Marketing Pr tại doanh nghiệp và công ty tư vấn pr

Pr tại doanh nghiệp và công ty tư vấn pr

21
Xây dựng bộ phận quan hệ công chúng (PR) tại doanh nghiệp (DN) (in-house) hay chọn sử dụng dịch vụ của công ty dịch vụ tư vấn PR (consultancy) là một vấn đề quan trọng của các DN.
Để đánh giá công việc thuộc hai loại hình này, sẽ không thú vị khi nói về khó khăn hay thuận lợi, bởi vị trí nào cũng có những khó khăn và thuận lợi song hành. Thay vào đó, có thể tìm hiểu những điểm khác biệt giữa hai hình thức này.
Kinh nghiệm: Một công ty tư vấn PR sẽ cho nhiều kinh nghiệm nền trong việc thực hiện các lý thuyết truyền thông để ứng dụng vào thực tiễn. Bởi vì, cùng một lúc, công ty tư vấn sẽ thực hiện dịch vụ PR cho nhiều khách hàng ở các lĩnh vực khác nhau, từ tiêu dùng nhanh cho đến ngành công nghiệp nặng, từ y tế dược phẩm cho đến công nghệ thông tin…
Trong khi đó, làm việc cho in-house PR chỉ tập trung vào ngành nghề mà công ty đang hoạt động. Vì thế, người làm PR tại DN có kiến thức chuyên sâu đến mức có thể gần như là chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Tốc độ (xử lý công việc): Xử lý yêu cầu dịch vụ của nhiều khách hàng khác nhau cũng như truyền thông đến rất nhiều đối tượng mục tiêu (bao gồm các phương tiện truyền thông, báo chí) cùng một lúc đòi hỏi người làm tư vấn phải có kỹ năng phân tích, suy nghĩ rất nhanh và luôn trong trạng thái sẵn sàng cho tất cả mọi việc. Đồng thời, bạn cũng phải luôn chú trọng việc đổi mới kế hoạch chiến lược và tổ chức thực hiện nó bất kỳ lúc nào cho thương hiệu/nhãn hiệu mà mình đang quản lý.
Trách nhiệm: Tại công ty tư vấn PR, trách nhiệm được xác định rõ ràng hơn thông qua các công cụ đánh giá cụ thể và được thực hiện từ giai đoạn trước, trong (cập nhật liên tục) và sau khi thực hiện chiến dịch truyền thông. Trong khi đó, hiện nay có rất ít in-house PR thực hiện hệ thống, phương pháp và công cụ đánh giá chi tiết một cách khoa học và hầu như chỉ báo cáo dựa trên số lượng tin, bài được đăng tải.
Tinh thần đồng đội: Thành công của một PR consultancy phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần đồng đội của nhân viên – những người thường có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm rất khác nhau, đồng thời một nhân viên PR có thể quản lý từ 3 – 5 khách hàng cùng một lúc. Vì vậy, khi phục vụ rất nhiều khách hàng khác nhau, họ cần phải biết vận dụng thế mạnh của mình để bổ trợ cho nhau khi cần thiết.
Đa dạng và bao quát: Một ngày làm việc điển hình của người làm PR tư vấn có thể bắt đầu bằng một cuộc họp với khách hàng vào buổi sáng, cuộc hẹn ăn trưa với phóng viên, đi thực hiện bộ ảnh chụp sản phẩm của khách hàng sau đó, và tiếp theo là viết thông cáo báo chí cho việc tung ra một sản phẩm mới.
Thậm chí, đến chiều tối còn tiếp tục xử lý khủng hoảng. Bạn cũng thường xuyên phải làm việc, thương thảo với các đối tác thứ ba như tòa soạn báo, chuyên viên thiết kế, nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị trực tiếp, tiếp thị qua di động hay trực tuyến…
Tinh thần “doanh nghiệp”: Đối với công ty tư vấn PR, tinh thần “doanh nghiệp” được thể hiện ở hai hình thức. Một là phải trực tiếp chịu trách nhiệm về doanh số từ dịch vụ mình cung cấp cho khách hàng. Hai là nhiều người (hoặc nhóm người) làm PR sau một thời gian thường sẽ “ra riêng” để tự mở công ty, hoặc các công ty truyền thông sẽ mời họ về để thiết lập bộ phận PR chuyên biệt hoặc công ty PR con. Vì vậy, cơ hội làm chủ DN của các chuyên gia PR rất rộng mở đối với ngành công nghiệp hãy còn mới mẻ này.
Mức độ hòa nhập xã hội: Cũng do tính chất công việc mà người tư vấn PR thường thích (và một phần cũng là trách nhiệm) việc mở rộng kết nối, giao lưu với nhiều cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Bạn cần phải có hiểu biết sâu rộng về con người, xã hội và những chuyển biến năng động hằng ngày của nó.
Các công ty PR cũng thường có tinh thần “làm tới bến – chơi tới cùng”. Vì thế, thường thu hút những người có tính cách năng động, nhiệt huyết, biết hòa mình và tận hưởng cuộc sống một cách thú vị.

Theo Diendanquantri