Marketing Văn phòng làm việc thể hiện phong cách, cá tính doanh nghiệp

Văn phòng làm việc thể hiện phong cách, cá tính doanh nghiệp

43
Không chỉ là nơi để nhân viên làm việc, văn phòng công ty còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. 

Không còn là những bức tường khô khan, văn phòng làm việc của những công ty, tập đoàn lớn đã thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật, xứng đáng là niềm mơ ước của bất cứ một nhân viên nào. Trong một không gian mở và cực kỳ thoải mái như vậy, các nhân viên của họ tha hồ thoả sức sáng tạo để hoàn thành công việc của mình.
Ngoài chức năng là một nơi làm việc, văn phòng còn được xem như là ngôi nhà thứ hai của tất cả mọi người trong công ty, điều đó cho thấy sự gắn kết giữa nhân viên và công ty là rất lớn. Vì vậy, những công ty lớn, nhất là các công ty đa quốc gia đều cố gắng để tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, tạo cảm giác gắn bó giữa tất cả mọi người để xây dựng một tập thể đoàn kết, cùng chung sức cho mục tiêu của tổ chức.
Bên cạnh đó, văn phòng làm việc còn đóng một vai trò hết sức quan trọng, là bộ mặt của cả công ty. Khi khách hàng hay đối tác đến tham quan, làm việc, điều gây ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất với họ chính là văn phòng làm việc của công ty. Nói một cách khác, văn phòng làm việc phải thể hiện được phong cách và cá tính của công ty, góp phần quan trọng giúp khách hàng và đối tác ghi nhớ thương hiệu của công ty.
Cùng với các yếu tố khác: Tên thương hiệu, logo, name card, website…, văn phòng làm việc là một yếu tố rất quan trọng trong hệ thống nhận diện thương hiệu của một tổ chức. Vì vậy việc thiết kế, trang trí và sử dụng nội thất văn phòng đều phải tuân theo những quy tắc nhất định nhằm tạo ra một hệ thống nhận diện thương hiệu chặt chẽ và xuyên suốt.
Một trong những văn phòng làm việc được đánh giá cao nhất hiện nay là trụ sở chính của hãng Microsoft đặt tại Redmond, Seattle, Hoa kỳ, rộng tới 270 mẫu Anh. Toàn bộ khu vực này đã được các kiến trúc sư thiết kế như một thành phố nhỏ với đầy đủ những tiện ích như café, nhà hàng, sân chơi, hồ bơi,… Vì vậy mà phần lớn nhân viên của tập đoàn công nghệ này không còn muốn về nhà nếu đã đến làm việc tại đây; còn với phần còn lại của thế giới, được một lần ghé thăm và thưởng thức những công nghệ siêu hiện đại tại đây là một niềm mơ ước lớn lao.
Ngoài ra, có thể kể đến những văn phòng làm việc khác như Google ở Zurich (Thụy Sĩ), Facebook, Pixar (Mỹ), Swatch (Thụy Sĩ), Nendo (Nhật), Selgas Cano Architecture (Tây Ban Nha)… Tất cả đều là những văn phòng làm việc đáng mơ ước với bất kỳ công ty nào.

Đó là câu chuyện ở các tập đoàn lớn trên thế giới, còn ở Việt Nam thì sao? Kể từ sau khi chuyển sang nền kinh tế cơ cấu thị trường và mở cửa, cách bố trí văn phòng làm việc của các công ty cũng đã có những thay đổi rất tích cực. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều văn phòng làm việc thân thiện và cá tính hơn, trong số này có thể kể đến hệ thống ngân hàng Eximbank, tòa nhà Viet So Petro, hay các công ty quảng cáo như Lower… 
Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đánh giá được hết tầm quan trọng của việc thiết kế văn phòng làm việc nên chưa có những sự đầu tư đúng mức cho “ngôi nhà” của mình. Ngoài ra, số lượng các công ty tư vấn thiết kế có trình độ cao vẫn còn quá ít ở nước ta, có thể kể đến công ty May Mắn, ACT, Kiến Việt; các hãng nội thất chất lượng cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như Aldo, Hòa Phát…
Rồi đây, với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống nhận diện thương hiệu nói chung và văn phòng làm việc nói riêng. Hy vọng trong thời gian tới, “những người dân công sở” như chúng ta sẽ được làm việc trong một không gian thoải mái và hiệu quả. Đồng thời, văn phòng làm việc sẽ thể hiện được phong cách và cá tính của doanh nghiệp, để trở thành một nét văn hóa đặc sắc mang đậm bản chất của doanh nghiệp đó.

Theo Hoidoanhnhan