Quản trị khách hàng Ngân hàng “chạy đua” tăng vốn

Ngân hàng “chạy đua” tăng vốn

17
Hàng loạt kế hoạch tăng vốn đã được các ngân hàng công bố trong mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2014. Qua đó cho thấy, các ngân hàng đang “chạy đua” trong việc mở rộng quy mô, mạng lưới cũng như đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh.

MB dự định tăng thêm 4.244 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2014. Nguồn: Internet

Ngân hàng lớn, nhỏ đều tăng vốn
Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Ngân hàng Quân đội (MB) được tổ chức vào cuối tháng 4-2014 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ của MB lên mức 15.500 tỷ đồng (tăng thêm 4.244 tỷ đồng) thông qua 2 đợt phát hành cổ phần phổ thông. Cụ thể, đợt 1 sẽ thực hiện trong quý 2-2014, trong đó phát hành 34 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2013 cho cổ đông hiện hữu của MB với tỷ lệ 100:3 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 3 cổ phiếu phát hành thêm). Đợt 2, dự kiến thực hiện trong khoảng từ quý 3 đến quý 4-2014, chào bán 390 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, đối tác chiến lược trong và ngoài nước.
Tính đến cuối năm 2013, vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Đông (OCB) là 3.234 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2014, OCB sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, tức tăng thêm 766 tỷ đồng nhằm mục đích mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động ngân hàng và bổ sung nguồn vốn kinh doanh để đầu tư và cho vay.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, Ngân hàng Đông Á cũng vừa trình lại phương án tăng vốn từ năm 2013 đã thất bại là tăng vốn từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng bằng cách phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tương tự, “ông lớn” trong ngành ngân hàng là Vietcombank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 26.650 tỷ đồng (tăng thêm 3.476 tỷ đồng). Việc tăng vốn được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) cho cổ đông hiện hữu của VCB với tỷ lệ 15%. Vốn điều lệ dự kiến sẽ được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư công nghệ và tài sản cố định, mở rộng đầu tư góp vốn vào một số đơn vị hiện có và tìm kiếm cơ hội tham gia góp vốn vào các dự án đầu tư góp vốn có hiệu quả; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của VCB. Ngoài ra, theo ban lãnh đạo Vietcombank, việc tăng vốn điều lệ còn để chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép.
Đại hội cổ đông thường niên của Sacombank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 12.425 tỷ đồng lên mức 13.481 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Theo đó, Sacombank sẽ chia số cổ phiếu thưởng và cổ phiếu quỹ là 114,25 triệu cổ phần (gồm 100 triệu cổ phiếu quỹ và một phần thặng dư vốn cổ phần) theo tỷ lệ 10% và phát hành 91,4 triệu cổ phần để trả cổ tức với tỷ lệ 8%.
Với số vốn điều lệ hiện tại là 28.112 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 33.570 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2014. Theo đó, BIDV sẽ phát hành thêm 545,8 triệu cổ phiếu phổ thông. Tỷ lệ cổ phiếu đăng ký phát hành thêm trên số vốn cổ phần hiện hữu là 19,42%. Trong đó, 179,9 triệu cổ phiếu phát hành để trả cổ tức theo tỷ lệ 6,4% cho cổ đông hiện hữu, 47 triệu cổ phiếu phát hành với tỷ lệ 1,57% cho cổ đông hiện hữu và 318,9 triệu cổ phiếu phát hành cho nhà đầu tư tài chính với tỷ lệ 10,5%.
Liệu có khả thi?
Trong số các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2014, nhiều ngân hàng đã từng thất bại với kế hoạch này trong năm 2013. Cụ thể, Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3-2014, việc tăng vốn vẫn chưa được hoàn tất. Do đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, ban lãnh đạo của Oceanbank lại tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 4.000 tỷ đồng hiện tại lên 5.350 tỷ đồng vào cuối năm 2014.
Mục đích tăng vốn của Oceanbank nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giúp cho Oceanbank đảm bảo việc tuân thủ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động. Đồng thời, việc tăng vốn điều lệ giúp Oceanbank thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và triển khai kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán vào thời điểm thích hợp.
Theo đó, OceanBank sẽ phát hành 134,99 triệu cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó 99,99 triệu cổ phần được phát hành cho cổ đông hiện hữu và 35 triệu cổ phần cho nhà đối tác chiến lược thỏa mãn điều kiện là nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính và/hoặc có kinh nghiệm quản trị tốt và/hoặc có thương hiệu mạnh, có khả năng hỗ trợ ngân hàng mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động và phát triển hình ảnh của ngân hàng. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để đầu tư thay đổi và xây dựng hình ảnh thương hiệu, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, bổ sung nguồn vốn tự có cho vay trung và dài hạn.
Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM đánh giá, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay là khá khó khăn. Bởi thời gian gần đây, các ngân hàng luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề như lợi nhuận sụt giảm, tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu cao… Đồng thời, giá cổ phiếu ngân hàng hiện ở mức thấp cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Theo Báo Hải Quan