Chiến lược CSR – Bài học vỡ lòng của doanh nghiệp

CSR – Bài học vỡ lòng của doanh nghiệp

93
Ngày nay, tuy đã quan tâm hơn đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), nhưng nhiều công ty vẫn chọn giải pháp an toàn và phổ biến nhất là làm từ thiện (Corporate Philanthropy – CP). 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có không ít doanh nghiệp (DN) sử dụng hoạt động này như một cách quảng bá thương hiệu. Vậy những DN này có thực sự đạt được lợi ích thiết thực đối với sự tồn tại và phát triển của họ, hay đó chỉ là những giá trị truyền thông tức thời? 
Về mặt lợi ích, CSR mang đến cho DN nhiều giá trị hơn các hoạt động từ thiện đơn thuần. Lấy ví dụ, một công ty bảo hiểm lớn ở nước ta đã quyên góp 1 tỷ đồng hỗ trợ lương thực, quần áo và tiền mặt cho các hộ dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa. 

Tuy nhiên, hoạt động từ thiện này chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các nhóm cộng đồng cần trợ giúp, chứ không thực sự giúp họ vượt qua khó khăn về lâu dài, cũng như không mang đến lợi ích cụ thể cho DN ngoài những thay đổi nhất thời về danh tiếng.
Trong khi đó, thực hiện CSR thực chất là quá trình đóng góp và thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài DN. DN có thể thực hiện CSR thông qua các hoạt động cải thiện từ bên trong, xây dựng hệ thống quản trị vững mạnh, hiệu quả, tạo nên giá trị cao nhất với mức ảnh hưởng thấp nhất đến môi trường và xã hội. Đồng thời, CSR khuyến khích DN đóng góp tài nguyên và tâm huyết vào sự bền vững chung của cộng đồng, trở thành một công ty có trách nhiệm với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ, cũng DN bảo hiểm trên, bằng cách đầu tư vào CSR nhằm cải thiện quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết các trường hợp bồi thường cho khách hàng là chủ xe bị tai nạn, họ có thể nâng cao rõ rệt mức độ hài lòng của khách hàng, góp phần thu hút khách hàng mới cũng như phát triển doanh số.
Hoặc DN có thể sử dụng số tiền này vào phát triển chương trình giáo dục cộng đồng và giới trẻ về an toàn giao thông, nhằm vừa giúp họ hiểu thêm về “khái niệm phòng ngừa” tai nạn, vừa kéo giảm một cách đáng kể số vụ tai nạn giao thông. Và như thế đương nhiên những khoản bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông cho khách của công ty cũng giảm, tức là chi phí giảm và lợi nhuận tăng.
Như vậy, việc áp dụng CSR thực sự hiệu quả trong mục tiêu giúp DN này thành công về mặt kinh tế cũng như mang đến lợi ích lâu dài cho cộng đồng.
Về mặt truyền thông, cả hoạt động từ thiện lẫn CSR đều giúp xây dựng hình ảnh tốt đẹp đối với xã hội cho DN. Song, tiếng tăm đến từ hoạt động từ thiện thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, hiện nay có một hiện tượng làm xã hội phẫn nộ là nhiều DN nhiệt tình đưa ra giá hàng tỷ đồng trong các chương trình đấu giá từ thiện trên truyền hình nhằm tạo tiếng vang cho thương hiệu, nhưng khi chương trình kết thúc, những “mạnh thường quân” này biến mất, chỉ để lại những số điện thoại không liên lạc được, cùng với đó là sự thất vọng của đơn vị tổ chức và sự mất niềm tin cao độ của các tổ chức từ thiện đối với các chương trình tương tự.
Khi đó có thể thấy mục tiêu xây dựng thương hiệu thông qua hoạt động từ thiện đã ngày càng trở nên lỗi thời và không hiệu quả, thậm chí còn khiến DN mang tai tiếng khi xã hội khám phá ra hành động lừa đảo của họ.
Ngược lại, đầu tư vào CSR mang đến cho DN danh tiếng vững vàng và sự trân trọng của xã hội. Thông qua những việc làm thiết thực, có lợi cho cộng đồng và môi trường, DN từng bước tạo được niềm tin yêu nơi cộng đồng cũng như duy trì được vị trí vững vàng trên thị trường.
Lấy ví dụ, một công ty xi măng có chính sách dạy nghề cho người lao động địa phương, không chỉ giúp người dân quanh khu vực đặt nhà máy có cuộc sống ổn định hơn, mà còn cung cấp ngược lại cho công ty một lực lượng lao động nòng cốt. Không những thế, việc duy trì hoạt động hữu ích này đã góp phần củng cố niềm tin yêu của người dân địa phương đối với DN và tạo nên hình ảnh một DN gần gũi và biết quan tâm tới xã hội.
CSR là sự đầu tư dài hạn cho hiện tại và tương lai của DN bằng nhiều cách, trong đó có tham gia các hoạt động từ thiện, tài trợ xã hội trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, có một chiến lược thích đáng trong việc quản lý các nguồn tài nguyên và sản phẩm của mình ngay từ ban đầu sẽ giúp DN tránh được những ảnh hưởng nghiêm trọng về danh tiếng và hoạt động kinh doanh.
Vì vậy, DN phải xác định được mục tiêu cuối cùng của mình và có chiến lược phù hợp thay vì chỉ là những hoạt động rời rạc, chạy theo phong trào mà không tạo ra giá trị thực sự.