Inspirers Chuyện quản trị Quản lý dòng tiền lúc khởi nghiệp: chia nhỏ mục đích, kiên...

Quản lý dòng tiền lúc khởi nghiệp: chia nhỏ mục đích, kiên trì tích lũy

40

Đối mặt với khó khăn về tiền bạc của những ngày đầu khởi nghiệp, ông Lữ Thành Long – nhà sáng lập MISA đã chọn cách chia các khoản tiền thu được để tái đầu tư và phòng ngừa khủng hoảng tài chính. Điều này đã giúp MISA tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Bài học cho các nhà quản trị là cần có kế hoạch tài chính linh hoạt và tiết kiệm; nên coi tiền bạc là phương tiện để đạt được mục tiêu lớn hơn, không chỉ là mục đích cuối cùng. Quản lý dòng tiền khoa học giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đạt được sự ổn định lâu dài.

Khi khởi nghiệp, tôi và anh Hoàng bắt đầu với số vốn là con số ZERO tròn trĩnh, do đó chúng tôi không có lương cố định mà cuối kỳ sẽ chia nhau số tiền thu được từ các hợp đồng phần mềm. Tôi chia tiền thành 3 phần: Một phần trả anh Hoàng, một phần để đưa vào quỹ nhằm mua sắm máy móc, thiết bị và công cụ, phần còn lại lẽ ra là của tôi nhưng tôi tình nguyện đưa vào quỹ để sử dụng cho những việc chi tiêu hàng ngày của MISA. Thời gian này kéo dài trong khoảng 2 năm đầu nhưng tôi không cảm thấy có vấn đề gì lắm, là vì mỗi khi về nhà tôi vẫn có cơm ăn, nhà ở miễn phí được tài trợ vô điều kiện và không giới hạn về thời gian từ cha mẹ.

Khi MISA bắt đầu phát triển và cần tuyển dụng thêm nhân lực thì chi phí đã trở thành một gánh nặng nghiêm trọng. Tôi không thể chi trả cho mọi người theo kiểu cũ khi hợp đồng đã thu được tiền mà phải trả định kỳ hàng tháng. Vậy là cứ đến gần mấy ngày cuối tháng là ăn ngủ không yên để xem lôi đâu ra tiền để trả. Mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết đều trở thành cơn ác mộng kinh hoàng. Có nhiều kỳ thiếu tiền phải đi vay mượn bạn bè, may mà ông bạn vàng Lê Hoài Nam lúc nào cũng vừa động viên vừa hỗ trợ, đây là sự may mắn lớn nhất của cuộc đời tôi. Trong vòng 5 năm đầu vật lộn, cá nhân tôi chẳng bao giờ có tiền cả, thậm chí có kỳ trả lương xong trong túi không còn một xu để mua hoa tặng sinh nhật người yêu nên đành phải tay không đến “bắt giặc”.

Sự ám ảnh về tiền bạc đã rèn luyện cho tôi đức tính kiên trì tích lũy tiền bạc cho công ty để đề phòng những khi có khủng hoảng. Sau này khi tài khoản công ty đã có nhiều tiền, tôi cũng luôn giữ nguyên tắc số dư phải dành đủ ít nhất 1 năm chi phí hoạt động cho MISA. Như vậy, kể cả công ty trong năm đó không làm ra đồng nào thì vẫn có thể hoạt động tốt mà không cần sa thải hay ngủ đông. Việc này nghe tưởng dễ nhưng thực tế không hẳn vậy. Khi bạn đã có chút vốn liếng sẽ có nhiều lời đường mật rủ rê bạn bỏ tiền đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hay tiền mã hóa. Những điều này không hẳn là sai nhưng nó thường không phù hợp với các công ty công nghệ. Tôi đã từng chứng kiến nhiều công ty đang hoạt động tốt mà chỉ vì thiếu tiền ngắn hạn nên đổ sập, chết lâm sàng. Tiền bạc trong doanh nghiệp cũng tựa như máu vậy. Khô máu là chết tức thì.

Đến hôm nay sau 30 năm khởi nghiệp, cá nhân tôi cũng có chút tiền bạc đủ tiêu nên bạn bè nhiều khi cứ bảo sao không buông bỏ đi mà vẫn cứ làm việc vất vả thế, kiếm tiền nhiều để làm gì. Thú thật, cá nhân tôi hầu như không có nhu cầu về tiền bạc, tôi cũng không phải là người hứng thú kiếm nhiều tiền. Việc mong muốn MISA có nhiều tiền cũng chẳng qua vì muốn MISA có năng lực mạnh mẽ hơn nữa để làm ra được nhiều sản phẩm tốt phục vụ cho xã hội và cũng có điều kiện để nâng cao được đời sống về tinh thần và vật chất cho các anh chị em trong công ty. Tiền đối với cuộc đời tôi không phải là mục đích mà nó chỉ là phương tiện để thực hiện nhiều ước mơ.

Ông Lữ Thành Long 

Chủ tịch HĐQT, nhà sáng lập MISA

———————

Bài viết này nằm trong dự án MISA Inspirers – series nội dung chia sẻ bài học kinh nghiệm 30 năm khởi nghiệp & quản trị doanh nghiệp của MISA, giúp truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nghiệp SMEs và Startups.