Tin tức lưu trữ Mô hình chaebol của Hàn Quốc đã hết thời

Mô hình chaebol của Hàn Quốc đã hết thời

15
“Mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi một số ít các nhà xuất khẩu lớn đã chạm tới điểm giới hạn”.
Ảnh minh họa

Tổng thống Park Geun-hye đã lấy “nền kinh tế sáng tạo” là tâm điểm cho các chính sách của bà.
Hàn Quốc đã xử lý rất tốt các cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nền kinh tế đi lên từ sản xuất này đang phải đối mặt với những thách thức dài hạn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng của quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, Chaebol – tên gọi dành cho các tập đoàn sản xuất xuất khẩu lớn của Hàn Quốc, được xem là những người hùng có công đầu trong việc đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa của quốc gia này. Chính nhờ sự hậu thuẫn mạnh về tài chính và bảo hộ của nhà nước, các chaebol đã giúp Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thương mại đứng thứ 10 trên thế giới, xét về quy mô.
Hiện tại, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới trong cách lĩnh vực bao gồm đóng tàu, màn hình phẳng, điện thoại di động và thẻ nhớ. Tuy nhiên các vị thế này đang lung lay khi Trung Quốc đã bắt kịp rất nhanh, dù rằng một vài chaebol như Samsung hay Hyundai vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng.
“Các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh do bị thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các đối thủ từ Trung Quốc, nơi các ngành công nghiệp đang dần chuyển lên nhóm giá trị gia tăng cao hơn”, ông Lee Jong-wha, giáo sư kinh tế của Đại học Hàn Quốc nhận định.
Trung Quốc đã trở thành một đối thủ nặng ký đối với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc trong các lĩnh vực như thép, tàu biển, hóa dầu và điện tử, mặc dù vẫn đứng sau Hàn Quốc trong một số mảng công nghệ cao như thẻ nhớ và ô tô.
Các tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đang phải chịu nhiều áp lực nặng nề trong năm nay.
Samsung Electronics vừa công bố số liệu lợi nhuận sụt giảm quý thứ tư liên tiếp. Lợi nhuận hoạt động quý III/2014 của Samsung Electronics đã giảm 60% xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, do phải san sẻ thị phần cho các đối thủ giá rẻ đến từ Trung Quốc như Huawei và Xiaomi.
Với Hyundai Motor, lợi nhuận ròng quý III của tập đoàn này giảm gần 30%. Nhờ lợi thế đồng Yên yếu, các đối thủ đến từ Nhật Bản như Toyota, Nissan và Honda đã thắng thế Hyundai trên đất Mỹ, với đủ chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng. Hyundai cũng khiến các nhà đầu tư nổi giận khi dành đến 10 tỷ USD cho việc xây trụ sở công ty, tăng thêm quan ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp và quản lý vốn của tập đoàn.
Những mối lo ngại đối với mô hình kinh tế tập đoàn kiểu chaebol đang ngày càng tăng lên. Đã có nhiều ý kiến kêu gọi việc giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào các công ty này. Thay vào đó là tăng cường đẩy mạnh phần còn lại của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng những khu vực dịch vụ chậm phát triển.
“Mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi một số ít các nhà xuất khẩu lớn đã chạm tới điểm giới hạn”, nhà nghiên cứu Suh Dong-hyuk thuộc Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại nhận xét. “Chúng ta nên thúc đẩy sự đổi mới trong các công ty khởi nghiệp (start-up), các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), phát triển các ngành dịch vụ để cân bằng và duy trì sự tăng trưởng bền vững hơn”.
Dưới khẩu hiệu thúc đẩy một “nền kinh tế sáng tạo”, nữ Thủ tướng Hàn Quốc Park Geun-hye đang cố gắng thúc đẩy môi trường giúp các quỹ đầu tư có thể mở rộng việc hỗ trợ tài chính cho các start-up sáng tạo. Tuy nhiên, bà Park chưa làm tốt việc kiềm chế quyền lực của chaebol và vực dậy các SMEs như lời hứa của mình khi vận động tranh cử.
“Thời đại của việc xây dựng các ngành công nghiệp ngốn vốn đã hết. Chúng ta nên kiếm tiền bằng cách bán các nền tảng và dịch vụ cạnh tranh” – ông Michael Na, chiến lược gia tại Nomura.
Các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải gồng mình để phát triển dưới cái bóng khổng lồ của các chaebol. Những gã khổng lồ này với lợi thế về quy mô, sẵn sàng phá giá hoặc đẩy đối thủ nhỏ lẻ ra khỏi sân chơi chung.
Giới chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ cạnh tranh quốc tế như du lịch y tế và dịch vụ công nghệ thông tin. Các chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ cần bãi bỏ các quy định rườm rà để tăng năng suất các ngành dịch vụ, giúp nền kinh tế tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.
Thay đổi khuôn khổ của cả một nền kinh tế không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều. Mặc dù Hàn Quốc tự hào có các nhà sản xuất toàn cầu với các hoạt động quốc tế rộng khắp, tuy nhiên việc mở rộng sẽ là cả một quá trình dài đầy đau đớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước này.
Sau 1 thập kỷ nỗ lực tiến rộng ra toàn cầu, các ngân hàng Hàn Quốc vẫn đang loay hoay thiết lập sự hiện diện ở các quốc gia khác, còn các nhà bán lẻ như Lotte và E-mart cũng phải chịu thua lỗ lớn khi mở rộng thị trường sang Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á.
“Làm dịch vụ bán hàng sẽ khó hơn vì bạn cần hiểu được văn hóa các nước khác. Tuy nhiên, không may là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Hàn Quốc thiếu cả ý thức và kinh nghiệm cần thiết để có thể thành công khi mở rộng kinh doanh ra nước ngoài”, ông Michael Na kết luận.

Theo Trí Thức Trẻ