Kiến thức quản trị “Quản lý thoáng” để lấy lại uy quyền

“Quản lý thoáng” để lấy lại uy quyền

6
“Trong đời mỗi người sẽ có lúc lửa lòng nguội lạnh. Thế rồi nó chợt bốc lên ngùn ngụt nhờ tiếp xúc với người khác. Hết thảy chúng ta đều mang ơn những người thắp lại nhân linh ấy.” – Albert Schweitzer
Hầu hết hoạt động điều hành ngày nay chính là cái câu trích dẫn. Các nhà quản lý thường gây khó cho người của mình. Họ vô tình giết chết tinh thần con người bởi cung cách điều hành kiểu cũ và những phán xét gắt gao.
Nhưng có một kiểu nhà quản lý mới đã xuất hiện trong các công ty ngày nay, một nhà quản lý nguyện thắp lại tinh thần con người bằng cách lỏng tay cho nhân viên vui sống và để cho thành công tự nó đến.
Chúng tôi gọi kẻ khai sáng ấy là “nhà quản lý thoáng”.
Tất cả các nhà quản lý đều có thể lựa chọn giữa hai cung cách quan hệ:
– Chặt: phê bình và phán xét người của mình.
– Thoáng: chỉ bảo và huấn luyện người của mình.
Lựa chọn này sẽ tự bày ra nhiều lần mỗi ngày. Mỗi lần trao đổi với nhân viên của mình là một lần bạn thể hiện sự lựa chọn đó.
Nếu bạn chọn lối phán xét (và phê bình, chỉ trích…) bạn sẽ khơi dạy sự thủ thế và thu mình lại ở nhân viên – chứ không phải tính sáng tạo, lại càng không phải tính hiệu quả.
Khi ta phán xét nhân viên của mình và thấy họ cứ lánh mặt, thế là ta bắt đầu chỉ trích và riết róng họ. Vào thời buổi mà người làm công nhạy cảm và có hiểu biết như ngày nay thì đó quả là cái vòng tự hủy hoại. Nó chẳng mang lại điều gì ngoài bất bình và xa lánh.
Lại nữa, khi ta phán xét và cứ găm cơn giận trong lòng là ta đang đánh mất uy quyền của mình. Khi ta bực tức một nhân viên của mình nghĩa là ta đã giao uy quyền của mình vào tay người đó. Ta giao uy quyền của mình cho hết thảy những ai ta bực, bởi lẽ, ta đã để người đó chi phối ý nghĩ của mình.
Uy quyền đích thực trong việc lãnh đạo đến từ sự cộng tác chứ không phải từ sự phê phán.
Nhà quản lý thoáng nhờ giữ được uy mà được trọng. Phương pháp của anh ta là hiểu được từng người mình gặp gỡ. Nhờ vậy mà anh ta giảm được stress trong công việc. Anh ta ý thức rất rõ rằng mỗi lần phê phán ai là một lần anh ta đang làm tổn hại sự bình yên của chính mình.
Vậy là anh ta không qui trách nhiệm của những cảm giác tiêu cực cho người mà anh ta định mắng. Anh ta qui trách nhiệm của cảm giác khó chịu cho cái ý nghĩ mà anh ta đang nghĩ về người đó.
Chỉ có ý nghĩ mới gây ra căng thẳng chứ không phải con người. Con người thì không thể.
Nhưng với một nhà quản lý chi li kiểu cũ thì stress không bao giờ tan, còn sự hài hòa trong đơn vị thì không bao giờ giữ được.
“Uy quyền đích thực trong việc lãnh đạo đến từ sự cộng tác chứ không phải từ sự phê phán.”
Nếu bạn là một nhà quản lý chi li kiểu la mắng chì chiết ngày xưa, bạn sẽ nhận ra ngay ví dụ này. Bạn đang đánh xe vào nhà để xe của công ty và đột nhiên phải giảm tốc độ vì ngay trước mặt có một ông già lái chậm như sên. Nếu lúc đó bạn nghĩ rằng sao mà ghét mấy lão già đi đứng rề rề quá đi mất thì có nghĩa là bạn bắt đầu khổ rồi. Và bạn sẽ lại phải khổ mỗi lần chuyện đó xảy ra với mình. Chưa kể là chuyện bực bội nhiều khi không thực sự xảy ra với bạn, nó do bạn gây ra, bởi vì, stress hay không xuất phát từ ý nghĩ của bạn. Ông già nọ sức mấy mà gây được stress cho bạn. Bạn nghĩ rằng mình đang khổ sở vì ông già ấy lái xe non tay, thực ra bạn chỉ khổ vì ý nghĩ chê trách ông ấy mà thôi.
Chúng ta ai chả mong có đầy quyền uy và kiểm soát được sự an vui của chính mình, nhưng lại cứ liên tục ném đi chính cái quyền uy mà ta hằng tìm kiếm chỉ vì không biết tha thứ và bỏ qua. Cách duy nhất để thoát khỏi cái bẫy khổ sở kinh niên ấy là rèn luyện kỹ năng lỏng tay cởi mở, để cho hành động của người khác trôi tuột đi, không làm ta vướng mắt, và để cho những yếu kém của người khác vào tai này rồi ra tai kia.
Bất kỳ cái gì mà ta không cho qua được đều quay ra chi phối ta. Nhưng một khi đã có thể cho qua rồi thì ta lại nắm được quyền kiểm soát. Ta có thể cười to và khoái trá vì không bị tác động bởi những gì người khác có thể nghĩ về ta.
Đó là lúc bạn thay đổi với tư cách là một nhà quản lý.
Đó là lúc người ta nhìn thấy trong người bạn có một hòn đảo giữa cơn bão tố; một người để tìm đến hầu có những giải pháp bình yên trong cơn khủng hoảng. Nói cách khác, một nhà quản lý thoáng đích thực là người thu được kết quả từ một đội ngũ có phong cách làm việc thoải mái và hiệu suất cao.

Theo Bích Uyên