Marketing Học gì từ kinh doanh trên thị trường bán lẻ Ấn Độ

Học gì từ kinh doanh trên thị trường bán lẻ Ấn Độ

5
Tại Ấn Độ hiện có khoảng 12 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ vẫn kinh doanh kiểu truyền thống, thiết lập nên một trật tự trong chính sự ồn ào và lộn xộn. Tuy nhiên, khi Ấn Độ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới, các tập đoàn lớn bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại đây, với nỗ lực đưa thị trường bán lẻ nước này vào “khuôn khổ”, theo chuẩn hiện đại. Bất chấp nỗ lực của các tập đoàn lớn trong việc hiện đại hóa thị trường bán lẻ Ấn Độ, hệ thống cửa hàng nhỏ và chợ ngoài trời vẫn có một sức sống riêng mạnh mẽ.
Mùi rau quả thực phẩm, quang cảnh mua bán nhộn nhịp, tiếng kẻ mua người bán huyên náo – đó là tất cả những gì từ lâu đã quá thân thuộc với người dân Ấn Độ. Tại các khu chợ truyền thống, người ta có thể thoải mái chọn lựa thứ mà họ cần, gì cũng có, từ gia vị, phụ kiện trang trí nhỏ nhất cho bộ sari đám cưới, cho đến pháo hoa cỡ lớn.
Không khó để bắt gặp cảnh đám đông xúm lại chỉ để xem một người đàn ông thả những viên bột tròn vào chảo dầu để làm bánh rán ngoài chợ. Chảo dầu được đặt trên xe đẩy – đơn giản và cơ động.
Hình thức bán lẻ mới
Hàng loạt trung tâm mua sắm lớn mọc lên ở các thành phố lớn của Ấn Độ. Bên cạnh đó là những siêu thị nhỏ nằm rải rác trong các khu dân cư. Người tiêu dùng địa phương bắt đầu được tiếp cận với mô hình cửa hàng có máy lạnh và hình thức tự phục vụ.
Tại thành phố Bangalore sầm uất và hiện đại ở miền nam Ấn Độ, người tiêu dùng nhiệt tình hưởng ứng với mô hình bán lẻ mới này và làm quen với việc đi mua sắm tại siêu thị.
Để có thể cạnh tranh với các khu chợ ngoài trời, hệ thống siêu thị tập trung vào độ tươi của thực phẩm. Rau chân vịt ở Bangalore có mặt trên quầy thực phẩm của siêu thị chỉ 6 tiếng sau khi thu hoạch. Các loại rau dễ hỏng khác được chuyển đến 2 lần mỗi ngày, dù tắc đường là chuyện “cơm bữa” ở Ấn Độ. Đó là nỗ lực của các tập đoàn bán lẻ khi muốn thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng địa phương.
Làn sóng phản đối
Tuy nhiên, mọi chuyện không hề “xuôi chèo mát mái”. Chủ các cửa hàng truyền thống và những người bán hàng ngoài chợ bắt đầu thấy “nóng mặt” với sự cạnh tranh của các siêu thị hiện đại. Các tiểu thương ở New Delhi than phiền là lượng người mua đã giảm một nửa kể từ khi hai siêu thị mới mở cửa cách đây vài tháng.
Đã xảy ra không ít cuộc biểu tình rầm rộ, nhằm yêu cầu các cửa hàng mới đóng cửa. Họ nói rằng sự “xâm lấn” của phong cách mua sắm phương Tây sẽ đe doạ kế sinh nhai của 50 triệu người dân địa phương.
Các cửa hàng nhỏ truyền thống ở Ấn Độ không thể có nhiều hàng như các siêu thị, nhưng họ có lợi thế về một hình thức dịch vụ khá đặc biệt. Chủ các cửa hàng thường biết rất rõ khách hàng, vì họ cũng chỉ sống quanh đó. Vì vậy, họ sẵn sàng phục vụ khách tại nhà, thậm chí là bán chịu, thậm chí chỉ một điếu thuốc, vào lúc 11 giờ khuya. Đó là điều mà phong cách mua sắm phương Tây không có từ hàng thập kỷ nay.
Năm ngoái là thời điểm nhiều chuyên gia cho rằng thị trường bán lẻ Ấn Độ sẽ bùng nổ, với sự xuất hiện ồ ạt của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, nhưng trên thực tế, chẳng có gì giống như vậy diễn ra.
Vấn đề nằm ở chỗ, luật pháp Ấn Độ vẫn chỉ cho phép các cửa hàng nước ngoài bán những sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của họ. Điều này có thể không thành vấn đề với Nike, Body Shop, hay tập đoàn Marks & Spencer, nhưng với đa số các tập đoàn bán lẻ tổng hợp khác, như Wal-Mart, thì đây lại là một trở ngại lớn.
Để “lách” luật, họ phải liên doanh với các công ty trong nước, để nhà cung cấp đồng ý dán nhãn sản phẩm theo tên nhà phân phối nước ngoài; hoặc mở các trung tâm bán buôn lớn, cam kết chỉ cung cấp hàng hoá cho các công ty bán lẻ, khách sạn và nhà hàng.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị mới của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cố gắng đánh bóng tên tuổi. Phân nhánh kinh doanh bán lẻ của tập đoàn Barti mở hẳn một trung tâm tập huấn kỹ thuật nông nghiệp. Tại đây, nông dân trồng gạo và lúa mì ở Punjab được hướng dẫn cách xen canh gối vụ cây trồng để có thể cung cấp các mặt hàng nông sản cho siêu thị trong cả 4 mùa.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là hệ thống cửa hàng nhỏ và chợ ngoài trời vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bán lẻ Ấn Độ. Nhìn rộng hơn, đây là thói quen mua sắm đã ăn sâu vào mỗi người dân nước này.
Khai thác đúng điều đó, một tập đoàn bán lẻ trong nước đã thành công rực rỡ, với mô hình siêu thị lớn nhưng mang phong cách mua bán gần như không có gì khác tại các cửa hàng nhỏ hay chợ ngoài trời. Đó là Pantaloon Retail Ltd.
Ngay từ tên gọi Big Bazaar các siêu thị của tập đoàn Pantaloon, tức là ‘chợ lớn’, đã thể hiện điều này. Ông chủ Kishore Biyani của Pantaloon đã khéo léo đưa không khí ồn ào và lộn xộn của các cửa hàng nhỏ và chợ ướt vào hệ thống siêu thị của mình, với đường đi lối lại có vẻ chật chội, hàng hóa chất trên sàn, và liên tục có chương trình giảm giá, khuyến mại…
“Ấn Độ là một nơi khác biệt. Và đây là những gì người Ấn Độ muốn,” ông Biyani nói với vẻ đầy tự hào khi giới thiệu hệ thống siêu thị của mình.
Ông Biyani, và tập đoàn Pantaloon, đã đúng, ít nhất là trong thời điểm này. Bằng chứng là Pantaloon đã trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Ấn Độ, với doanh thu dự kiến đạt hơn 875 triệu USD trong năm tài chính 2007-08 (kết thúc vào tháng 6/2008). Pantaloon hiện được định giá khoảng 630 triệu USD, trong đó, ông Biyani và gia đình sở hữu 42%.

Theo Dantri