Marketing 6 bước để nhượng quyền công việc kinh doanh thành công

6 bước để nhượng quyền công việc kinh doanh thành công

3
Nhượng quyền công việc kinh doanh có thể là một cách tốt để tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, việc nhượng quyền có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào việc bạn hiểu công việc kinh doanh của mình như thế nào.
Từ việc soạn ra một báo cáo tài chính đến việc chọn ra những loại cây nào sẽ được đặt trước cửa hàng đều rất quan trọng. Vì vậy, khi chuyển một công việc kinh doanh thành phương thức nhượng quyền thì “quỷ dữ” luôn nằm trong những chi tiết.
Marco Loresti, Giám đốc điều hành Gelatissimo – nhãn hiệu kem hàng đầu Australia chia sẻ 6 bước quan trọng cho một kế hoạch nhượng quyền thương mại:

1. Hiểu công việc kinh doanh từ trong ra ngoài
Định hướng cung cấp cho đối tác nhận nhượng quyền phải chính xác. Những người chủ sở hữu doanh nghiệp thường quen với việc vận hành công ty của họ theo bản năng, và vì vậy có thể họ sẽ gặp khó khăn trong việc liệt kê ra những điều khoản, những ràng buộc quan trọng trong công việc kinh doanh hàng ngày của họ.
Bên nhận nhượng quyền sẽ không được quyền tự do sửa chữa các điều khoản này, và đồng thời họ cũng cần được hướng dẫn cụ thể và chi tiết về quy trình vận hành của doanh nghiệp. Do đó, mỗi bước của quy trình phải được liệt kê đầy đủ và chính xác.
Khi bắt đầu một công việc kinh doanh, bạn phải làm từ A đến Z, không công việc nào là quá lớn, cũng không có công việc nào là quá nhỏ, công việc nào cũng quan trọng. Bạn phải biết xây dựng ý tưởng tiếp thị cho cửa hàng, biết cách thức chế biến từng ly kem, nếu trang web của cửa hàng cần có những tấm ảnh về sản phẩm, bạn cũng cần trở thành một nhiếp ảnh gia nghiệp dư.
Lúc đầu tôi không có suy nghĩ về nhượng quyền, trong đầu lúc nào cũng nghĩ cách làm sao để tăng doanh số cho cửa hàng, cho đến khi có một người bước vào cửa hàng đề nghị nhượng quyền thương mại. Lúc đó tôi bắt đầu suy nghĩ những gì cần thiết để mở một cửa hàng nhượng quyền, thế là tôi phải nhớ lại và liệt kê tất cả các chi tiết từ trong ra ngoài thành một quy trình nhượng quyền, dĩ nhiên là cùng với sự hướng dẫn của một chuyên gia tư vấn.

2. Hiểu rõ về những vấn đề pháp lý
Nhượng quyền thương mại là một mối quan hệ kinh doanh tương đối phức tạp, có một số lĩnh vực pháp lý về nhượng quyền bạn cần đến sự tư vấn của luật sư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bạn cần phải học để hiểu rõ các vấn đề về pháp lý để có những hành động chừng mực trong mối quan hệ với bên nhận nhượng quyền, cũng như hiểu cách bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của những đối tác khác.
Các bước trong quá trình nhượng quyền, từ đàm phán đến ký kết, cần đúng trình tự và đảm bảo tính pháp lý cho cả hai bên. Cũng không nhất thiết là phải học thuộc hết các luật rồi mới tiến hành ký kết nhượng quyền.
3. Hiểu được cách bạn muốn phát triển
Đối với những công ty đang muốn trở thành công ty nhượng quyền, mô hình kinh doanh mới có thể đồng nghĩa với việc mở rộng từ nam ra bắc, thậm chí ra quốc tế. Đối với một số người, nó có thể là việc thêm vào nhiều cửa hiệu. Nhưng theo các chuyên gia, việc phát triển nhượng quyền phải được giữ ở mức độ tự nhiên và độc lập với công việc vận hành kinh doanh hàng ngày của bạn.
Một mô hình kinh doanh nhượng quyền muốn phát triển, cần phải xem xét khả năng hoạt động và phát triển như thế nào trong những thị trường không quen thuộc. Một thương hiệu nhượng quyền bền vững là luôn phát triển trong tầm kiểm soát của người nhượng quyền.
Đối với chiến lược phát triển quốc tế, bạn cần thảo luận kỹ với đối tác nhận nhượng quyền của bạn cách thức mở rộng và kiểm soát tại thị trường của họ làm sao cho ít rủi ro nhất.
4. Chọn lọc đối tác nhận nhượng quyền
Nếu có ai đó sẵn sàng nhận nhượng quyền từ công ty của bạn, điều đó có nghĩa họ sẽ là đại diện cho thương hiệu của bạn. Hãy đảm bảo bạn luôn có một hệ thống để chọn lọc và giúp đỡ người nhận nhượng quyền đi đúng hướng.
Sự nhiệt tình với thương hiệu là một điều rất tốt để xem xét nhượng quyền. Nhưng có đam mê mà không có thực lực và mong muốn kiếm lời nhanh chóng trong một chiến lược ngắn hạn sẽ là những đối tượng sai khi trao quyền đại diện thương hiệu cho họ.
Tôi nhận được khoảng 20 yêu cầu nhượng quyền mỗi ngày, nhưng cũng đã loại 75% trong số họ, bạn phải có phương pháp đánh giá đúng sự mong đợi của người nhận nhượng quyền tiềm năng để tránh những sai lầm hay thất bại trong tương lai.
5. Đặt ra những giới hạn phù hợp
Khi trao nhượng quyền cho một đối tác cùng với các hướng dẫn rất cụ thể về cách thức vận hành, cũng nên để cho họ có một sự tự do nhất định. Khoảng không gian linh động này cho phép họ đưa ra những ý tưởng, những cách thức để phục vụ tốt hơn cho khách hàng địa phương, nhưng hãy giữ sự tự do đó trong khuôn khổ.
Những công ty nhượng quyền khác nhau thường có những giới hạn khác nhau cho bên nhận nhượng quyền. Họ luôn vật lộn giữa việc gìn giữ nhận diện thương hiệu và cảm giác sở hữu cá nhân, cảm giác ông chủ của người nhận nhượng quyền. Do đó, tạo ra một cách thức hoạt động cân bằng hợp lý là nghệ thuật của người quản lý nhượng quyền.
6. Giúp đỡ các đối tác nhận nhượng quyền
Khi bắt đầu phát triển kinh doanh nhượng quyền, người chủ nhượng quyền nên chuyển giao công việc vận hành hàng ngày cho những bộ phận khác và tập trung thời gian vào việc tiếp xúc thường xuyên với các đối tác nhận nhượng quyền và thiết lập các phương pháp để hỗ trợ họ kịp thời.
Một khi người nhận nhượng quyền bắt đầu công việc kinh doanh của họ dưới thương hiệu của bạn, họ đã đặt hy vọng và nỗ lực để vận hành nó thành công, vì thế người nhượng quyền phải có trách nhiệm cung cấp cho họ những phương pháp, những sự hỗ trợ kịp thời để tránh những rủi ro và thất bại. Càng dành nhiều thời gian với người nhận nhượng quyền, bạn càng nắm rõ cách thức để hướng dẫn họ đi đến thành công.

Theo Doanhnhansaigon