Marketing 9 điều chú ý khi xây dựng thương hiệu trực tuyến

9 điều chú ý khi xây dựng thương hiệu trực tuyến

9

1. Không chỉ bắt đầu mà còn phải duy trì đối thoại

Ed Roach, nhà sáng lập công ty tư vấn quản lý thương hiệu The Brand Experts nhắc nhở doanh nhân: “Thành lập trang tin của công ty trên Facebook và Twitter thôi chưa đủ, mà còn phải duy trì đối thoại với khách hàng, bằng cách thường xuyên đưa tin, bài và giải đáp thắc mắc”.

Ron Smith, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập công ty tiếp thị và quan hệ công chúng S&A’s Cherokee đồng ý rằng doanh nhân phải biết mọi người đang nói gì về mình và công ty. “Tất cả doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi mạng xã hội, bởi vì nó rút ngắn thời gian doanh nghiệp phản hồi phàn nàn và cáo buộc của khách hàng. Phải nhận diện vấn đề và kiểm soát thông tin tức trực tuyến tức thì. Không phải là vấn đề ngày, giờ mà là phút, giây”.
2. Tách biệt thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp

Khi có hàng chục ngàn người theo dõi thông tin trên Twitter, nhiều doanh nhân tự nhận mình là “ngôi sao” trong mắt người tiêu dùng. Nhưng, theo Tim Ferriss của công ty sản phẩm bổ sung dưỡng chất khi tập thể dục thể thao BrainQHICKEN thì: “Doanh nhân có đông đảo người hâm mộ trên Twitter giống như những con bò trong trận đấu bò tót tại Tây Ban Nha.

Khi đấu sĩ phất nhanh vải đỏ sang hướng khác thì con bò chỉ húc đầu vào khoảng không… Steve Jobs được hâm mộ toàn cầu, nhưng người tiêu dùng mua sản phẩm Apple vì những thiết kế sản phẩm đột phá và ấn tượng. Vậy nên, đừng nghĩ rằng gây dựng thương hiệu cá nhân của chủ doanh nghiệp là đủ để kinh doanh trực tuyến”.

3. Thu hút truyền thông và xây dựng mạng lưới quan hệ

Việc xuất hiện trên các phương tiện tiện truyền thông như báo, đài với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh của mình sẽ góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu trực tuyến. Để đạt được điều đó, bạn phải có sẵn video clip tự giới thiệu hoặc bài viết có giá trị tư vấn thực tiễn trên website.

Trở thành chuyên gia còn là cơ hội để bạn làm quen, mở rộng mạng lưới quan hệ. Từ đó sẽ nhận thêm cơ hội diễn thuyết, viết bài, đánh bóng thương hiệu cá nhân và giới thiệu tên tuổi doanh nghiệp.

4. Chọn tên thương hiệu mang tính vững bền

Chris Russo thành lập Fantasy Sports Ventures từ năm 2006. Doanh thu tăng trung bình 40% – 50% một năm, nhưng cái tên doanh nghiệp là điều khiến anh trăn trở mãi. Fantasy Sports Ventures gợi hình ảnh một công ty cổ phần hơi bị fantasy – ảo tưởng. Nhất định phải đặt lại tên thương hiệu.

Nhưng, chọn cái tên thế nào là điều phải cân nhắc kỹ. Có những cái tên ấn tượng và hiện đại như Fanarchy, Fantology, Gutcheck… Không biết cái tên nào mang ý nghĩa vững bền mà lại không quá xa lạ với những khách hàng bấy lâu. Và cuối cùng thì tên thương hiệu mới là The Big Lead ra đời. Không đột phá ngoạn mục, nhưng gắn liền với mục tiêu tương lai và hình ảnh hiện tại của công ty.

5. Kiên trì tìm vị trí thích hợp

Dù bạn đang bước vào thị trường mà đối thủ đông như kiến cỏ, và thế giới trực tuyến là một diễn đàn ngập người, nhưng chắc chắn đâu đó sẽ có cơ hội phát triển công ty và thương hiệu của bạn.
Dĩ nhiên, càng về sau thì cạnh tranh càng nhiều, nỗ lực tạo sự khác biệt càng khó, nhưng không có gì là không thể. Sức sáng tạo của con người là vô hạn. Chỉ cần những nhà tiếp thị đừng bỏ cuộc quá sớm.

6. Chăm chút mục “Giới thiệu” trên website

Khi mở website của chính mình, bạn không chú ý đúng mức đến mục “Giới thiệu – About Us”, nhưng khách ghé thăm website thì có. Hãy nghĩ đến chuyện cả thế giới chỉ cần 1 cú click là có thể biết về công ty và dịch vụ bạn cung cấp, thì mục “Giới thiệu” rõ ràng rất đáng để bạn bỏ nhiều thời gian và công sức trau chuốt.

Dĩ nhiên, mục “Giới thiệu” sẽ gồm những thông tin cơ bản, nhưng có một số cách mới bạn có thể áp dụng để trang thêm phần lý thú cho người đọc. Ví dụ như chuyên gia chiến lược tiếp thị Lorrie Thomas cho biết gợi ý lãnh đạo doanh nghiệp tự viết tiểu sử ngắn gọn của mình và viết thêm thông tin đời thường như sở thích, môn thể thao yêu thích. Hơn thế nữa, cần có đường link đến blog, website cá nhân và địa chỉ e-mail. Thông tin liên lạc đầy đủ là biểu hiện rằng bạn luôn sẵn lòng lắng nghe ý kiến đóng góp từ khách hàng và bạn chẳng có gì để che giấu.

7. Hợp nhất trang mạng xã hội với website

Hãy bảo đảm mọi người từ khắp các trang MXH và diễn đàn có thể link đến website doanh nghiệp. Bạn không nhất thiết phải thuê công ty ngoài thực hiện video quảng cáo độc đáo hoặc tuyển chuyên gia tiếp thị trực tuyến giúp sức (dù 2 cách này dĩ nhiên đem lại hiệu quả như ý) để thu hút đông đảo người truy cập website. Tất cả những gì bạn cần là một vài mánh khóe nho nhỏ của thế giới ảo và website chứa đựng thông tin hữu ích.

8. Liên tục theo dõi và sẵn sàng phản hồi

Facebook, Twitter và Yelp đang trở thành những nhân tố thiết yếu trong chiến lược tiếp thị trực tuyến của các doanh nghiệp. Nhưng còn có rất nhiều những trang MXH và diễn đàn khác, nơi bất cứ ai cũng có thể phát biểu kinh nghiệm dùng thử sản phẩm. Một câu hỏi hay một lời phàn nàn không được trả lời và bào chữa ngay có thể ảnh hưởng đến tiếng tăm thương hiệu và đẩy xa các khách hàng tiềm năng.

Đó là lý do các công ty sử dụng dịch vụ trực tuyến như Google Alerts hay Social Mention để nhận e-mail cập nhật mỗi khi từ khóa (tên doanh nghiệp chẳng hạn) xuất hiện trên các web. Những công cụ đó còn giúp doanh nghiệp theo dõi tình hình khách hàng, công ty đối thủ và cả nền công nghiệp.

9. Khoe kết quả làm việc tốt

Hãy trưng bày bằng khen, chứng nhận và dang sách những khách hàng lớn trong ngành. Nhờ chúng, doanh nghiệp sẽ nhận được sự tín nhiệm của thêm nhiều khách hàng tiềm năng.

Bạn có thể thỏa thuận để đặt logo doanh nghiệp khách hàng trên web của mình… Thông tin hoạt động cộng đồng, chương trình xanh và những mục thú vị khác cũng quan trọng. Bên cạnh đó, lịch sử doanh nghiệp theo thời gian với những mốc son thành công cũng đáng trưng bày.

Theo INC