Kiến thức quản trị “Đẳng cấp” từ minh bạch

“Đẳng cấp” từ minh bạch

7
Trong bối cảnh hội nhập nhanh chóng với các thể chế mang tính quốc tế, Việt Nam đang mất dần quyền tự định đoạt các chính sách một cách tự chủ. Nếu không cải thiện ba vấn đề: đồng nội tệ yếu, thâm hụt thương mại và thâm hụt tài chính, Việt Nam sẽ mất quyền tự định đoạt này hơn nữa.
Không thể thiếu một “đơn thuốc” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng lặp lại những kinh nghiệm của Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới sẽ là lợi bất cập hại, bởi sự khác biệt về điều kiện kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Khủng hoảng tài chính ở Nhật Bản giai đoạn 1990-2000 khá tương đồng với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nhưng giá tài sản (đất đai, cổ phiếu…) có giai đoạn rất cao ở Nhật Bản nhưng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) lại ổn định.

Còn ở Việt Nam, tài sản đầu cơ có nhiều dạng và CPI cao… Các nhà đầu tư Việt Nam quá tin vào sự an toàn của bất động sản. Việt Nam là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đầu tư vào bất động sản về thực chất là mua quyền sử dụng đất chứ không phải mua đất. Đó là những sự khác biệt lớn, mang tính quyết định khi cân nhắc chính sách của Việt Nam.
Để xử lý khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện tái cấu trúc tài chính, loại bỏ những ngân hàng (NH) thiếu vốn, sáp nhập các NH tốt về tài chính, rót vốn công cho NH thiếu vốn, thành lập Cục Tín dụng để giám sát các tổ chức tài chính, bảo vệ người gửi tiền, nhà đầu tư, thu hút vốn cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, Việt Nam phải ưu tiên cải cách cơ cấu trước khi thực hiện đòn bẩy giám sát.
Trong tái cấu trúc hệ thống NH của Việt Nam, nợ công sẽ tăng cao nếu áp dụng kinh nghiệm của Nhật Bản là rót vốn công cho các NH thiếu vốn. Do đó, giải pháp sáp nhập các NH tốt về tài chính là tối ưu. Đây cũng là cách Nhật Bản thường xuyên áp dụng trong 140 năm qua.

Theo “đơn thuốc cơ bản”, Việt Nam phải tách biệt rõ ràng giữa sở hữu và kinh doanh. Việc hoàn thiện chức năng giám sát sẽ hạn chế những hành vi bất chính, phi pháp. Cùng với đó, Việt Nam phải trở lại với “đơn thuốc đang bỏ qua” là hiện đại hóa giao dịch tín dụng.

Việc xóa bỏ hoàn toàn giao dịch bằng tiền mặt, kinh doanh với tính minh bạch cao không chỉ để nâng cao khả năng cạnh tranh, mà còn tăng cường “sự thống trị doanh nghiệp” trong nước, làm cho nền kinh tế mạnh hơn. 
“Cái ổ” của bong bóng kinh tế Việt Nam là lòng tin của người dân vào vàng, USD và VND. Vàng là đối tượng được chú trọng đầu tư suốt một thời gian dài, đây là hành vi tiết kiệm của người dân thường, không phải là đầu cơ.

Tuy nhiên, cách giao dịch vàng tại Việt Nam không thông dụng với thế giới, giao dịch vàng quốc tế là phải được công nhận tại thị trường London. Vấn đề lo ngại của Việt Nam là “bong bóng vàng” hơn là “bong bóng bất động sản”.
Việt Nam mở cửa cải cách đã 25 năm, nhưng tình trạng thâm hụt thương mại và đồng nội tệ rẻ vẫn hiện diện, tăng nợ nước ngoài, dự trữ ngoại tệ giảm và lo ngại về lạm phát đang là thực tế.

Rơi vào vòng luẩn quẩn ấy là do Việt Nam để mất cân bằng: tiết kiệm = đầu tư + tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự gia tăng về lượng cung tiền và sự tăng trưởng của năng suất trong nước chưa mang tính đồng bộ. Vì vậy, nếu loại trừ “bong bóng” kinh tế chỉ bằng chính sách vĩ mô thì sẽ thất bại. 
Một quốc gia “đẳng cấp” không phải là quy mô GDP lớn hay nhỏ, mà là quốc gia có lòng tin cao đối với tính minh bạch. Một quốc gia có sự phát triển tín dụng chậm, đồng nội tệ yếu không thể trở thành quốc gia “đẳng cấp”.

Cách kinh doanh của các NH Việt Nam đã làm gia tăng nợ xấu, tài sản tích lũy bất chính của cá nhân đổ sang lĩnh vực phi NH, doanh nghiệp trốn thuế và thao túng lợi nhuận trên cơ sở kế toán… Gốc rễ của vòng luẩn quẩn này chính là tín dụng yếu.

Như vậy, Việt Nam sẽ không thể tự chủ tài chính nếu không nâng giá trị của đồng nội tệ. Việt Nam mong muốn duy trì sự bền vững của vòng tuần hoàn giữa sản xuất – thu nhập – tiêu dùng, nhưng nếu không hiện đại hóa nền tài chính, thì không thể có tăng trưởng bền vững.

Theo Takeshi Hachimura