Quản trị khách hàng DN ngoại được “nuông chiều” hơn DN nội

DN ngoại được “nuông chiều” hơn DN nội

21
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) lẫn các chuyên gia đều cho rằng khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đang được “nuông chiều” hơn khu vực DN tư nhân nội địa.

DN trong nước kêu gọi sự bình đẳng trong kinh doanh. Ảnh: Internet

DN nội địa lép vế
Báo cáo tình hình và kiến nghị của cộng đồng DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28-4 cho thấy: Trong vài năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực nhiều trong việc xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng nên các DN tư nhân lớn đã được đối xử bình đẳng hơn với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN FDI. Nhưng một bộ phận lớn các DN dân doanh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối DNNN, DN FDI.
Kết quả khảo sát PCI 2013 cũng cho thấy: Nhóm khó khăn hàng đầu mà các DN phản ánh qua khảo sát DN gần đây của VCCI là sự chưa bình đẳng trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù có số lượng áp đảo tại Việt Nam, nhưng các DN dân doanh đang cảm nhận sự lấn át từ phía các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN và DN lớn có mối quan hệ thân quen.
Điều tra của VCCI cũng phát hiện ra rằng: Nhiều chính quyền địa phương ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển kinh tế tư nhân. Cảm nhận rõ nét nhất là tại những nơi có lượng đầu tư nước ngoài lớn hoặc chính quyền đang tập trung mọi nỗ lực vào thu hút đầu tư nước ngoài. Cũng trong năm 2013, có 32% DN dân doanh trong nước cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước, dù vậy con số này đã giảm đáng kể so với tỷ lệ 58% vào năm 2005 khi VCCI bắt đầu tiến hành điều tra PCI.
Nghiên cứu của tác giả Bùi Trinh, Kiyoshi Kobayashi gửi đến Diễn đàn Kinh tế mùa xuân ngày 28 và 29-4 cũng có nhiều điểm tương đồng với báo cáo của VCCI liên quan đến khu vực FDI.
Nhóm tác giả cho rằng: Khu vực kinh tế FDI đang chiếm lĩnh “trận địa” một cách nhanh chóng. Khi khu vực FDI lấn lướt khu vực kinh tế trong nước thì mặt trái của nó không chỉ là sự chuyển giá mà còn là sự chuyển đổi sở hữu giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn nước ngoài.
Nhóm tác giả Bùi Trinh, Kiyoshi Kobayashi bày tỏ: Có vị “tư lệnh” một ngành đã phát biểu trên truyền hình trong mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” đại ý không nên chê trách FDI mà cần công bằng với khu vực này… Đó dường như là một sự ngược đời. Khu vực cần được cư xử công bằng chính là khu vực kinh tế tư nhân. Đây là khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế nhưng còn bị cư xử thiếu công bằng qua chính sách. Trong khi đó, khu vực FDI được ưu đãi đủ thứ từ chính sách đất đai, thuế đến thái độ cư xử của chính quyền.
Đóng góp của khu vực FDI chạy đi đâu?
Nhóm tác giả Bùi Trinh, Kiyoshi Kobayashi băn khoăn: Trong ngắn hạn, thặng dư thương mại và tăng trưởng GDP nhờ khu vực FDI là điều tốt, nhưng về trung và dài hạn sẽ ra sao khi nền sản xuất trong nước bị nước ngoài khống chế?
Năm 2012 thặng dư thương mại là 749 triệu USD, năm 2013 thặng dư thương mại là 864 triệu USD. Nhưng luồng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2012 là 6,9 tỷ USD (theo số liệu của ADB và Tổng cục Thống kê) và theo ước tính của nhóm tác giả Bùi Trinh, Kiyoshi Kobayashi thì năm 2013 chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng xấp xỉ 8 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, luồng tiền đi ra khỏi đất nước ngày một lớn.
Một điều nữa cần lưu ý là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên xuất siêu (năm 2000 khu vực FDI xuất siêu là 2,4 tỷ USD thì đến năm 2013 khu vực này xuất siêu xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng 568%). Thế nhưng nhìn vào tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực đầu tư nước ngoài so với GDP trong Niên giám Thống kê, Nhóm tác giả lại thấy “một điều ngạc nhiên nữa”. Đó là tỷ trọng này thay đổi không đáng kể.
“Nếu năm 2006 tỷ trọng này là 16% GDP thì năm 2012 là 18% GDP, nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực đầu tư nước ngoài so với GDP suốt từ năm 2007 đến 2012 vẫn loanh quanh 17%. Vậy một câu hỏi đặt ra là GDP mà khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra chạy đi đâu? Hoặc số liệu này liệu có phản ánh đúng thực trạng của tình hình kinh tế của đất nước?” – các tác giả băn khoăn.
Theo các chuyên gia, không thể lấy cái lợi nhỏ trước mắt mà không nghĩ đến thiệt hại về lâu dài do đẩy nền kinh tế vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra để tạo đà cho các DN trong nước xác lập lại địa vị của mình thì việc tái cấu trúc nền kinh tế, thể chế và thay đổi thái độ ứng xử của chính sách đối với DN trong nước (đặc biệt khối DN tư nhân và các DN có hàm lượng sáng tạo) cần phải được thực hiện quyết liệt.
Khi mà hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu luôn thấp và ngày càng thấp thì các chính sách ưu đãi xuất khẩu dường như là một việc làm nới khoảng cách về sự phân biệt giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.
(Theo nghiên cứu của Nhóm tác giả Bùi Trinh, Kiyoshi Kobayashi)

 

Theo Báo Hải Quan