Và chúng tôi cam kết luôn đồng hành trong tiến trình đó, dù khó khăn và thách thức rất nhiều.

Theo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh