Kiến thức quản trị Nhà tuyển dụng ra quyết định nhanh chóng

Nhà tuyển dụng ra quyết định nhanh chóng

10
Có những lúc nhà tuyển dụng phải mất cả giờ để phỏng vấn một ứng viên, nhưng cũng có khi cuộc phỏng vấn kết thúc chỉ trong vòng vài phút. Đó là khi những người phỏng vấn đưa ra quyết định chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ không phải những dữ liệu mà mình đang có về ứng viên.
Ứng viên có thể cho rằng những quyết định như thế thường mang nặng cảm tính và không công bằng. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra như vậy và nếu hiểu được vì sao có những quyết định cảm tính ấy từ các nhà quản lý trong quá trình tuyển dụng, ứng viên sẽ có khả năng thành công cao hơn khi đi phỏng vấn xin việc.

Theo giải thích của các chuyên gia, nguyên nhân là người phỏng vấn thường bị ảnh hưởng bởi những ấn tượng đầu tiên khi ra quyết định tuyển dụng. Và họ cũng bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm cho thấy những thời điểm nào là quan trọng để ra quyết định tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn.

Dưới đây là một số quyết định nhanh của các nhà quản lý trong quá trình tuyển dụng, theo hướng tích cực, tức là chấp nhận ứng viên, cũng như tiêu cực, tức loại ứng viên.

1. Khi ứng cử viên nói rằng anh ta rất phấn khởi về cơ hội được làm việc ở vị trí đang ứng tuyển. Dưới con mắt của nhà tuyển dụng, ứng viên cần phải vui vẻ trong quá trình phỏng vấn, tỏ ra hứng thú với công việc tương lai và xem đây như là giai đoạn “tiền trăng mật”.

Nhà tuyển dụng nghĩ rằng nếu ứng viên không cảm thấy hứng thú với công việc lúc này thì chắc chắn anh ta sẽ không thể làm việc với doanh nghiệp quá sáu tháng sau khi được tuyển dụng. Mặt khác, nếu ứng viên còn tỏ ra do dự theo kiểu “để tôi suy nghĩ xem liệu công việc này có phù hợp với tôi hay không” thì nhà tuyển dụng cũng sẽ cảm thấy mất hứng thú về buổi phỏng vấn.

Ngay cả khi ứng viên cuối cùng xác định rằng anh ta thật sự mong muốn làm công việc đó thì nhà tuyển dụng cũng không còn đưa anh ta vào “danh sách ưu tiên”. Tóm lại, ứng viên nên dành thời gian để tìm hiểu kỹ công việc và xác định mình có yêu thích công việc hay không trước khi ứng tuyển, nếu không ứng viên sẽ chẳng gây được ấn tượng tích cực nào từ nhà tuyển dụng.

2. Khi ứng viên than phiền. Nhiều ứng viên thường trút hết bực dọc của mình về công ty hiện tại, về thu nhập và việc đi lại…một cách rất tự nhiên trong cuộc phỏng vấn. Ứng viên cũng có thể ca cẩm rằng mình đang phải chịu đựng một vị sếp quản lý nhân viên theo kiểu “vi mô”. 
Nên nhớ, nhà tuyển dụng muốn nghe ứng viên nói rằng anh ta rất háo hức với việc đảm nhận những trọng trách và nhiệm vụ mới và muốn thay đổi công việc vì một lý do nào đó chứ không phải vì đang “ngán ngẩm” công ty hoặc sếp hiện tại của mình. Điều mà người phỏng vấn muốn nghe là lý do ứng viên ứng tuyển vào công việc mới chứ không phải lý do anh ta “chạy trốn” công ty cũ.

3. Khi ứng viên nói rằng mình đang cần tiền để trang trải một khoản chi tiêu nào đó. Các nhà tuyển dụng thường hỏi ứng viên liệu anh ta có sẵn sàng làm việc ngoài giờ hay không.

Nếu ứng viên nói rằng “Tôi muốn làm việc ngoài thời gian bất cứ khi nào có cơ hội. Tôi vừa mới mua một chiếc xe mới và cần thêm thu nhập để trang trải các chi phí” thì ứng viên đó có khả năng cao lọt vào danh sách ưu tiên của nhà tuyển dụng.

Hiểu được các yêu cầu của công việc và thể hiện ý chí sẵn sàng chấp nhận thử thách để đáp ứng các yêu cầu đó là một “điểm cộng” cho ứng viên khi tham dự phỏng vấn.

4. Khi ứng viên “dẫn dắt” nhà tuyển dụng. Người phỏng vấn muốn ứng viên tỏ ra tự tin chứ không phải “dẫn dắt” mình. Khi tham dự một cuộc phỏng vấn, nếu tỏ ra lấn át người phỏng vấn (để che đậy những khiếm khuyết của mình), ứng viên sẽ có nguy cơ bị loại nhanh.

Hãy khéo léo lái cuộc phỏng vấn sang những lĩnh vực mà ứng viên có thể thể hiện được thế mạnh của mình và tạo ấn tượng tốt từ người phỏng vấn.

5. Khi ứng viên có một vấn đề rắc rối. Ứng viên có thể nói xin lỗi khi đến muộn, nhưng nhà tuyển dụng thì chẳng muốn nghe một câu chuyện dài dòng giải thích rằng ứng viên bị kẹt xe hay không tìm thấy bãi đậu xe.

Thay vào đó, nên xin lỗi ngắn gọn và cố gắng tìm cách khắc phục lỗi của mình. Chẳng hạn, ứng viên có thể nói: “Xin lỗi, tôi đến muộn. Tôi bị kẹt xe. Tôi biết điều này làm xáo trộn lịch làm việc của anh/chị. Do đó, nếu anh/chị không có thời gian thì tôi rất sẵn sàng xin được tham dự phỏng vấn vào một thời gian khác thuận tiện nhất cho anh/chị”.

Không có chuyện gì là hoàn hảo, nhưng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những nhân viên biết nhận lỗi, có trách nhiệm và đưa ra các giải pháp để khắc phục vấn đề.

6. Khi ứng viên chưa sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn. Đừng ngồi xuống bàn rồi vội vàng lục lọi trong cặp của mình, sau đó mất vài phút để lấy ra các tài liệu, giấy tờ cần thiết trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn. Những ứng viên có tác phong luộm thuộm như vậy chắc chắn sẽ “được” kết thúc cuộc phỏng vấn rất sớm.

7. Khi ứng viên đặt những câu hỏi ngớ ngẩn. Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi ứng viên có muốn đặt câu hỏi nào không.

Nếu thật sự chưa nghĩ ra điều gì có liên quan và có thể tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng thì tốt nhất nên trả lời “không” và cảm ơn người phỏng vấn. Không nên cố “vắt óc” suy nghĩ để rồi cuối cùng đưa ra những câu hỏi ngớ ngẩn hay những câu hỏi mà chính ứng viên cũng có thể tìm thấy câu trả lời một cách dễ dàng.

Những câu hỏi như vậy có thể làm cho ứng viên bị đánh rớt một cách đáng tiếc mặc dù đã gây được ấn tượng rất tốt cho nhà tuyển dụng trước đó.

8. Khi ứng viên thể hiện mong muốn có được công việc mà mình đang ứng tuyển. Cũng như người bán hàng mong muốn chốt được giao dịch, các ứng viên cũng nên thể hiện mong muốn có được vị trí mà mình đang ứng tuyển.

Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên nói rằng: “Cảm ơn các anh/chị đã cho tôi có cơ hội tham dự buổi phỏng vấn này. Tôi cảm thấy rất thú vị được trao đổi với các anh/chị và tôi nghĩ là tôi sẽ yêu thích công việc ở đây”.

Theo Nhuongquyenvietnam