Đào tạo Để cải thiện khả năng thuyết phục

Để cải thiện khả năng thuyết phục

7
Bạn sẽ làm gì nếu đồng nghiệp không đồng ý với ý kiến của bạn trong một cuộc họp. Khi đó, có thể bạn sẽ khó thành công với những điều mình trình bày.
1, Nhìn sự việc trên quan điểm của người khác
Bạn sẽ không thể thuyết phục một ai đó nếu không thực sự hiểu họ. Hãy nhìn sự việc trên quan điểm của người khác chứ không phải là của chính mình. Bên cạnh đó, việc chỉ ra những lợi ích nếu yêu cầu của bạn được chấp nhận cũng rất hiệu quả. Đừng ngần ngại đặt câu hỏi về những gì mà người đó đang tìm kiếm.
Ai cũng có nhu cầu và mong muốn của riêng mình. Chúng vô cùng đa dạng trên các lĩnh vực: Lý trí – tình cảm, thể chất – tinh thần. Chính vì thế việc đáp ứng những nhu cầu và mong muốn đó là vô cùng quan trọng. Nhưng không phải lúc nào các mong muốn đó cũng được thể hiện một cách công khai. Vì thế, đừng phớt lờ những tín hiệu từ mọi người xung quanh. Mặc dù nhiều người thường tìm cách che giấu những điều mình muốn nhưng thật may là bạn có thể nhận ra nếu chịu khó để ý. Bởi ai cũng đều mong muốn mình được người khác yêu thích, đánh giá cao và không phải chịu sự căng thẳng

2, Tìm hiểu nguyện vọng của đối phương
Có một khái niệm nổi tiếng về tâm lý học gọi là “Nguyên tắc về tính nhất quán”. Nó chỉ ra sự kiên quyết muốn giữ vững niềm tin, tình cảm và hành động của con người. Vì thế đừng bao giờ đưa ra những yêu cầu buộc người khác phải từ bỏ con đường của họ. Một gợi ý dành cho bạn là cân nhắc nguyện vọng của người khác trước khi nêu ra mong muốn của mình.
3, Tạo thiện cảm với mọi người
Thiện cảm và sự tin cậy thường đi đôi với nhau. Vì thế nếu ai đó thích bạn, họ sẽ tin tưởng những gì bạn nói hơn. Càng tuyệt vời hơn nếu bạn làm cho một người thấy giữa bạn và họ có nhiều điểm chung. Bởi khi đó họ sẽ biết được rằng bạn thấu hiểu những điều họ cần.
Đừng ngần ngại chỉ ra những điểm tương đồng giữa bạn và đối tượng muốn thuyết phục. Hãy quan sát các vấn đề họ quan tâm và bày tỏ hiểu biết của bạn về lĩnh vực đó. Ngoài ra, để ý những cử động cơ thể và dáng vẻ của người đối diện. Bởi chúng sẽ tiết lộ cho bạn biết họ muốn một cuộc trò chuyện nghiêm túc hay vui vẻ.
4, Tranh thủ sự tín nhiệm của người khác
Có nhiều cách để chiếm lấy lòng tin của một người. Một trong số đó là đừng bao giờ nói quá những gì bạn biết. Ngoài ra, một mẹo nhỏ để rút ngắn khoảng cách trong giao tiếp là tiết lộ một ít thông tin riêng về bạn. Có thể người đó sẽ đáp lại bằng cách chia sẻ những điều mà bạn chưa biết về họ. Ngay cả khi họ không làm điều đó thì bạn vẫn khiến cho đối phương tin cậy hơn.
Chẳng hạn như bạn có thể nói “Nghe này, tôi nói thật đấy. Tôi đang cố gắng hoàn thành chỉ tiêu của mình trong tháng này” hay “Thông thường thì chúng ta không thể làm điều này nhưng nếu anh quyết định hôm nay thì tôi có thể dành cho anh một khoản ưu đãi”. Việc nói thẳng với một người rằng bạn đang cố gắng bán cho họ một món hàng sẽ hiệu quả hơn là vòng vo. Bởi người ta thường đề cao lòng trung thực. Và điều này cũng rất có ích khi bạn muốn hẹn hò với một ai đó. Đơn giản chỉ cần nói “xin chào” để bắt đầu câu chuyện thay vì huyên thuyên quá nhiều.
5, Sử dụng nguyên tắc tuân thủ
Đây là một nguyên tắc nổi tiếng khác trong lĩnh vực tâm lý học. Bởi con người chúng ta thường có khuynh hướng làm theo người khác hơn là chống lại. Đó là cách dễ dàng, an toàn và tự nhiên hơn đối với nhiều người. Vì thế hãy biến việc nắm vững nguyên tắc này thành lợi thế của bạn. Chỉ khi bạn khiến người khác đồng tình với mình thì khả năng thuyết phục được họ mới cao hơn.
6, Tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi
Thuyết phục không phải là một trận chiến một mất một còn mà là cả hai bên cùng thỏa thuận để đạt được mục tiêu chung. Bạn chỉ thành công khi cả hai đều hài lòng với kết quả. Vì vậy, nếu có thể hãy tìm kiếm một giải pháp mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người. Đừng nên chỉ biết đến lợi ích của riêng mình.

Theo tapchilamdep