Tin tức lưu trữ Sản phẩm dịch vụ của MISA trong năm 2018 sẽ phải Thông...

Sản phẩm dịch vụ của MISA trong năm 2018 sẽ phải Thông minh hơn – Nhanh hơn – Hiệu quả hơn

135

Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2017, công ty đã lựa chọn thông điệp “Suy nghĩ nhanh – Hành động nhanh – Thay đổi nhanh”, trước những biến đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong suốt một năm qua, năm 2018 công ty sẽ chọn thông điệp hành động là gì?

Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long: Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 khiến cả xã hội phải vận động nhanh hơn và tạo ra nhiều sự thay đổi. Chính vì vậy, MISA cũng luôn thay đổi để thích nghi với sự vận động này. Phương châm hành động trong năm 2018 của MISA là: Thông minh hơn – Nhanh hơn – Hiệu quả hơn.
Thông minh hơn – Xu thế phổ biến và dễ nhận thấy trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là thông minh. Trước đây, các đồ dùng hết sức bình thường như bóng đèn, tủ lạnh, lò vi sóng,… vốn chỉ là vật vô tri vô giác, thì trong cuộc cách mạng này, chúng được tích hợp thêm những công nghệ để trở thành các sản phẩm thông minh. Thiết bị thông minh, xã hội thông minh, mọi thứ đều trở nên thông minh. Chính vì vậy, các sản phẩm của MISA, con người MISA cũng cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế thông minh này.
Nhanh hơn – Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, mọi thứ đều diễn ra với tốc độ nhanh chóng, vì vậy mọi hành động của các bộ phận trong guồng quay MISA – từ khối kinh doanh, phục vụ khách hàng tới các khối sản xuất, hỗ trợ cũng phải diễn ra nhanh hơn. Kinh doanh phải phục vụ khách hàng nhanh hơn, sản phẩm phải phát hành nhanh hơn, các quyết định của cấp quản lý phải ra kịp thời với thực tế hơn nữa.
Hiệu quả hơn – Khi cả bộ máy thay đổi, điều quan trọng nhất để xem việc chuyển mình đó có đúng hướng không, đó là đánh giá hiệu quả. Khi bộ máy vận hành nhanh hơn, đầu tư nhiều nguồn lực hơn, nếu không có sự chuẩn bị cẩn thận, rất dễ tạo ra tác dụng ngược. Chẳng hạn như làm nhanh dễ dẫn tới cẩu thả hay lãng phí. Trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, hoàn toàn không có chỗ cho sự kém hiệu quả.

PV: Ông vừa chia sẻ về xu thế thông minh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, vậy các yếu tố thông minh trong sản phẩm của MISA thì sao thưa ông?

Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long: Loài người thay đổi từ đồ đá qua đồ đồng, đồ sắt tới các giai đoạn phát triển hơn như cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa, vi tính hóa, đến khi ứng dụng những công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể coi là được thông minh hóa. Khi phương thức sản xuất thay đổi, tất cả các sản phẩm cũ nếu muốn tồn tại phải ở hình thái mới, không chỉ tự động mà phải thông minh.

Hiện tại, các sản phẩm MISA đang cung cấp mới chỉ dừng ở mức là công cụ cho khách hàng. Tôi lấy ví dụ, phần mềm kế toán của MISA đang là công cụ cho những người làm kế toán, hạch toán. Sau khi thay đổi, phần mềm kế toán của MISA sẽ trở thành nhân viên kế toán số, kế toán trưởng số, giám đốc tài chính số để tính toán chính xác và nhanh hơn. Và những điều tưởng chừng chỉ thấy trong phim khoa học viễn tưởng như một con robot thực hiện các mệnh lệnh của con người, nay sẽ trở thành hiện thực. Nói cách khác, các sản phẩm của MISA sẽ trở thành những thực thể độc lập để thực hiện những yêu cầu của người dùng, không khác gì trong các bộ phim của Hollywood.

Để hiện thực hóa mong muốn này, bộ máy của MISA sẽ thay đổi theo hai hướng:

Thứ nhất là, sản xuất phải theo những hình thái thông minh chứ không phải hình thái thông thường. Hình thái thông thường là khi chúng ta tạo ra sản phẩm bằng cách lắp ghép các bộ phận rời rạc thành hoàn chỉnh, sau đó đưa tới khách hàng. Hiện tại, MISA đang sản xuất phần thành phần, các module bằng cách lập trình, đóng gói thành sản phẩm hoàn chỉnh để mang tới cho khách hàng. Tất nhiên, hình thái này đã ưu việt hơn rất nhiều so với việc sản xuất các mặt hàng cơ khí, thủ công, nhưng khi chuyển sang sản xuất thông minh thì cách làm phải khác.

Để tạo ra một sản phẩm thông minh cũng giống như tạo ra một con robot, cần trải qua nhiều công đoạn. Công đoạn đầu là tạo ra phần khung, phần kết cấu cho robot (hardware). Công đoạn này tương đối giống cách tạo ra công cụ. Các công đoạn tiếp theo mới là phần quan trọng nhất. Đó là tạo ra phần não, phần tri thức cho con robot, ban đầu chúng ta sẽ nạp tri thức cho robot để thực thi yêu cầu. Trong quá trình làm việc, các yếu tố thông minh trong robot sẽ giúp nó tự học để càng làm việc, nó sẽ càng thông minh hơn, giàu kinh nghiệm hơn, làm việc ngày càng tốt hơn.

Tóm lại, để tạo ra sản phẩm thông minh thì hình thái sản xuất phải thay đổi sang hướng thông minh. Những gì chúng ta đang làm bây giờ chỉ là sự khởi đầu. Tiếp đó là quá trình nạp tri thức, “dạy học” cho sản phẩm và sản phẩm “tự học” để đích đến cuối cùng là sản phẩm ngày một thông minh hơn.

Thứ hai là, những người tham gia vào hình thái sản xuất mới cũng phải thông minh hơn. Điều này là tất yếu. Mọi vị trí trong bộ máy, từ những người làm kinh doanh, sản xuất, quản lý đến tư vấn, hỗ trợ đều phải thay đổi theo hướng thông minh hơn, nếu không sẽ bị mất đi vị trí, vai trò. Những công việc đơn giản, chân tay, thủ công sẽ được thay thế bằng máy móc. Người lao động sẽ tập trung vào việc nâng cao trình độ để vận hành hệ thống đó.

PV: 2017 là năm MISA đã có những bước đi đầu tiên trên con đường mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Vậy năm nay, ông đã vạch sẵn chiến lược gì để Go Global (Toàn cầu hóa) cho tổ chức của mình?

Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long: Hồi tưởng lại hành trình phát triển, khẩu hiệu thời kỳ đầu của MISA là “Phần mềm phổ biến nhất”. Tôi nhớ thời điểm MISA đưa ra khẩu hiệu này dựa trên ước muốn, khát vọng rằng phần mềm MISA sẽ có mặt trên khắp đất nước Việt Nam, đi tới bất cứ nơi đâu cũng thấy người sử dụng. Sau 23 năm lao động miệt mài của toàn thể cán bộ nhân viên MISA qua nhiều giai đoạn, cho đến thời điểm này, giấc mơ đó đã trở thành hiện thực. Hiện MISA có hơn 155.000 khách hàng là đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và hơn 1 triệu khách hàng cá nhân sử dụng các phần mềm, dịch vụ của MISA. Hơn thế, MISA cũng đã có những khách hàng đầu tiên tại Mỹ, Đức, Áo, Canada, Úc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Myanmar, thậm chí cả Mozambique. Trong suốt năm 2017, MISA liên tục đưa ra nhiều cải tiến để sản phẩm của mình tương hợp với nhu cầu và thị trường quốc tế. Năm 2018, MISA sẽ tiếp tục thực hiện khát vọng “Phần mềm phổ biến nhất” nhưng không chỉ ở thị trường Việt Nam mà sẽ lan rộng ra các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.

PV: Thật là một thông tin hết sức thú vị và đầy tham vọng. Vậy theo ông, những khó khăn, thách thức nào mà MISA sẽ phải vượt qua để Go Global thành công?

Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long: Có thể nói, muốn Go Global thành công mà chỉ ngồi ở Việt Nam là rất khó. Bởi đội ngũ hiện tại của MISA đang làm việc theo thói quen, tư duy và văn hóa Việt Nam trên đất nước Việt Nam. Nhưng để thành công ở nước ngoài, tôi cho rằng MISA cần phải làm được nhiều hơn thế. Để kinh doanh trên thị trường toàn cầu, chúng ta cần có tầm nhìn, tri thức, con người, văn hóa toàn cầu.

Xu hướng mở rộng kinh doanh toàn cầu đã có từ rất lâu, SONY là một ví dụ điển hình. Thời điểm SONY mới chỉ bán máy ghi âm ở Nhật, họ đã làm rất tốt. Các sản phẩm của họ chất lượng hơn, nhỏ hơn, rẻ hơn so với hàng nhập từ Mỹ hay châu Âu. Nhưng khi họ mang sản phẩm đó ra nước ngoài thì thất bại. Ông Akio Morita – Chủ tịch SONY thời điểm đó đã nhận ra: Nếu chỉ ngồi ở Nhật thì SONY không thể nào bán hàng ở nước ngoài được. Và ông đã quyết định chuyển sang Mỹ, mở văn phòng, thuê kỹ sư, nhân viên là người Mỹ. Điều này giúp ông nhận ra rằng, để bán được hàng ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới, phải cần những người đã có sẵn tư tưởng, tri thức toàn cầu. Có như vậy, họ mới làm được những sản phẩm, bán sản phẩm cho toàn cầu. Sau vài năm, SONY đã bán hàng ngập tràn nước Mỹ và được cả thế giới biết đến các sản phẩm chất lượng của họ.

Đó là câu chuyện của thế giới. Nhìn gần hơn, câu chuyện toàn cầu hóa đã được Tập đoàn FPT thực hiện từ những năm cuối thập niên 90 với chiến lược xuất khẩu phần mềm. Muốn bán hàng cho Tây mà chỉ ngồi ở Việt Nam là rất khó, FPT đã mở văn phòng đầu tiên ở Mỹ, ở Nhật và các nước khác và họ đã thành công.

Từ câu chuyện của SONY, của FPT hay nhiều doanh nghiệp khác, tôi nhận thấy: để Go Global thành công thì cần phải làm được hai việc: Đầu tiên là mở được trụ sở ở nước mà chúng ta muốn hướng tới; Kế đó là đội ngũ nhân sự phải có tư tưởng, trình độ, tầm nhìn toàn cầu. MISA muốn Go Global thành công thì ngoài thay đổi sản phẩm, chúng ta cũng cần có đội ngũ thực sự “Go Global”.

Và để hiện thực hóa khát vọng vươn ra toàn cầu, học tập kinh nghiệm của các công ty như SONY, MISA sẽ đi bước đi đầu tiên là mở trụ sở ở nước ngoài, tìm kiếm những kỹ sư, những người làm kinh doanh tại Mỹ để giúp chúng ta bán được sản phẩm ra toàn cầu. Họ không phải số đông nhưng họ có tầm nhìn, có kiến thức để làm việc đó, khi cần hiệu chỉnh sản phẩm, họ có thể gửi yêu cầu để đội ngũ ở Việt Nam xử lý và sản xuất theo yêu cầu của thị trường nước ngoài.

Tôi tin rằng, với hàng loạt các sản phẩm đang cung cấp trên nền tảng cloud như phần mềm quản lý cửa hàng thời trang MShopKeeper, phần mềm quản lý nhà hàng, quán ăn, quán cafe CUKCUK.VN, MISA hoàn toàn có đẳng cấp để vươn ra thị trường trong khu vực và trên thế giới. MISA có thể ngay lập tức chưa mạnh mẽ tại thị trường Mỹ, nhưng những trải nghiệm tại nước Mỹ có thể giúp MISA tiến vào châu Âu hay hàng loạt các quốc gia khác như Lào, Cambodia, Myanmar, Banglades, Ấn Độ – các quốc gia có trình độ dân trí, mức độ hiểu biết về công nghệ thông tin ngang tầm với Việt Nam. Khi đó, MISA sẽ có lợi thế về sản phẩm và hoàn toàn có thể cạnh tranh được.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ quý báu của ông. Kính chúc ông có thật nhiều sức khỏe, sự thông tuệ để dẫn dắt đội ngũ MISA thực hiện được những khát vọng, hoài bão mới, vươn rộng sứ mệnh của MISA ra toàn thế giới!