Quản trị khách hàng Dự thảo Luật DN (sửa đổi): Tăng chế tài nếu gian dối...

Dự thảo Luật DN (sửa đổi): Tăng chế tài nếu gian dối khi thành lập DN

10
Tăng chế tài đối với hành vi gian lận, khai báo gian dối trong đăng ký thành lập doanh nghiệp là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khi báo cáo giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về dự thảo Luật DN (sửa đổi) chiều 21-4.

Ủy ban TV QH cho ý kiến về dự thảo Luật DN (sửa đổi) vào phiên họp thứ 27. Ảnh: T.Nam.

Tiếp tục đơn giản thủ tục thành lập?
Liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (Chương II), dự thảo Luật thay đổi theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh, hài hòa hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với các thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.
Ngoài những ý kiến tán thành với quy định như dự án Luật, ở nội dung này có một số ý kiến cho rằng thủ tục hiện nay đã là quá đơn giản, dễ dẫn tới việc thành lập doanh nghiệp dễ dàng, vì trong thực tế có doanh nghiệp được thành lập chỉ để mua bán hóa đơn, thậm chí lừa đảo. Do đó, có ý kiến đề nghị dự Luật cân nhắc quy định theo hướng chặt chẽ hơn để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc kết hợp thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội vừa để giảm thiểu thời gian và rút gọn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, vừa để giúp cho công tác theo dõi, quản lý tình trạng tổ chức, hoạt động, giải thể, phá sản của các doanh nghiệp trên thực tế. Ngoài ra, việc áp dụng thống nhất một thủ tục thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là hợp lý.
Để tạo thuận lợi doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể trong dự án Luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp, bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động, các thông tin trong Giấy đăng ký kinh doanh vẫn đúng thực tế, từ đó, có cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về tình trạng cũng như số lượng các doanh nghiệp thành lập mới, đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động hoặc đã phá sản, giải thể.
Theo Ủy ban Kinh tế, Dự án Luật cũng cần bổ sung quy định về sự phối hợp chặt chẽ và thông tin hai chiều giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý trực tiếp và các cơ quan có liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, ban soạn thảo đã có những cân nhắc là làm thế nào để những quy định trong dự thảo Luật đủ sức mạnh hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh. Theo Thứ trưởng, dự thảo Luật đã tạo điều kiện để các DN hoạt động, phát triển và trong hoạt động đầu tư kinh doanh chính các DN sẽ chịu trách nhiệm cũng như thực hiện kiểm soát lẫn nhau về những gì DN tự khai như số vốn điều lệ và những điều kiện khác trong đăng ký thành lập DN.
Đi cùng với cơ chế tự khai tự chịu trách nhiệm, Thứ trưởng khẳng định, chế tài về những vấn đề này đã được điều chỉnh tăng trong dự thảo Luật, cụ thể đối với một số hành vi đã có nhiều vi phạm trong thực tế hiện nay như khai khống vốn điều lệ, thành lập DN ma…

Luật hóa doanh nghiệp xã hội
Liên quan đến một loại hình doanh nghiệp lần đầu được luật hóa là doanh nghiệp xã hội, Khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật xác định: Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký.
Đồng thời, khoản 2 Điều 11 đã xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp xã hội. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng.
Theo Ủy ban Kinh tế của QH, về nội dung này, có hai nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng đây không phải là một loại hình doanh nghiệp mới nhưng cách quy định như dự án Luật có thể gây hiểu nhầm đây là một loại hình doanh nghiệp mới ngoài các loại hình hiện nay.
Nhóm ý kiến thứ hai tán thành quy định như dự án Luật và cho rằng đây là sự thừa nhận sự tồn tại thực tế của doanh nghiệp xã hội nước ta hiện nay. Quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận đầu tư vào các lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần cùng các nguồn lực của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.

Theo Báo Hải Quan