Tin tức - Sự kiện Để các kì thi đạt kết quả cao nhất, nên làm gì?

Để các kì thi đạt kết quả cao nhất, nên làm gì?

12

Trong tác phẩm văn học nổi tiếng mang tên “Lều chõng”, Nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố đã miêu tả rất sinh động những lo toan, vất vả của sĩ tử những năm đầu thế kỉ 20. Đó là cuộc “vượt vũ môn” đầy nhọc nhằn vì con đường trẩy kinh đường sá xa xôi với biết bao gian nan vất vả cùng những ngày thi căng thẳng và cả những cám dỗ nơi phồn hoa, đô hội…


Ảnh minh họa

Dằng dặc nỗi lo

Cách đây chưa lâu, khi giao thông còn khó khăn, mỗi mùa thi là một cực hình đối với các sĩ tử bởi biết bao nỗi lo từ việc tìm trường, chọn trường

Gần đây, những nỗi lo này vẫn còn nhưng không là nỗi ám ảnh kinh hoàng như trước đây nữa.

Thế nhưng sĩ tử thời nay không vì thế mà bớt đi khổ ải. Con đường đến với trường thi vẫn dằng dặc nỗi lo. Nỗi lo đầu tiên phải kể đến chuyện chọn trường theo học. Trường nào phù hợp với khả năng? Trường nào có nhiều cơ hội đỗ cao nhất? Cơ hội vào các trường điểm của kỳ thi tuyển sinh trung học cũng không kém phần khốc liệt trong khi các em này mới ở lứa tuổi14-15, chưa quen “trận mạc” cạnh tranh.

Song, có môt nỗi lo mà thời nào cũng có, đó là nỗi lo về sức khỏe. Vào tìm kiếm mấy từ “thí sinh ngất” của trang công cụ Google vào thời điểm 15g ngày 25/4/2016 cho kết quả 420.000/0,50 giây. Có tờ báo còn mở hẳn chuyên đề “thí sinh ngất xỉu” cho thấy tình trạng này đáng báo động như thế nào.

Đáng lo ngại là nỗi lo này ngày càng trầm trọng bởi sự cạnh tranh khắc nghiệt, đòi hỏi ngày càng cao về trí lực. Đây cũng là lúc mà con người ta hao tâm, tổn trí nhất.

Đó là chưa kể từ nhiều năm trời trước đó, các bậc phụ huynh còn phải lao vào “trận chiến” này bằng nhiều cách, một mặt lo kinh phí cho chuyện “ứng thí” của con mình cùng với công cuộc “rèn đúc” tìm thầy, tìm cô phụ đạo.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cường độ lao động cũng như sự hao tổn sức khỏe của các nhà khoa học cỡ Niutơn, Anhxtanh, Edisson… không kém gì cường độ hao tổn của các vận động viên điền kinh, cử tạ.

Có lẽ vì thế, cứ mỗi độ vào mùa thi, hình ảnh các sĩ tử gầy gò, xanh xao, bơ phờ mệt mỏi vì căng thẳng thần kinh dẫn đến mất ngủ không phải là điều xa lạ. Đặc biệt vào giai đoạn “nước rút”, việc nhồi nhét kiến thức ồ ạt đã gây ra tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” khiến các em càng thêm khủng hoảng, càng học càng quên. Không ít trường hợp sau mỗi kỳ thi “vò đầu, bứt trán” vì sao lại có thể “quên” điều đơn giản và đã từng học đi học lại nhiều lần như vậy. Lý do là bởi các em đã hao tổn rất nhiều công sức khiến tâm lý thiếu ổn định, nhiều khi cáu gắt vô cớ vì những áp lực căng thẳng.

Có một câu nói rất hay về chuyện sức khỏe: “Khi có sức khỏe, bạn có rất nhiều ước mơ nhưng khi không có sức khỏe, bạn chỉ có một mơ ước, đó là: Sức khỏe”.

Câu này càng đúng với các thí sinh bởi khi có sức khỏe để đi thi, các em có rất nhiều mơ ước đỗ trường này, khoa nọ. Thế nhưng nếu như trong kỳ thi, không chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, đủ tỉnh táo, minh mẫn, thậm chí để bị ngất xỉu thì mọi công sức của bản thân và gia đình, cha mẹ đều tan vào mây khói, chấm dứt mọi ước mơ.

Khó có một trí tuệ luôn minh mẫn trong một cơ thể luôn ốm yếu.

Vì thế, chuẩn bị cho các em (và những người thân) một sức khỏe sung mãn cả về thể xác lẫn trí tuệ là việc làm vô cùng cần thiết

Đây là yêu cầu quan thiết đặt ra cho các bậc phụ huynh, các em học sinh và cả các nhà y học. Đã có nhiều công trình nghiên cứu với đề tài hóc búa này thuộc nhiều lĩnh vực, từ chế độ dinh dưỡng, luyện tập, bổ sung dưỡng chất cho não bộ cho đến các liệu pháp tâm lý của các nhà khoa học thế giới.

Theo Dân Trí