Chiến lược Dù biết nhiều đến đâu, bạn vẫn có thể thất bại trong...

Dù biết nhiều đến đâu, bạn vẫn có thể thất bại trong kinh doanh

361
Ăn nói nhỏ nhẹ, miệng cười rộng, luôn hào phóng dành thời gian và đưa ra lời khuyên cho người khác, đó dường như không phải là những đặc điểm người ta tìm kiếm ở một doanh nhân tiềm năng.


Ảnh minh họa

Nhưng khi Joe Mimran xuất hiện trên chương trình truyền hình nổi tiếng của Canada – Dragons’ Den, một chương trình truyền hình thực tế cho phép các doanh nhân khởi nghiệp trình bày ý tưởng của họ nhằm có được các khoản đầu tư từ một hội đồng các nhà tài phiệt, ông đã thể hiện mình như vậy.

Joe nhớ lại và giải thích: “Có lẽ lý do là vì khi đó tôi đã đem tất cả nhiệt huyết cùng lòng quyết tâm để thể hiện ý tưởng ấp ủ tới hội đồng”.

Sinh ra ở Morocc năm 1952, người đàn ông nhập cư gốc Do Thái này được biết đến như người đã tạo động lực mạnh mẽ cho các thương hiệu thời trang hàng đầu như Joe Fresh hay Club Monaco. Nhưng sự nghiệp của ông cũng trải qua không ít thăng trầm.

Joe luôn cho rằng mình không thông minh hơn bạn bè, nhưng đã tìm được niềm đam mê trong công việc từ khi còn nhỏ.

Ông tâm sự: “Tôi yêu thích thiết kế và luôn muốn trở thành một doanh nhân”.

Năm 12 tuổi, ông được mẹ may cho một bộ vest răng cưa (Houndstooth suit) vì ông luôn muốn ăn mặc giống Sean Connery (diễn viên nổi tiếng người Scotland). Và mặc dù có cha là một người buôn bán tạp hóa, niềm đam mê của ông lại được thôi thúc bởi các bộ vest và váy từ việc kinh doanh quần áo của mẹ. Joe thường giúp mẹ điều hành công ty, và sau đó đã được mẹ tin tưởng giao quyền quản lý xưởng may nhỏ nằm trong khu xưởng may ở Toronto.

Ông hồi tưởng: “Tôi luôn muốn làm kinh doanh và đó là điều tuyệt vời để học thêm các kỹ năng”.

Công ty gia đình của Joe ban đầu tập trung chủ yếu vào việc bán quần áo may sẵn cho phụ nữ. Nhưng Joe và anh trai Saul muốn tiến xa hơn nữa. Họ thuê Alfred Sung – nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Canada sinh ra ở Trung Quốc, giúp họ có một bộ thiết kế thời trang đường phố, rồi đem bán những mẫu đó trên đường cao tốc, điều mà trước đó chưa có ai làm.

Joe nhớ lại: “Việc đó đã tạo ra ấn tượng rất mạnh tới khách hàng và giúp tôi nhận ra rằng việc kinh doanh là một ván bài rất đáng chơi”.

Một ngày, đó là vào những năm 80, khi đi mua sắm và tìm kiếm một chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, rồi không thể tìm thấy cái áo yêu thích, ông quyết định sáng tạo ra một nhãn hiệu thời trang cao cấp mới với giá cả phải chăng. Nó được gọi là Club Monaco.

Không may, Club Monaco đã có một khởi đầu chông gai. Hai trong số các chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất của Canada vào thời điểm đó là The Bay và Eaton đã quyết định không bán sản phẩm của Joe, cắt đứt lộ trình chính tiến ra thị trường của ông. Công ty của Mimrans rơi vào bế tắc, vì chẳng có nơi nào nhận bán sản phẩm của họ.

Tự kiểm điểm và thấy rằng mình “đã đạt được tất cả các điều kiện tốt nhất” về sản phẩm, Joe quyết định “chỉ có một cách để đi tiếp là tự mở các cửa hàng của chính mình”. Vào thời điểm đó, ông cho biết, là một động thái rất bất thường, vì các cửa hàng bán lẻ thường mua các sản phẩm của họ từ các nhà bán sỉ.

Sự quyết đoán của Joe đã mang lại thắng lợi khi “có rất nhiều hàng người xếp hàng vòng quanh tòa nhà” trong ngày đầu tiên Club Monaco được mở cửa ở Toronto.

“Đôi khi bạn phải lao vào mà làm”, ông nói, “thậm chí khi mọi người phản đối”.

Chia sẻ thêm về bài học này, ông kể: Có lần, một trong những nhân viên bán hàng đã cảnh báo ông về việc xây dựng xưởng sản xuất đồ thể thao. Người này cho rằng ông không có kinh nghiệm về phân khúc này. Nhưng ông đã bỏ ngoài tai lời khuyên đó.

“Chúng tôi đã sa thải anh ấy, và vẫn tiếp tục kế hoạch”, ông giải thích về quyết định của mình: “Rất nhiều doanh nhân, với nhiều sai lầm trong quá khứ, sẽ cố can ngăn người khác. Nhưng, ý tưởng của bạn vẫn có thể được thực hiện theo một phương pháp hoàn toàn mới – cách mà không một người cực kỳ kinh nghiệm nào đã từng trải qua, có thể trải qua hay đoán được kết quả”. Và Club Monaco đã thành công nhờ triết lý này của nhà sáng lập.

Thương hiệu Club Monaco lan rộng khắp New York, tới cả các thủ phủ khác trước khi nó bị mua lại bởi người khổng lồ trong ngành thời trang Polo Ralph Lauren vào năm 1999, với giá 52,5 triệu đô la.

Sau đó, ông tiếp tục tung ra các thương hiệu mới, từ thương hiệu đại chúng như Joe Fresh, cho tới chuỗi siêu thị Loblaw – chuỗi siêu thị hoạt động rộng khắp ở Canada và Hoa Kỳ. Các sản phẩm của Công ty dần khác xa những thiết kế mà mẹ ông từng may.

Tuy nhiên, con đường kinh doanh của Joe cũng không phải được trải thảm.

Sự ra đời của “thời trang ăn liền”, hay xu hướng bán lẻ trực tuyến, cùng các thay đổi theo phong cách hiện đại ở các cửa hàng lớn, nơi các nhà thiết kế như ông đã từng dựa vào việc trưng bày sản phẩm để bán hàng, tất cả đã tạo một trở ngại lớn cho các hãng thời trang mang phong cách truyền thống như của ông.

Tanmay Manohar – nhà tư vấn phong cách cho nam giới nổi tiếng ở New York nhận xét rằng xu hướng thời trang đã thay đổi. Ông phân tích: “Trong quá khứ, có một cái gì đó theo khuôn mẫu mà bạn cần phải làm theo để bán hàng. Tuy nhiên, giờ đây, bạn chỉ cần gửi tin nhắn đi, bằng một phương tiện truyền thông. Đó là thế giới với chỉ một cú click chuột. Bạn cần có các phản ứng nhanh nhạy trong một thế giới đầy các ứng dụng và sự thỏa mãn tức thì này”.

Joe hiểu điều đó, vì ông luôn tự nhắc bản thân rằng thành công không bao giờ là chắc chắn trong thế giới đầy cạnh tranh này.

“Tôi không tài giỏi hơn bất kỳ ai khác ngoài kia, bởi vì mọi thứ đều chỉ tồn tại ở một thời điểm. Và dù bạn biết nhiều đến đâu, bạn vẫn có thể thất bại trong kinh doanh”, Joe nói.

Nhà thiết kế thời trang Joseph Tassoni, nhà thiết kế trang phục nam của Joseph Mimran & Associates nhận xét rằng, sự khiêm tốn chính là chìa khóa thành công của Joe Mimran. Ông cho biết: “Từ người quét dọn đến các thành viên trong ban quản lý cấp cao, tất cả đều được Joe chào hỏi cẩn thận vào đầu mỗi ngày làm việc”.

“Anh ấy lắng nghe ý tưởng, khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu, khiến bạn thậm chí có thể đi xa hơn tầm nhìn và mục tiêu của chính bạn”, Joseph nói về Joe Mimran.

Theo DNSG