Kiến thức quản trị Đơn giản hóa việc xử lý nợ xấu

Đơn giản hóa việc xử lý nợ xấu

8
Khối nợ xấu vẫn đang là mối nguy cơ cho cả nền kinh tế đến hệ thống ngân hàng và DN. Xử lý vấn đề này là yêu cầu được đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa thực thi được bao nhiêu. Trong khi đó, đã xuất hiện những điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu. Tuy vậy, việc tận dụng nó vẫn chưa được nhiều. 

Cơ hội từ lãi suất thấp
Lãi suất các khoản vay mới, kể cả các khoản vay cũ đang giảm xuống một cách khách quan theo đà giảm lạm phát và theo sức ép về sự trì trệ của nền kinh tế. Lãi suất cho vay bình quân có thể sẽ giảm xuống dưới mức “9+2,5″%/năm và tới “8+2,5″%/năm, giới hạn bởi trần huy động và chi phí hợp lý của hoạt động tín dụng ngân hàng.
Đây đang và sẽ là cơ hội xuất hiện trong khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp Nhà nước và Nhà nước cùng tích cực xử lý nợ xấu. Nhờ kích hoạt sản xuất, giảm tồn kho, huy động trái phiếu lãi suất thấp, đánh giá giá trị khoản nợ thấp và thu hút các nhân tố trong và ngoài nước cùng tham gia thị trường nợ.
Với con số nợ xấu theo các công bố chính thức, đã lên đến xấp xỉ 11% GDP năm 2011 và lớn hơn 2 lần GDP dự tính gia tăng năm 2012 thì vấn đề xử lý nợ xấu đã là vấn đề có quy mô của cả nền kinh tế và Nhà nước phải chỉ huy. Vì vậy, việc mà Nhà nước cần làm ngay là ban hành một bộ quy tắc khung cho cơ chế xử lý nợ xấu theo các nguyên tắc, quan điểm và giải pháp sau đây:
Nguyên tắc bao trùm của xử lý nợ xấu là không dùng Ngân sách Nhà nước cũng như không thể in tiền ra để mua nợ xấu cho con nợ – bất kể con nợ đó là thể nhân, pháp nhân hay thành phần kinh tế nào.
Nguồn để xử lý nợ xấu phải theo nguyên tắc lấy thị trường nuôi thị trường bằng cách tạo ra thị trường nợ thứ cấp để sử dụng đồng bộ các thiết chế quản trị nợ sẵn có (các AMC ở các Ngân hàng thương mại, DATC của Bộ Tài chính, Thị trường chứng khoán…), các công cụ tài chính phi tiền tệ, công cụ tiền tệ và cả phương tiện phi vật chất, như không gian, thời gian, kinh nghiệm và uy tín để tạo nguồn xử lý nợ xấu trong sự phát triển.
Về giải pháp, việc xử lý phải phân loại để có giải pháp thích ứng với từng loại nợ xấu. Các TCTD cần tiến hành xử lý nợ xấu theo thứ tự các giải pháp từ truyền thống đến sáng tạo mới như sau:
Hai bên chủ nợ (TCTD) và con nợ trực tiếp đàm phán: giảm lãi, giảm một phần gốc, kéo dài một số thời gian, tìm bên bảo lãnh có thể vay thêm để đáp ứng vòng quay của vòng đời sản phẩm có tính khả thi; Thu hồi qua phát mại tài sản đảm bảo tùy theo tính lỏng của loại tài sản đảm bảo; Truy cứu trách nhiệm của khách hàng hay bên “A” của con nợ; Xem xét khả năng chuyển nợ của con nợ thành vốn góp của chủ nợ/và hoặc đề xuất cơ chế mua trái phiếu của doanh nghiệp con nợ có bảo lãnh của bên thứ 3 bằng chính số nợ để chủ nợ dùng thời gian đòi nợ theo kỳ hạn của trái phiếu; Bù đắp hay xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro của TCTD nếu con nợ bất khả kháng; Một phần nợ khác, nếu có thể thu hồi, TCTD cùng con nợ dàn xếp/tìm bán cho doanh nghiệp cùng ngành nghề để liên danh và tạo nguồn trả nợ Ngân hàng; Chủ nợ và con nợ cùng tìm khách hàng vay tiêu dùng có điều kiện để con nợ tiêu thụ được hàng hóa thanh toán qua ngân hàng bằng tín dụng tiêu dùng chỉ định với lãi suất thấp để xử lý nợ.
Bình thường hóa việc mua bán nợ
Có những món nợ do quá đặc thù, quá lớn và/hoặc đã sử dụng hết các giải pháp truyền thống nói trên mà chưa thể đòi được (đặc biệt rơi vào con nợ đang ôm BĐS), thì con nợ có thể bán nợ cho Công ty mua bán nợ đã có sẵn của TCTD để chứng khoán hóa ngay/hoặc tái cấu trúc lại nợ để phát hành chứng khoán trả nợ theo thời gian.
Riêng những món nợ xấu mà TCTD cho vay trong mối quan hệ “liên doanh”, quan hệ “sân sau” hay quan hệ “cổ đông lớn”…thì nội vụ TCTD và các nhóm lợi ích phải công khai, tự nêu giải pháp và quy kết, chịu trách nhiệm rõ ràng. Nếu món nợ này liên quan đến lợi ích quốc gia, lợi ích người gửi tiền và hết khả năng trụ vững thì cho phép phá sản chủ nợ và/hoặc con nợ, tùy theo mối nguy hiểm cũng như nguyên nhân chính gây ra nợ xấu đến từ phía nào.
Lúc này hơn lúc nào hết cần chỉ ra các vi phạm về những quy định hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn, phải qui trách nhiệm và kiên quyết xử lý đối với các cổ đông lớn, người có liên quan đã vi phạm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần hoặc giới hạn về tín dụng đã trực tiếp “lái” dòng tín dụng và đầu tư của NHTM CP sang các nhóm lợi ích. Đồng thời giảm số lượng các TCTD yếu, kết hợp mở rộng room tỷ trọng sở hữu vốn điều lệ cho TCTD nước ngoài tham gia sở hữu TCTD trong nước.
Riêng việc xử lý nợ xấu thông qua Công ty mua bán nợ, là cơ chế rất thông thường của các nền kinh tế thị trường – nơi mà Nhà nước, tư nhân hay bất kỳ thành phần kinh tế nào khác đều bình đẳng trước Pháp luật và đặc biệt là tài sản/nguồn lực của các thành phần chủ sở hữu đó đều đã được vốn hóa hoặc luôn được xếp hạng, định giá cập nhật theo thị giá.
Kể cả nếu Ngân sách Nhà nước hay thậm chí Ngân hàng Trung ương có bỏ tiền thật ra mua nợ rồi thoái vốn cũng dựa hoàn toàn theo cơ chế thị trường và thông thường chỉ là “trạm cấp cứu ban đầu”, nhưng vẫn phải được tiên liệu trước là hòa vốn hoặc có lãi và được Quốc hội phê chuẩn để luật hóa thì mới làm và làm theo một chương trình khẩn cấp thông qua cơ chế ủy thác cho định chế tài chính có sẵn, có uy tín thực hiện theo thời hạn mà không cần phải thành lập mới để rồi phải nuôi một Công ty Nhà nước khổng lồ chưa biết đến khi nào “hoàn thành nhiệm vụ”.
Ngoài ra ở các nền kinh tế này cũng luôn luôn có những công ty chuyên mua bán nợ (còn gọi là các công ty “kền kền”), nhưng là những công ty hoàn toàn tư nhân, hoạt động theo cơ chế thị trường. Ở Việt Nam chưa có loại công ty này, cũng chưa nên cho ra đời loại công ty này một cách vội vàng trong bối cảnh hiện nay.
Vì vậy trước khi cho ra đời các loại công ty tư nhân độc lập chuyên mua bán nợ cần phải hoàn thiện môi trường Pháp lý và phải trị giá hóa các nguồn vốn về tài lực, trí lực và vật lực của khu vực kinh tế Nhà nước và hàng hóa hóa các nguồn vốn đó Tức là phải bán được từng phần hay toàn phần trên thị trường tài chính.
Với những giải pháp đồng bộ trên cùng sự hỗ trợ của xu hướng thị trường, nhất là lãi suất và lạm phát giảm, thì vấn đề nợ sẽ được xử lý hợp lý.

Theo Kinhtetapdoan