Kiến thức quản trị Câu chuyện đầu năm với tiến sĩ kinh tế Alan Phan

Câu chuyện đầu năm với tiến sĩ kinh tế Alan Phan

32
CF – Câu chuyện đầu năm với tiến sĩ kinh tế Alan Phan được dẫn dắt từ việc nhìn lại nền kinh tế Việt Nam 2011, về tư duy và niềm tin đặt vào những người trẻ. Liệu có một chuẩn công thức cho thành công của cá nhân và dân tộc? Việt Nam sẽ kể câu chuyện nào với thế giới?

VỀ KINH TẾ, VIỆT NAM ĐANG CÓ HAI CƠ HỘI ĐỘT PHÁ
CF: Chào anh Alan Phan, anh đã đi khắp nơi trên thế giới, nghiên cứu, tìm hiểu về những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, anh đánh giá kinh tế Việt Nam những năm trở lại đây ra sao?

Tiến sĩ (TS) Alan Phan: Việt Nam có những hứa hẹn, những lợi thế để có thể đột phá. Nhưng từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì đường đi có lúc chưa đúng. Việt Nam đi theo đường mà Trung Quốc đã đi, mà con đường đó nó hợp với Trung Quốc chứ không hợp với Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam có hai cơ hội đột phá rất tốt. Ở nông thôn, nên phát triển sạch và bền vững, lấy nông nghiệp làm căn bản. Ở thành thị, dùng chất xám của sinh viên để phát triển IT và phần mềm chất xám. Mà đất nước chúng ta có một lợi thế về nhân lực. Chúng ta có 3 triệu sinh viên và 4 triệu Việt kiều. Lợi thế này không một nước nào ở Đông Nam Á có được. Chứ còn bây giờ, Việt Nam ta đi theo con đường phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, công nghiệp lắp ráp ô tô, làm những việc Trung Quốc đang làm thì không bao giờ cạnh tranh được với Trung Quốc.
CF: Anh nghĩ sao về tầng lớp doanh nhân Việt Nam?

TS Alan Phan: Tôi thấy họ rất giống với doanh nhân Trung Quốc. Cái đó là lời chê chứ không phải là lời khen.
CF: Vì sao anh lại lựa chọn nông nghiệp là một trong những con đường phát triển nền kinh tế của Việt Nam?

TS Alan Phan: Nông nghiệp Việt Nam là căn bản, 67% người Việt Nam vẫn là nông dân. Nông nghiệp ở đây tôi đề cập không phải là việc đi phá rừng trồng cao su. Nông nghiệp nên dựa trên mô hình của người Do Thái. Do Thái khi lập quốc, một triệu dân của họ sống trên một sa mạc khô cằn, sỏi đá, hơn thế nữa họ bị đe dọa bởi một trăm triệu người Ả rập xung quanh. Họ bắt đầu đi từ nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng mô hình phân phối, cách canh tác, phát triển hạt giống. Chỉ trong vòng 10 năm, 1 triệu dân Do Thái đã xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu, thậm chí là cả châu Phi – nơi đất đai màu mỡ phì nhiêu. Tôi nghĩ Việt Nam có thể đi theo con đường đó để phát triển nền kinh tế của đất nước.
CF: Vậy anh nghĩ là Việt Nam đang bỏ phát triển nông nghiệp để chạy theo phát triển những ngành công nghiệp mà Trung Quốc đã và đang phát triển từ đó?

TS Alan Phan: Đúng. Việt Nam mình đang nghĩ sai. Chúng ta nghĩ là nước láng giềng làm được thì ắt hẳn chúng ta cũng làm được. Nhưng sự thực không phải như vậy vì mỗi nơi có đặc điểm riêng và những lợi thế phát triển riêng.
CF: Vậy anh có thể khái quát sự khác nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế?

TS Alan Phan: Việt Nam đều có những cái tốt của Trung Quốc: trọng vấn đề học vấn, trọng vấn đề sĩ diện, người Việt mình cũng rất năng động về kinh doanh. Cái khác thứ nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là Trung Quốc có thị trường hơn một tỉ dân. Đó là một thị trường rất lớn. Dù Trung Quốc có làm sai đi nữa nhưng những nhà đầu tư nước ngoài vẫn ùn ùn đổ tiền vào vì họ hy vọng vào tương lai của thị trường tỉ dân này. Thứ hai, Trung Quốc đã đi trước mình 15 năm. Thế giới đã quen với hàng Trung Quốc xuất khẩu giá rẻ rồi. Mình còn mới loạng quạng… Điều thứ hai, tỉ giá Trung Quốc dưới giá thực nên hàng hoá bán ra rẻ hơn. Trong khi đó, ở Việt Nam tỉ giá cao hơn giá thực. Thành ra, cùng một mặt hàng, giá cả lại cao hơn, khiến cho hàng hoá Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh. Điểm khác nhau thứ ba giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế Việt Nam đó là Trung Quốc có một hệ thống hoàn toàn đầy đủ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Trong khi đó, Việt Nam khi sản xuất một hàng hóa nào đó thường phải nhập khẩu nguyên vật liệu. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn kém, cảng biển lúc thì chật cứng, lúc thì thiếu máy móc thiết bị dỡ hàng vv…
CF: Anh nghĩ sao khi chúng ta nhìn nhận vấn đề theo hướng: Trung Quốc có quy mô, Việt Nam có tốc độ. Trung Quốc có số lượng thì Việt Nam mình có chất lượng. Và Việt Nam lựa chọn những lĩnh vực lợi thế để phát triển ra toàn cầu.

TS Alan Phan: Tôi đồng ý hoàn toàn. Nhưng bây giờ Trung Quốc cũng đang hô hào về tiêu chuẩn chất lượng. Anh không đặt chất lượng làm mục tiêu suốt đời thì anh chỉ sản xuất những hàng hóa rẻ, hàng giả, hàng nhái. Cho dù Trung Quốc trong khi tiến tới mục tiêu chất lượng cũng đang bắt gặp không ít vấn đề xã hội phức tạp.
CF: Như anh nói nền kinh tế Việt Nam có hai hướng mũi nhọn để phát triển là Nông nghiệp và IT. Theo anh, vai trò của công nghiệp du lịch thì sao? Với những danh lam, thắng cảnh vốn có và một thế giới ẩm thực tinh tế tuyệt vời thì đây cũng sẽ là một mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước chứ!

TS Alan Phan: Tôi nghĩ thế này, mình không thể làm được nhiều thứ, mình dồn năng lực vào một, hai thứ thôi. Du lịch cũng có thể khi anh làm đúng bài bản. Nói về tổng quan, nếu chúng ta dồn toàn lực vào du lịch cũng tốt nhưng nó sẽ không hữu hiệu bằng những ngành khác. Du lịch cũng có những mặt trái như việc khách du lịch bị chặt giá chẳng hạn…
CF: Mặt trái như anh nói vừa rồi cũng có thể gặp trong lĩnh vực như nông nghiệp hay IT. Vấn đề ở đây là nói về tầm nhìn, về chiến lược, trong đó mình phải dẹp bỏ tất cả những rào cản để tập trung thực hiện điều mình mong muốn.

TS Alan Phan: Tôi chọn nông nghiệp và IT chính vì chúng ít rào cản hơn những lĩnh vực khác. Thí dụ tôi nói về IT, bán dịch vụ về IT anh không phải đi qua hải quan, đi qua đường này, đường kia, giảm tiêu cực. Hơn thế nữa, lợi thế cạnh tranh của chúng ta với các ngành này vượt trội hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Ví dụ như tài chính, mình cũng có thể phát triển như Singapore nhưng mình sẽ mất rất nhiều thời gian và kinh phí đầu tư cho nó. Tôi khằng định nông nghiệp và IT là cơ hội đột phá.
CF: Anh nghĩ ngoài hai ngành đó còn ngành nào có triển vọng nữa không?

TS Alan Phan: Nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, cung cấp nhu cầu tiêu dùng cho hơn 86 triệu dân Việt Nam.
VỀ TƯ DUY, HÃY MỞ RỘNG ĐẦU ÓC RA THẾ GIỚI
CF: Có ý kiến cho rằng: Việt Nam đang thiếu một chiến lược cụ thể mang tầm quốc gia về phát triển kinh tế. Anh nghĩ thế nào?

TS Alan Phan: Đối với tôi, vấn đề cần giải quyết bây giờ là tư duy. Tư duy phải thay đổi. Người mình không có suy nghĩ theo kiểu toàn cầu, khác lạ. Mình như con rô–bốt từ trẻ đến già. Con người suy nghĩ theo đường cũ thì vẫn xài văn hoá cũ. Khi về Việt Nam tôi rất ngạc nhiên, phần lớn văn hoá Việt Nam vẫn giống như 100 năm, 200 năm trước. Lớn lên phải dựng nhà, làm quan… nghĩa là không khác gì với cái thời cha mẹ tôi sinh ra. Tôi không quan trọng việc đất nước mình không có nhà cao cửa rộng, đường xá hiện đại như Singapore. Cái nhà cao cửa rộng, đường xá hiện đại mình có thể xây dựng được. Nhưng cái phần mềm, là cái đầu, cái tư duy, thì mình lại không có. Cái này mới quan trọng, đặc biệt là quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
CF: Đất nước giàu hay nghèo là vấn đề về tư duy, về văn hóa. Vậy theo anh, đặc tính nào mà người Việt Nam cần học. Anh có thể nêu ra ba hoặc năm đặc tính được không?

TS Alan Phan: Không cần nhiều đặc tính đến vậy. Chỉ cần một đặc tính thôi: hãy mở rộng đầu óc ra thế giới, tiếp thu những cái mới thay vì khép lại mà chấp nhận. Những thứ chúng ta cần thay đổi để tư duy thay đổi là văn hóa, nghệ thuật, giáo dục…, để làm một cách mạng cho cái đầu của chúng ta.
CF: Theo anh, bây giờ có cách gì để mọi người, nhất là người trẻ, thay đổi tư duy hay mặc nhiên, theo thời gian, họ sẽ tự thay đổi?

TS Alan Phan: Mỗi người đều có một suy nghĩ, một góc nhìn. Nhưng khi có nhiều góc nhìn, sự thật sẽ được nhìn rõ hơn. Đó là điều tôi mong ước.

VỀ TƯƠNG LAI, VIỆT NAM LÀM ĐƯỢC VÀ LÀM TỐT HƠN
CF: Anh nghĩ gì về giới trẻ Việt Nam?

TS Alan Phan: Giới trẻ Việt Nam cũng như giới trẻ các nơi khác, có những ham hố. Đối với giới trẻ nên cho họ một tầm nhìn mới, một tư duy mới, một lý tưởng để sống, hoạt động và vươn tới.
CF: Anh có thấy sứ mạng của giới trẻ trong bối cảnh mới này không?

TS Alan Phan: Thẳng thắn mà nói thì không.
CF: Vậy mà người ta hay nói nhìn vào thế hệ trẻ, trí tuệ của họ sẽ thấy được tương lai của quốc gia đó…

TS Alan Phan: Cũng có thể, nhưng nói vậy hơi quá khích. Thực tình mà nói, tuổi trẻ có những sai lầm… cũng ok thôi, không có gì cả. Từ những sai lầm, họ mới chuyển đổi. Nhưng như tôi đã nói, cái chuyển đổi chính phải là cái chuyển đổi về tư duy. Suy nghĩ khác sẽ dẫn đến hành động khác. Vậy thôi! Bây giờ, giới trẻ còn quan tâm quá nhiều đến chuyện bóng đá Việt Nam (mình thắng Malaysia hay Indonesia), hơn chuyện đi kiếm tìm hạt giống café mới chẳng hạn.
CF: Bây giờ tôi thấy có quá nhiều cuộc thi nhảy nhót, hát hay, dáng đẹp…nhưng những cuộc thi phát triển để Việt Nam vượt trội hơn những dân tộc khác, đất nước khác thì không ai quan tâm và đề cập.

TS Alan Phan: Đó là vì không ai tổ chức
CF: Anh có nghĩ tôi và anh cùng nhau tổ chức không?

TS Alan Phan: Tôi già rồi, tôi không dính vào cuộc thi nào hết. Tôi có thể nói cho họ biết chứ không thể làm dùm họ. Tôi chỉ đi truyền lại những suy nghĩ và kiến thức đúc kết từ kinh nghiệm của tôi thôi. Tôi là ông già hay lý sự. Tất cả những chia sẻ của tôi là những chia sẻ thực tình, tôi không có vụ lợi, hay nhằm mục đích gì hết. Anh còn trẻ, anh làm được, tôi rất hoan hô.
CF: Nếu tôi có tổ chức cuộc thi như vậy thì ít nhất anh cũng tham gia đóng góp để cuộc thi trở nên bổ ích và có tác động đối với giới trẻ chứ!

TS Alan Phan: Tôi sẵn sàng. Đừng bắt tôi đi hát, đi múa là được.
CF: Câu hỏi lớn nhất của chúng ta, là: Anh Alan Phan này, theo ý kiến cá nhân của tôi, người Việt chúng ta đang định kể câu chuyện gì ra thế giới? Đây là vấn đề rất lớn. Hồi xưa, xét cho cùng Việt Nam đã được thế giới biết đến qua công cuộc giải phóng dân tộc. Hiện nay sự kết nối giữa thế giới với Việt Nam cũng thông qua câu chuyện này. Nó có sẵn và là tài sản rất lớn mình chưa khai thác được hết. Nhưng cái mình thiếu là công cuộc xây dựng ý thức công dân. Không có ý thức công dân làm sao có ý thức quốc gia? Làm sao có ý thức vị thế quốc gia mình ở đâu, mình thua kém ai, mình đau đớn như thế nào khi mình như thế này? Việt Nam mình tiếp tục viết câu chuyện này, tôi nghĩ thế giới sẽ ấn tượng và sẽ ủng hộ. Đó là vấn đề quan trọng. Thứ hai, Việt Nam tiếp tục công cuộc giải quyết vấn nạn quốc gia, thời đại. Đây là vấn đề quan trọng trong vấn đề tư duy. Ba chuyện mà Việt Nam cần phải làm được: một là đoàn kết toàn bộ dân tộc trên một tầm nhìn lớn. Điểm thứ hai, Việt Nam phải có vai trò đưa ra một tầm nhìn cho ASEAN, thuyết phục ASEAN trong bối cảnh có quá nhiều xung đột giữa các nước lớn như hiện nay. Thứ ba là hội tụ được thế giới, kéo thế giới đến với chúng ta, xây dựng với chúng ta, chia sẻ lợi ích với chúng ta và bảo vệ chúng ta. Lúc đó Việt Nam mới có tương lai.

TS Alan Phan: Suy nghĩ của tôi chỉ là suy nghĩ của tôi! Suy nghĩ của anh cũng vậy! Còn chuyện đem ra hành động đòi hỏi không những về vấn đề ham muốn, động lực mà còn là vấn đề sức khoẻ, phương tiện, rất nhiều yếu tố.
CF: Anh có nghĩ còn phải có can đảm không?

TS Alan Phan: Cái đó quan trọng, là số 1.
CF: Tôi rất thích câu anh nói ngoài lề cuộc nói chuyện này của anh: “Việt Nam làm được và làm tốt hơn”. Đây nên là khẩu hiệu quốc gia. Nước khác làm được thì Việt Nam cũng làm được, mà phải làm tốt hơn nữa.

TS Alan Phan: Tôi cũng cầu mong là vậy.
CF: Cảm ơn anh vì buổi nói chuyện này.

Theo Nhuongquyenvietnam