Marketing Nhượng quyền thương mại: Cơ hội và thách thức

Nhượng quyền thương mại: Cơ hội và thách thức

198
Trải qua quá trình phát triển gần hai thế kỷ, nhượng quyền thương mại, hay còn gọi là franchise, đã trở thành một trong những phương thức kinh doanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt chưa từng thấy của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như Lotteria, Gloria Jean’s Coffees, KFC, Hard Rock Café, hay các thương hiệu thuần Việt như Cà phê Trung Nguyên, Cơm tấm Mộc, Phở 24…
Tuy nhiên, dù được đánh giá là một trong những thị trường rất giàu tiềm năng và nhiều hứa hẹn, hoạt động này đến nay vẫn còn khá non trẻ và tương đối trầm lắng.
Một sân chơi nhiều tiềm năng
Hằng năm, các thương vụ nhượng quyền ở khắp nơi trên thế giới đã tạo ra hàng chục triệu việc làm và đạt doanh thu hàng chục nghìn tỷ đô la Mỹ. Chỉ tính riêng tại Mỹ, năm 2011, ngành công nghiệp này đã tạo ra gần 18 triệu việc làm và có doanh thu 2,1 nghìn tỷ USD.
Theo thống kê, cứ 10 doanh nghiệp tham gia franchise thì có 9 doanh nghiệp thành công và tồn tại sau 10 năm – đây là những con số ấn tượng mà bất kỳ người làm kinh doanh nào cũng mong ước!
Chìa khóa tạo nên sự thành công thần kỳ kể trên nằm ở cách thức kinh doanh độc đáo của nhượng quyền thương mại. Bằng cách cho phép người nhận quyền sử dụng mô hình kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, và bí quyết kinh doanh của mình để kinh doanh trên một khu vực nhất định, nhượng quyền thương mại giúp công ty nhượng quyền mở rộng hoạt động kinh doanh, nhanh chóng thâm nhập vào một thị trường mới mà không cần phải bỏ vốn đầu tư; đồng thời, thương hiệu cũng được nâng cao hơn với mức độ nhận biết rộng hơn.
Đối với doanh nghiệp nhận nhượng quyền, rủi ro khởi nghiệp được giảm thiểu tối đa vì họ đã có sẵn một mô hình kinh doanh thành công để áp dụng, không phải mất nhiều tiền bạc, thời gian, tâm trí để xây dựng thương hiệu, đồng thời thừa hưởng kinh nghiệm, bí quyết tổ chức kinh doanh của bên nhượng quyền. 
Rõ ràng, với những lợi ích thiết thực mà nhượng quyền thương mại mang đến cho các bên liên quan, phương thức kinh doanh này là một sân chơi lớn đầy cơ hội cho cả nhà đầu tư lẫn các công ty nhượng quyền. Thế nhưng, thực tế tại Việt Nam, vẫn còn khá ít doanh nghiệp mạnh dạn tham gia sân chơi này.
…nhưng lại thiếu người chơi
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nhượng quyền tại Việt Nam rất hứa hẹn khi mà thu nhập bình quân đầu người đã vượt qua Indonesia và đang bắt kịp Philippines, đồng thời số lượng người ở tầng lớp trung lưu tăng mạnh, cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn đã dần hoàn thiện.
Vừa qua, theo đánh giá của tờ USA Today, TP.HCM là một trong 3 thị trường nhượng quyền thương mại tiềm năng nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 200 hệ thống nhượng quyền đang hoạt động tại nước ta. Vì đâu hoạt động này vẫn chỉ được đánh giá ở mức tiềm năng, thay vì bùng nổ, so với các nước khác?
Thực tế là việc thay đổi cách thức kinh doanh quen thuộc để phù hợp với hoạt động kinh doanh nhượng quyền là một điều không đơn giản. Bên cạnh đó, nguy cơ đánh mất uy tín thương hiệu mà doanh nghiệp đã dày công gầy dựng là rất lớn.
Chỉ cần thái độ phục vụ không tốt của một nhân viên, hay một sơ suất trong quá trình chế biến sản phẩm tại một cửa hàng cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của toàn bộ hệ thống.
Chưa kể những thương hiệu nhái với chất lượng và cung cách phục vụ kém cũng có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu.
Vì thế, cũng dễ hiểu khi mà các “cầu thủ” Việt vẫn còn khá âu lo trước một sân chơi nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro.
Luật chơi trên sân nhà
Với một mô hình kinh doanh tốt và một thương hiệu được nhiều người yêu thích, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể nghĩ đến việc nhượng quyền thương mại để phát triển, mở rộng công ty trước khi bị “phỗng tay trên”.
Quan trọng là các nhà quản trị cần phải nắm rõ “luật chơi” để có thể thành công trong cuộc đua cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong tương lai.
Một trong những điểm quan trọng chính là các vấn đề pháp lý có liên quan. Theo thống kê, tranh chấp phát sinh trong các hợp đồng nhượng quyền thương mại là khá phổ biến.
Vì thế, theo luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Trung tâm Thông tin nhượng quyền thương mại Việt Franchise, các doanh nghiệp nhượng quyền cần phải đăng ký bảo hộ trí tuệ, sở hữu bản quyền đối với nhãn hiệu và cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất tạo nên mô hình kinh doanh của mình như cách bài trí cửa hàng, đồng phục nhân viên…
Điều này là tối quan trọng đối với cả 2 bên liên quan. Đối với nhà nhượng quyền, nó có thể giúp họ tránh được những phiền phức khiếu kiện về sau. Còn đối với người nhận nhượng quyền, đây là “bảo chứng” cho sản phẩm mà họ bỏ tiền ra mua.
Vì vậy mà cũng theo luật sư Hồ Hữu Hoành, các nhà nhận nhượng quyền cần phải tìm hiểu kỹ về việc thực hiện đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ trí tuệ cũng như tư cách pháp nhân để kinh doanh nhượng quyền của công ty nhượng quyền. 
Một luật chơi nữa, theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, cũng không kém phần quan trọng đối với những người muốn gia nhập hệ thống nhượng quyền. Đó chính là sự am hiểu về mặt hàng, ngành hàng, thị trường mà họ muốn kinh doanh.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm lại thường rất dễ bỏ qua vì tự tin vào sự thành công của hệ thống. Tuy nhiên, cho dù nhà nhượng quyền có một mô hình kinh doanh tốt, và một thương hiệu mạnh, điều này không có nghĩa là cửa hàng của bạn sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vì thế, khi muốn tham gia vào chuỗi hệ thống nhượng quyền, người nhận nhượng quyền cần phải thực hiện phân tích nhu cầu, thị hiếu của thị trường về sản phẩm, phân tích cả hoạt động của đối thủ kinh doanh, chiến lược marketing của công ty nhượng quyền.
Bởi lẽ, bạn mới chính là người chủ đầu tư, chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh của cửa hàng, chứ không phải công ty nhượng quyền. 
Ngoài ra, theo chuyên gia Lý Trường Chiến, sự hợp tác tích cực giữa người nhận nhượng quyền và người nhượng quyền là một điều kiện tối cần thiết để đảm bảo sự phát triển đi lên của toàn bộ hệ thống.
Người nhượng quyền phải có các chương trình đào tạo và chương trình hỗ trợ cho bên nhận nhượng quyền để họ có thể tự vận hành cửa hàng của mình.
Đồng thời, người nhận nhượng quyền phải cam kết tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt của công ty nhượng quyền để đảm bảo đồng nhất chất lượng và giữ vững uy tín thương hiệu cho toàn bộ hệ thống.
Hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại sẽ phát huy được tác dụng tích cực nếu cả người nhận nhượng quyền và người nhượng quyền cam kết thực hiện đến cùng mô hình kinh doanh của mình với cùng lý tưởng và mục tiêu kinh doanh.
Chính vì thế, có thể nói nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh của niềm tin và sự cam kết.

Theo Hoidoanhnhan