Marketing Tiếp thị đại sứ thương hiệu

Tiếp thị đại sứ thương hiệu

23
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, các nhà sản xuất không ngừng đưa ra những sản phẩm mới.
Song chiến dịch tung sản phẩm mới chỉ thành công khi họ lôi kéo được nhiều khách hàng quan tâm sử dụng. Đây là việc của các chiêu thức tiếp thị, làm sao cho ấn tượng và hiệu quả, luôn là bài toán không dễ đối với nhiều doanh nghiệp.
Và thực tế, mỗi khi có một sản phẩm mới ra đời, nhà sản xuất đều phải căng đầu lựa chọn các giải pháp tiếp thị cho mình giữa một rừng các chiêu thức cũ và mới: Tiếp thị bằng “mỹ nhân”, bằng khuyến mại hay tạo xìcăngđan…
Tiếp thị “đại sứ thương hiệu” lên ngôi
Là một cách không mới, giải pháp này đã được nhiều thương hiệu sử dụng, rất phổ biến trên mặt báo và các chiến dịch truyền thông. Trong thế giới người nối tiếng, tỉ lệ người đại diện cho một sản phẩm hay làm đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng nào đó đang là một xu hướng thời thượng.
Có thể kể đến như, Mai Phương Thuý, sau khi đăng quanh ngôi vị Hoa hậu Việt Nam năm 2006, cô đã được mời làm đại diện thương hiệu cho Melinh Plaza và Eurowindow. Hay diễn viên-doanh nhân Lý Nhã Kỳ và ca sĩ Hồng Nhung quảng cáo cho hãng ô tô Mecedes Benz. Hồ Ngọc Hà là đại sứ thương hiệu cho Sunsilk và Toshiba; Mỹ Tâm và Văn Quyến đại diện cho Pepsi…
Tiếp thị bằng “mỹ nhân” là một giải pháp đang được nhiều thương hiệu lựa chọn
Và thực tế, những thương hiệu, sản phẩm này đã ít nhiều thành công nhờ sự xuất hiện của người nổi tiếng trong các chiến dịch trruyền thông, quảng bá của mình.
Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Hồ Ngọc Hà, một gương mặt đã từng rất “hot” trong làng giải trí đã khẳng định rằng “đại sứ thương hiệu là con dao 2 lưỡi”. Nhiều khi sản phẩm bị ảnh hưởng bởi người làm đại diện dính vào một scandal nào đó, như Pepsi đã từng thiệt hại bởi tai tiếng bán độ của Văn Quyến, hoặc một nhà mạng di động từng phải làm lại cả chiến dịch truyền thông chỉ bởi nhân vật nổi tiếng bỗng chốc ôm về tai tiếng…
Bên cạnh đó, những người làm đại sứ thương hiệu cũng gặp không ít áp lực. Dễ thấy nhất là khi ký hợp đồng làm đại sứ thương hiệu, họ đương nhiên phải cam kết “không được xuất hiện trong các chương trình có sự tham gia của sản phẩm đối thủ”.
Lý do này đã từng khiến nhiều ca sĩ, người mẫu đã bị “lỡ” show chỉ vì show diễn đó do đối thủ cạnh tranh với “sản phẩm của mình” làm tài trợ. Thậm chí, chỉ một chút hớ hênh, những “đại sứ thương hiệu” này có thể sẽ bị “rắc rối” vì vô tình có hình ảnh trong chiến dịch truyền thông của sản phẩm cạnh tranh.
Kiểu truyền thống vẫn được trọng dụng
Bên cạnh những DN tung tiền thuê người đẹp làm tiếp thị quảng bá đình đám, có thể thấy rất nhiều DN vẫn chung thủy với kiểu tiếp thị truyền thống, đưa nhân viên của mình tiếp cận khách hàng, và vẫn đạt hiệu quả.
Nhà máy bia Đông Nam Á là một điển hình trong việc lựa chọn cách này. Coi đây là một “công nghệ tiếp thị chân tình”, nhày máy này đã đào tạo những nhân viên trẻ thật chuyên nghiệp để giới thiệu sản phẩm bia Halida Thăng Long đến người tiêu dùng một cách trung thực.
Theo đó, mỗi khi sản phẩm Halida Thăng Long được sử dụng trong các tiệc cưới, công ty sẽ cử những nhân viên năng động, nhẹ nhàng, thanh lịch, đến từng bàn để giới thiệu và trò chuyện cùng thực khách. Những thông tin trao đổi như lịch sử đất Thăng Long – Hà Nội, nguồn gốc ra đời sản phẩm bia Halida Thăng Long hoặc những vấn đề thời sự trong ngày của các nhân viên này từng được nhiều khách hàng đánh giá cao.
Vừa qua, tại giải bóng đá Smart Doorcup 2009, với tư cách là nhà đồng tài trợ, khán giả hâm mộ cũng được chứng kiến sự xuất hiện ấn tượng của các nhân viên của Halida Thăng Long. Trong những bộ trang phục mang màu cờ sắc áo Việt Nam, họ mời khách uống bia chia sẻ cảm giác chiến thắng với các tuyển thủ Việt Nam, đồng thời cũng là những cổ động viên nhiệt tình, đã tạo được một hình ảnh thân thiện với khán giả đến xem thi đấu bóng đá.
Tương tự Halida, nhà hàng Cơm Niêu Thúy Nga có cách tiếp thị khá ấm áp là mỗi khi khách hàng đến thưởng thức các món ăn tại đây, trong lúc chờ thực đơn sẽ được đọc những câu chuyện cười đặt trên bàn. Chị Thúy Nga, chủ nhà hàng đã miệt mài sưu tập và chép truyện cười bằng tay để mỗi người khách đến nhà hàng đều mang nụ cười trở về.
Như vậy có thể thấy, tiếp thị chân tình hay còn gọi là tiếp thị bằng tấm lòng thật sự đang là một công nghệ thông minh và hiệu quả. Nói như lời khẳng định của ông Nguyễn Thế Tùng, GĐ bia Halida Thăng Long: “Bên cạnh chất lượng trung thực, tấm lòng và sự mến khách của người bán hàng chính là sự kết nối cảm xúc lâu dài nhất để người tiêu dùng ấn tượng mỗi khi uống một chai bia”. 

Theo Tuần Việt Nam