Chiến lược Vì sao chiến lược kinh doanh hay vẫn thất bại?

Vì sao chiến lược kinh doanh hay vẫn thất bại?

374
Một vấn đề rất quan trọng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng coi trọng, đó là xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh, và điều hành hoạt động sản xuất nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Đây thực sự là những vấn đề cốt yếu nhưng chưa phải là tất cả. Các chiến lược kinh doanh thể hiện định hướng dài hạn và là các hướng dẫn có giá trị cho công ty và các bộ phận chức năng của công ty.
Dựa vào những phân tích cặn kẽ về môi trường, các chiến lược này có tính đến các rủi ro, sự phụ thuộc vào các nguồn lực, cũng như các khả năng và yêu cầu kỹ thuật. Chúng cũng giúp việc điều phối các mục tiêu, mục đích của các nhà quản lý, các giám đốc trong công ty. Có rất nhiều chiến lược sáng tạo ra các giá trị khác biệt mà bạn có thể đưa vào áp dụng tại công ty để đạt được những thành công trên thị trường. Các chiến lược kinh doanh khác biệt đó có thể là: – Đưa ra dịch vụ chăm sóc khách hàng nổi bật, giống như Nordstrom. – Thương mại hóa dựa trên hình ảnh phóng đại, giống như Mercedes. – Định vị bản thân như một nhà cung cấp với giá bán thấp nhất, giống như Wal-Mart. – Chế tạo, sửa chữa theo yêu cầu của khách hàng được sử dụng làm đòn bẩy nâng cao tính chất khác biệt của sản phẩm/dịch vụ, giống như Dell.
Thông thường, chiến lược kinh doanh của bạn sẽ xác định mục đích và hướng phát triển của công ty. Cơ bản, nó có thể được xem là một lời hứa, sự cam kết về sản phẩm/dịch vụ đối với người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng, đưa ra một bản chiến lược tốt mới chỉ là bước khởi đầu. Việc điều hành chiến lược đó mới là yếu tố xác định liệu công ty của bạn có thể biến các ý tưởng tốt đẹp thành lợi nhuận hay không? Sự thiếu linh hoạt trong việc điều hành chiến lược là nguyên nhân bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh
Các công ty thường đầu tư rất nhiều thời gian, nguồn lực và tiền bạc vào việc xác định các cơ hội trên thị trường và triển khai các chiến lược khác biệt hóa hoàn hảo để khai thác những cơ hội đó. Song nhiều khi mọi cố gắng của họ lại đổ xuống sông xuống biển và không mang lại kết quả như mong đợi. Khi đó, thông thường các công ty sẽ đổ lỗi cho sự thất bại của họ là do chiến lược kinh doanh kém. Nhưng trên thực tế, điều này rất phi lý vì trong phần lớn các trường hợp thất bại, nguyên nhân là do chiến lược đó chưa được tiếp cận và điều hành đúng hướng. Có trường hợp, sự bất lực hay khả năng yếu kém trong điều hành chiến lược mới là nguyên nhân của sự chùn bước và thất bại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính sự điều hành thiếu linh hoạt mới là lý do số một làm đổ vỡ các hoạt động kinh doanh trên thị trường. David Norton, tác giả của các nghiên cứu này, đồng thời là giáo sư của Trường Đại học Harvard, đã nhận định rằng: chỉ có khoảng chưa đến 10% trên tổng số các chiến lược kinh doanh được thực thi một cách có hiệu quả. Điều này có nghĩa thủ phạm gây nên sự thất bại của chiến lược nằm ở việc thực thi, chứ không phải ở bản thân chiến lược đó. Đây chính là lời cảnh tỉnh đối với tất cả các nhà điều hành chiến lược. Bốn nguyên nhân cơ bản gây nê sự thất bại trong việc điều hành chiến lược kinh doanh
1. Tồn tại hạn chế trong bản thân công ty : Để thực hiện một chiến lược kinh doanh đòi hỏi các công ty luôn trong trạng thái sẵn sàng đáp ứng khi cơ hội đến. Trong khi đó các công ty, tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể huy động được mọi nguồn lực của mình. Và đó chính là hạn chế không cho một kế hoạch kinh doanh được thực hiện nhanh chóng và đi được xa. Do đó, việc nhận định đúng những gì mà công ty bạn có thể thực hiện được trước khi vẽ ra một chiến lược kinh doanh là rất quan trọng đối với sự thành công trong kinh doanh của bạn.
2.Nhân viên không biết chiến lược được cụ thể hóa trong công việc hàng ngày của họ như thế nào: Phần lớn các công ty đã không truyền tải rộng rãi và có hiệu quả chiến lược kinh doanh đến toàn thể nhân viên trong công ty. Ví dụ, chiến lược của công ty bạn là trở thành nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, điều này có ý nghĩa thực sự như thế nào? Có nghĩa là các nhân viên bán hàng của bạn ở mọi nơi, các nhân viên dịch vụ khách hàng tại các trung tâm liên lạc, giám đốc marketing cũng như các giám đốc của các bộ phận trong công ty đều phải được biết và thấm nhuần chiến lược đó. Một khi nhân viên của bạn không biết được tại thời điểm này, công ty bạn đang triển khai áp dụng ưu tiên chiến lược kinh doanh nào, họ sẽ không có ý thức thực thi các nhiệm vụ cấu thành chiến lược đó một cách tốt nhất.
3. Cơ cấu tổ chức cũ của công ty không đáp ứng được chiến lược kinh doanh mới: Rất khó khăn để thực thi một chiến lược mới nếu thiếu sự thay đổi cách làm việc của công ty. Quá trình vận hành công việc trong các phòng, ban khác nhau có hỗ trợ chiến lược mới không? Các hệ thống và công cụ của bạn có đáp ứng nhu cầu về tầm nhìn chiến lược mới không? Theo đuổi một chiến lược kinh doanh mới với năng lực cũ chính là công thức của sự thất bại.
4. Thước đo quá trình thực hiện và sự ghi nhận công lao không được gắn với chiến lược: Nếu thông điệp của chiến lược kinh doanh là đưa công ty trở thành một nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, vậy thì bạn có ghi nhận và có phần thưởng xứng đáng cho những nhân viên thực thi chiến lược đó nhanh nhất, hiệu quả nhất không?
Nếu như bạn tạo ra các công cụ đánh giá mà dựa vào đó, các nhân viên biết được mình thực thi chiến lược tốt đến đâu, thì bạn cũng đừng quên xây dựng các thước đo đánh giá các nhân tố thành công chủ yếu của công ty. Các thước đo và phần thưởng phải có mối quan hệ chặt chẽ với các hành động của nhân viên. Khi mà các nhân viên ý thức được hành động của mình, thì việc thực thi chiến lược của công ty trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Những vấn đề này được chia sẻ với mục đích tạo cho bạn sự chuẩn bị sẵn sàng để thực thi chiến lược hướng tới thị trường mà bạn đã thiết lập ra. Chiến lược phải được tất cả các nhà quản lý, cổ đông hiểu rõ và chia sẻ, cũng như được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông một cách có hiệu quả. Chiến lược giống như tơ nguyên liệu, muốn dệt thành vải bạn cần cả một quá trình. Và quan trọng hơn cả, những nhân viên trong công ty bạn phải được định hướng rõ ràng và được cung cấp các công cụ cũng như quy trình cần thiết để hỗ trợ việc thực thi chiến lược. Sự kích hoạt chiến lược giống như việc bắc một cây cầu mới mà mỗi nhịp cầu xây xong thì khoảng cách giữa mục đích của chiến lược và việc thực thi trên thị trường càng xích lại gần nhau hơn. Nếu không có sự kích hoạt này, tầm nhìn chiến lược của bạn sẽ chỉ là những tờ giấy và chẳng có ý nghĩa gì cả.

Theo Diendanquantri