Con người Bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch: Câu chuyện về...

Bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch: Câu chuyện về người thầy vĩ đại lay động hàng triệu người trên thế giới

69
Điều đặc biệt trong bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch nằm ở chỗ, thay vì nói về cái chết, ông đã quyết định nói về sự sống: Một sự sống đầy ắp những ước mơ, niềm tin, sự hứng khởi và tình yêu mãnh liệt dành cho những gì mà một người thật sự đam mê, thật sự quý trọng cuộc đời.


Ảnh minh họa

Giáo sư Randy Pausch sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Brown, lấy bằng tiến sĩ trong ngành khoa học máy tính tại Trường Đại học Carnegie Mellon. Ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy vào năm 1997.

Ngoài việc giảng dạy bộ môn Khoa học Máy tính, Tương tác Người – Máy và bộ môn Thiết kế tại trường Đại học, ông còn cộng tác với nhiều tên tuổi nổi tiếng như Adobe, Google, Electronic Arts (EA), Walt Disney Imagineering và cũng là người khởi xướng đề án Alice…

Giáo sư Randy Pausch đã thực hiện ” Bài giảng cuối cùng” vào ngày 18/9/2007 khi ông 47 tuổi.

“Bài giảng cuối cùng” là một dự án của trường Carnegie Mellon, dành cho những giáo sư tiến sĩ trước khi về hưu hoặc chấm dứt sự nghiệp giáo dục của mình.

Và đây không phải là một buổi giảng tại một giảng đường nhỏ dành cho một lớp học 30-40 sinh viên mà là dành cho hàng trăm người tham dự. Vì lý do sức khỏe, Giáo sư Randy Pausch đã thực hiện “Bài giảng cuối cùng” vào ngày 18/9/2007 khi ông 47 tuổi.

Không chỉ người dân ở Mỹ mà khắp thế giới đều dõi theo bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch

Bài giảng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ với sự tham gia của hơn 500 người gồm các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Carnegie Mellon.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bài giảng của thầy Pausch đã được ghi hình và đăng tải rộng rãi lên trang Youtube. Tính tới nay, video clip này đã thu hút hơn 18 triệu lượt xem.

Thầy Pausch được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối vào năm ông 47 tuổi. Vì thế, ông chỉ có một thời gian ngắn ngủi để chuẩn bị bài giảng đầy tâm huyết cho thế hệ trẻ về việc làm thế nào để không đánh mất ước mơ.

Vài tháng sau buổi giảng đáng nhớ đó, Giáo sư Randy Pausch đã vĩnh viễn rời khỏi thế giới này. Trước khi qua đời, ông cũng hoàn thành và xuất bản cuốn sách “Bài giảng cuối cùng”. Tác phẩm này đã được dịch ra 18 thứ tiếng và từng được xuất bản tại Việt Nam.

Cuốn sách Bài giảng cuối cùng được dịch ra hơn 18 thứ tiếng.

Thông điệp ý nghĩa trong bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch

Chỉ trong hơn một giờ đồng hồ, thầy Pausch đã trình bày bài phát biểu sâu sắc về chủ đề “thực sự đạt được những giấc mơ của mình”.

Các sinh viên ví bài giảng của ông vào ngày hôm đó chẳng khác nào một bữa tiệc tràn ngập các cung bậc cảm xúc bao gồm cả tiếng cười lẫn những giọt nước mắt. Vậy, nội dung mà ông đã truyền tải là gì?

“Bài giảng cuối cùng” được bắt đầu với hình ảnh chụp CT lá gan của ông với hơn 10 khối u khác nhau. Giáo sư Pausch đã xin lỗi những người đang ngồi phía dưới giảng đường nếu họ lầm tưởng rằng, ông ta đang yếu đuối và buồn chán.

Ngay sau đó, ông thực hiện động tác hít đất và giải thích rằng, đây là cách ông vượt qua bệnh tật. Không những vậy, ông còn bông đùa rằng, ông có thân hình thon gọn hơn tất cả mọi người.

“Đừng bao giờ đánh mất sự kỳ diệu của một đứa trẻ”… “Hãy tỏ lòng biết ơn… “Đừng than phiền”… “Hãy làm việc chăm chỉ hơn”… “Không bao giờ bỏ cuộc”, đó là các thông điệp mà giáo sư Pausch nhắn gửi tới người xem.

Trong suốt quá trình giảng bài, ông lần lượt trình chiếu những hình ảnh từ thơ bé của mình và không ngừng nhấn mạnh đến từng ước mơ cũng như tham vọng của ông vào thời điểm đó.

Giáo sư Pausch giải thích về cách ông đã đạt được ước mơ, cách ông giúp bạn bè mình cùng đạt được ước mơ của họ.

Không giống mọi người, giáo sư Pausch không đề cập tới vấn đề tâm linh hay tôn giáo, ông lấy góc nhìn từ một người đàn ông đang đối mặt với cái chết và đánh giá lại những điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống.

“Đừng bao giờ đánh mất sự kỳ diệu của một đứa trẻ”… “Hãy tỏ lòng biết ơn… “Đừng than phiền”… “Hãy làm việc chăm chỉ hơn”… “Không bao giờ bỏ cuộc”, đó là các thông điệp mà giáo sư Pausch nhắn gửi tới người xem.

Hầu hết, những ước mơ thuở bé của Pausch đều đã trở thành hiện thực và thật vinh quang. Chẳng hạn như, tên ông ấy xuất hiện trong cuốn Bách khoa toàn thư thế giới.

Ông đã được bay lơ lửng trong môi trường không trọng lượng và gặp William Shatner, một diễn viên, MC, nhà biên kịch… Chương trình Rescue 911 do Shatner làm MC đã dành được giải chương trình truyền hình được khán giả yêu thích nhất.

Giáo sư Pausch giải thích về cách ông đã đạt được ước mơ, cách ông giúp bạn bè mình cùng đạt được ước mơ của họ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu như không thể đạt được ước mơ thì chúng ta cũng đã tích lũy được những kinh nghiệm phong phú khác. “Kinh nghiệm là những gì bạn nhận được khi bạn không thể chạm tay vào ước muốn của mình”, Giáo sư Pausch chia sẻ.

Cũng trong buổi giảng bài này hôm đó, ông tiết lộ rằng, mình chưa bao giờ làm thủ môn trong một trận bóng bầu dục.

Vậy nên, ba tuần sau buổi thuyết trình, Pittsburgh Steelers, một đội tuyển bóng bầu dục ở nước Mỹ, đã mời ông tham gia buổi tập của họ để ông có thể hoàn thành giấc mơ gia nhập Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia dù chỉ trong một ngày.

Mái ấm gia đình – Động lực cho những quan điểm tích cực của Giáo sư Randy Pausch

Quan điểm tích cực của ông dường như đến từ mái ấm gia đình. Một vài hình ảnh trong bài thuyết trình cho thấy, ông và người mẹ thân yêu đã cùng nhau chạy xe đua vào sinh nhật lần thứ 70 của bà.

Không những vậy, khán giả còn được chiêm ngưỡng hình ảnh bố của Giáo sư Pausch ngồi tàu lượn khi ông đã bước sang tuổi 80.

Người mẹ thân yêu của Giáo sư Pausch chạy xe đua vào sinh nhật lần thứ 70 của bà.

Khoảnh khắc cảm động nhất trong buổi thuyết trình là khi Pausch mang ra chiếc bánh sinh nhật và thông báo hôm nay là ngày sinh nhật của vợ ông. Pausch cùng hơn 500 người đã hát vang bài “Chúc mừng sinh nhật” khi vợ ông thổi nến.

“Đó là một khoảnh khắc đầy cảm xúc”, biên tập viên Zaslow của tờ The Wall Street Journal nói. “Tôi đã xem lại giây phút ấy cả trăm lần và tôi chưa bao giờ thấy thế là đủ. Đó là một hành động thật ngọt ngào và lãng mạn mà Giáo sư Pausch đã dành cho vợ mình, bà Jai.

Giây phút cảm động khi Giáo sư Pausch chúc mừng sinh nhật vợ tại giảng đường

Bà Jai kể với tôi rằng, khi bà ấy ôm hôn chồng mình để cám ơn, bà đã thì thầm với ông rằng: “Anh Pausch, xin anh đừng ra đi”… Mặc dù người xem đoạn video clip không thể nghe được câu nói ấy, nhưng nó đã được đưa vào cuốn sách mà Giáo sư Pausch viết trong những tháng cuối cùng.

“Bài giảng cuối cùng” đã được hoàn tất gấp gáp trong thời gian kỷ lục bởi những lý do mà ai cũng hiểu.

Giáo sư Pausch nói về sinh viên, bạn bè và đồng nghiệp của mình theo lối thật hài hước nhưng cũng thấm đẫm yêu thương. Và đương nhiên, họ cũng dành cho ông thật nhiều tình cảm trân trọng.

Giáo sư Pausch bên gia đình nhỏ của mình.

Ông kết thúc bài giảng với vài lời giải thích rằng: Thứ nhất, bài giảng của tôi không thực sự nói về việc “phải làm thế nào để đạt được ước mơ”. Nó chỉ đơn giản nói về cách bạn nên sống ra sao mà thôi.

Nếu bạn dẫn dắt cuộc đời mình theo đúng hướng, bạn sẽ nhận được những “trái ngọt” và nhiều ước mơ sẽ tự đến với bạn. Thứ hai, để kết thúc bài thuyết trình của mình, Giáo sư Pausch phát biểu rằng: “Bài thuyết trình này không dành cho các bạn mà nó dành cho 3 đứa con của tôi”.

Tạp chí Time đã vinh danh Tiến sĩ Pausch là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Tờ báo ABC từng công bố, ông là một trong ba người đạt danh hiệu “Nhân vật của năm” vào năm 2007. Oprah Winfrey, nữ MC nổi tiếng đạt giải Emmy đã hứa dành cho ông 10 phút để trò chuyện và Giáo sư Pausch sử dụng nó để làm một phiên bản ngắn gọn cho bài thuyết trình của mình.

Theo Trí Thức Trẻ