Đào tạo Để biết nhân viên định nghỉ việc

Để biết nhân viên định nghỉ việc

10
Khi nhân viên đặt tờ đơn xin nghỉ việc lên bàn của sếp thì có lẽ đã quá trễ để có thể xoay trở tình hình. Sẽ có những “chỉ báo” để nhà quản trị tinh tường có thể sớm nhận ra vấn đề, đó là những khác biệt trong cung cách ứng xử của nhân viên.
1, Thường đi làm trễ hoặc thường xuyên báo bệnh
Nhìn chung, nếu nhân viên trong tâm trạng hạnh phúc thì thường đến nơi làm việc đúng giờ, không gọi điện thoại để báo nghỉ vì bệnh. Nếu tình trạng trái ngược xuất hiện ở nhân viên nào đó, nhà quản trị cần xem xét đó như một dấu hiệu chỉ báo sớm. Có thể kiểm tra xem nhân viên có vướng bận đột xuất bởi việc bất thường trong gia đình hoặc có vấn đề phức tạp gì xảy ra với người đó. Còn nếu nhân viên hay đi làm trễ mà cứ nêu lý do kẹt xe, nhà ở xa… thì rất có thể người ấy đang tìm kiếm một việc làm mới rồi.
Khi nhân viên không hài lòng với công việc thì chỉ nghe đến công việc là họ cảm thấy bất an. Chứng này còn có thể chuyển thành bệnh lý như hay đau đầu, bị stress hoặc đau dạ dày.
2, Kéo dài thời gian nghỉ giải lao
Thời gian nghỉ để ăn trưa hoặc dùng một ly cà phê là chuyện bình thường đối với mọi người. Khi đó, người ta còn có cơ hội giao thiệp và kết bạn với người khác trong doanh nghiệp. Nhưng nếu thấy nhân viên kéo dài thời gian nghỉ giải lao thì cũng là lúc nhà quản trị cần chú ý và đoán xem có chuyện gì bất thường xảy ra không.
3, Suy giảm hiệu quả làm việc
Khi nhân viên không hài lòng về công việc, họ thường sốt ruột xem đồng hồ vì chỉ mong sao hết giờ làm. Chẳng những họ đến nơi làm việc muộn, mà còn tranh thủ thời cơ ra về sớm. Hiệu suất lao động của nhân viên vì thế có dấu hiệu suy giảm. Nhà quản trị tinh ý sẽ nhận ngay ra rằng nhân viên của mình có thể đang trong tâm trạng không hài lòng với công việc. Điều cần làm ngay là thu xếp một cuộc gặp gỡ với nhân viên “có vấn đề” để chia sẻ tâm tư và phát hiện ra điều người ấy không hài lòng đến từ đâu.
Nếu nhân viên không hài lòng với công việc thì cần cho họ cơ hội làm những công việc mà họ quan tâm và có khả năng. Khi hiểu được tâm tư tình cảm của nhân viên, nhà quản trị hoàn toàn có thể giúp họ tự vực dậy, thoát khỏi tâm trạng đang bải hoải.
4, Tỏ thái độ không còn thân thiện với mọi người
Những nhân viên tìm thấy hạnh phúc trong công việc thường có xu hướng hòa nhã với các đồng nghiệp, luôn cảm thấy thoải mái với môi trường chung. Nếu nhân viên nào bỗng thay đổi thói quen ứng xử lâu nay với nhiều người cùng nhóm hay cùng phòng, nhà quản trị cần lưu tâm ngay đến dấu hiệu đó. Việc tranh thủ rút lui khỏi đám đông và ít tiếp xúc với những người khác có thể là một chỉ báo cho thấy nhân viên đang có vấn đề bất ổn.
Khi nhân viên không hài lòng với công việc hiện tại, họ thường tỏ ra khó chịu hoặc hay nổi nóng khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Chỉ cần vài cử chỉ hay câu nói vô tình của đồng nghiệp cũng có thể khiến họ giận dữ, gây gổ.
Thái độ không thân thiện xuất hiện bất thường như vậy là một chỉ báo sớm mà nếu nhanh chóng nhận ra thì nhà quản trị còn có thời gian để điều chỉnh và cứu vãn tình thế. Nếu không làm kịp, ít ngày sau nhân viên hay cáu giận sẽ bỏ việc mà thôi.

Theo motibee