Chiến lược Chiến lược đầu tư PR dài hạn: Trách nhiệm xã hội

Chiến lược đầu tư PR dài hạn: Trách nhiệm xã hội

56
Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng chỉ khi công ty làm ăn “dư dả” mới thực hiện trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility – CSR) thông qua các hoạt động từ thiện… Thế nhưng, để có một sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải hướng đến một chiến lược mà ở đó việc thực hiện trách nhiệm xã hội được xem là một sự đầu tư mang tính dài hạn. 
Theo chia sẻ của bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại của tập đoàn Intel Products Việt Nam, một doanh nghiệp điển hình trong việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, cho rằng: “CSR không phải chỉ là chúng ta trích ra một số tiền đi làm từ thiện, thăm người nghèo hay tặng quà. Các doanh nghiệp cần phải xác định CSR là một lĩnh vực cần phải đầu tư mang tính dài hạn và có một chiến lược phát triển những hoạt động đầu tư ấy”.
Nhận thức đúng về CSR
Khái niệm trách nhiệm xã hội không còn quá xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng để hiểu đúng và thực hiện trách nhiệm xã hội theo bản chất của vấn đề, thì không phải người lãnh đạo doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng nắm được. Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức hay các doanh nghiệp tham gia rất nhiều hoạt động xã hội như quyên góp, tài trợ, làm từ thiện… để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Nhưng đó mới chỉ là một phần của vấn đề, là phần nổi bề ngoài của việc thực hiện CSR.
Để một doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, người lãnh đạo cần phải hiểu đúng về bản chất của CSR. Trước hết, CSR là một nhân tố cơ bản trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, cần có sự đầu tư dài hạn để gắn kết ý nghĩa của những hoạt động trách nhiệm xã hội với chính sự phát triển của doanh nghiệp.
Câu chuyện của tập đoàn sản xuất chíp vi tính lớn nhất thế giới Intel (Mỹ) là một ví dụ điển hình về việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Gắn với yêu cầu phát triển, sáng chế những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm thông minh, Intel toàn cầu luôn chú trọng đầu tư vào cải tiến công nghệ để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Do vậy, chiến lược phát triển của tập đoàn luôn gắn với chiến lược CSR mà trọng tâm là đầu tư cho giáo dục. Với Intel, việc thực hiện trách nhiệm xã hội được đặt trong mối quan hệ với phương châm và mục tiêu phát triển của tập đoàn, đó là mang đến những sản phẩm làm thay đổi chất lượng cuộc sống con người, đem lại những tiện ích lớn nhất và không gây hại cho môi trường sống.
Với định hướng đó, Intel trên toàn cầu đã luôn đưa ra những kế hoạch đầu tư và phát triển giáo dục. Sự đầu tư ấy không chỉ cho nhân viên của tập đoàn mà còn cho chính ngành giáo dục ở các chi nhánh của Intel trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhân viên của Intel Products Việt Nam được nâng cao kiến thức thông qua các chương trình du học hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục từ bậc tiểu học lên đại học của Intel cùng kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã giúp nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài những suất học bổng, hỗ trợ về học phí, cung cấp các trang thiết bị phòng học, phòng thực nghiệm, Intel còn tham gia xây dựng chương trình dạy học Intel nhằm nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường, góp phần thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên, nâng cao chất lượng học. Hiện nay, với chương trình này Intel đã đào tạo hơn 85.000 giáo viên trên cả nước và được trường Đại học Sư phạm Tp.HCM chọn làm môn học bắt buộc cho sinh viên. Ngoài ra, để hỗ trợ và phát triển khả năng tư duy, nghiên cứu khoa học cho học sinh phổ thông, Tập đoàn Intel đã tổ chức cuộc thi Intel ISEF trên toàn cầu, đây là hội thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho khối phổ thông.
Chiến lược phát triển CSR của mỗi doanh nghiệp không chỉ gắn với sự phát triển và đầu tư mà còn là sự nhận thức về những ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Yêu cầu thực hiện CSR không chỉ là đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao mà còn làm giảm thiểu tối đa những tác hại trong sản xuất. Câu chuyện của nhiều doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường như Vedan, Tung Kuang… là một bài học cảnh báo về việc không tuân thủ trách nhiệm xã hội.
Với Intel, tập đoàn này luôn đặt ra phương châm phát triển sản phẩm là mang đến cho khách hàng những sản phẩm công nghệ cao, tiện ích và giảm thiểu tác động tới sức khỏe con người. Do vậy, cùng với sự đầu tư cho giáo dục, Intel luôn chú trọng đầu tư bảo vệ môi trường. Tập đoàn này đã tài trợ cho một nhóm sinh viên làm ra những chiếc túi thân thiện với môi trường để phát miễn phí cho người dân đi mua sắm ở các siêu thị nhằm kêu gọi sự nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng bao ni lông.
Đảm bảo minh bạch
Một yếu tố thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp chính là việc đảm bảo tính minh bạch. Đó là việc tuân thủ đúng quy định của luật pháp, những quy định trong kinh doanh, minh bạch trong quản lý, điều hành, tuân thủ đạo đức kinh doanh.
Tập đoàn dầu khí Chevron đưa ra một nguyên tắc chung cho tất cả mọi người là nghiêm cấm mọi hành vi hối lộ cho đối tác, đồng nghiệp hay cơ quan sở tại. Còn ở Intel, nguyên tắc này được đưa ra như một quy chuẩn trong mọi hoạt động kinh doanh. Trước khi bắt đầu hợp tác, những nhà lãnh đạo của tập đoàn này trao đổi rõ với đối tác về nguyên tắc làm việc. Và trong bất kỳ trường hợp nào phát hiện có hành vi hối lộ hay không minh bạch, nhân viên ấy sẽ bị sa thải và hợp đồng kinh doanh bị chấm dứt. Hàng năm, công ty này cũng mời các đối tác tham dự hội nghị khách hàng, để nói rõ hơn về quy chuẩn trong kinh doanh về hiểu hơn về cách thức làm việc của công ty.
Với tất cả những yếu tố trên, để đánh giá việc thực hiện CSR của một doanh nghiệp sẽ được thông qua một Bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct – CoC). Trong tình hình cụ thể của mỗi nước và điệu kiện hoạt động của riêng doanh nghiệp, việc thực hiện CSR sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù ở bất cứ quốc gia nào, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, thì vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội cần phải có một tầm nhìn về chiến lược, đó là một sự đầu tư dài hạn, hướng đến những lợi ích của cộng đồng và luôn đảm bảo tính minh bạch.
Ông Hank Tomlinson, Chủ tịch công ty Chevron Việt Nam, cho biết: “Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, nếu đã thực sự muốn thực hiện trách nhiệm xã hội thì điều quan trọng hơn cả, không phải là vấn đề tài chính, mà bạn cần phải có một chiến lược cụ thể”. Khi đã hiểu được đầy đủ bản chất của CSR, xác định đây là một nhân tố cơ bản trong phát triển, là sự đầu tư mang tính bền vững, lâu dài, mỗi nhà lãnh đạo cần phải xây dựng một chiến lược cụ thể để thực hiện CSR được hiệu quả nhất.