Tin tức - Sự kiện Mô hình trường học mới ở Colombia và Việt Nam có khác...

Mô hình trường học mới ở Colombia và Việt Nam có khác biệt như thế nào?

45
“Trường học mới của Colombia chỉ dành cho vùng nông thôn sâu, còn ở Việt Nam mô hình này lại được áp dụng ở cả thành phố, thị xã”, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết chỉ ra sự khác biệt khi áp dụng mô hình Trường học mới vào Việt Nam (viết tắt là VNEN).

Dự án VNEN (Ngôi trường học mới Việt Nam) với hơn 1.400 trường tiểu học và 400.000 học sinh tham gia từ năm 2012 đến nay bắt nguồn từ mô hình Trường học mới (Escuela Nueva) của Colombia, Nam Mỹ, do bà Vicky Colbert sáng lập năm 1975. Đầu những năm 2000, có 17.000 trường học, tức là hơn một nửa tổng số trường ở nông thôn Colombia, và hơn 5 triệu trẻ bất hạnh trên thế giới được dạy học theo mô hình này. Con số này có thể khẳng định sự thành công của mô hình Trường học mới trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Đọc một số bài nghiên cứu, bài viết, bài báo liên quan và từ việc quan sát thực tế, tôi thấy có một số điểm trong VNEN được thực hiện ở Việt Nam khác so với mô hình Trường học mới của Colombia.

Thứ nhất, trường học mới là mô hình trường học lớp ghép với quy mô ít học sinh trong mỗi lớp ở vùng nông thôn sâu của các nước đang phát triển, nơi mà học sinh đang học có thể tạm nghỉ để lo việc đồng áng sinh nhai rồi lại trở về lớp học, nơi mà việc tạo nguồn giáo viên chất lượng cao vô cùng khó khăn.

Trường học mới của Colombia đã rất thành công trong việc dạy học kiểu lớp ghép này; nghĩa là nó đã mang những học sinh khác tuổi, khác trình độ vào cùng một lớp học để đáp ứng được những nhu cầu và mức độ phát triển khác nhau của các em. VNEN có vẻ không phải là mô hình đặc trưng cho trường học lớp ghép vì có những lớp học VNEN là lớp học bình thường không chỉ ở vùng nông thôn sâu mà cả ở một số vùng ngoại vi của thành phố hay thị trấn, thị xã.


Mô hình VNEN được áp dụng ở trường Tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Thùy.

Thứ hai, nội dung chương trình của Trường học mới liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của học sinh. Để bảo đảm thực hiện yêu cầu này, giáo viên được tự chủ chuyên môn trong việc phát triển ngữ liệu dạy học. Trong lúc nhận sự tư vấn từ chuyên gia giáo dục và theo Chuẩn kiến thức – kỹ năng của chương trình quốc gia thì phần nhiều chương trình giảng dạy trực tiếp trên lớp của giáo viên vẫn được tạo ra bởi những “input/ý tưởng” của chính họ khi dựa vào nhu cầu và trình độ thực tế của học sinh.

Trong lúc đó, tại Việt Nam, nội dung giảng dạy trực tiếp của giáo viên trên lớp trong dự án VNEN là những ý tưởng được hoạch định sẵn và cụ thể đến từng chi tiết bởi chuyên gia biên soạn Tài liệu hướng dẫn học. Công việc của giáo viên dạy VNEN chủ yếu theo dõi, hỗ trợ, đánh giá việc thực hiện đúng nội dung dạy học đã được trình bày trong tài liệu này.

Thứ ba, mỗi bài học trong Tài liệu hướng dẫn học của Chương trình Trường học mới ngoài phần phát biểu mục tiêu, bao gồm 4 loại hoạt động: A- cơ bản; B- nghiên cứu trường hợp; C- thực nghiệm; và D- hoạt động tự do. Mỗi học sinh theo 4 loại hoạt động này tùy thuộc nhịp độ phát triển của riêng mình dưới hình thức học hợp các nhóm và cá nhân. Trong Tài liệu hướng dẫn học của VNEN, học sinh cũng được học theo nhóm và cá nhân, nhưng có vẻ chỉ được thực hiện một loại hoạt động cơ bản gồm ba mức cơ bản, thực hành và áp dụng.

Bởi vì xem xét kĩ, chúng tôi thấy ở mức thực hành và áp dụng, các bài tập chủ yếu xoay quanh việc tìm hiểu kiến thức và thực hiện các kỹ năng chính của nội dung bài đang học. Mặt khác, ở VNEN cơ hội để học sinh học tập và thể hiện theo nhịp độ phát triển riêng của cá nhân mỗi em thì chưa nhiều, chưa xuyên suốt và nhất quán do các ngữ liệu và hoạt động/ bài tập/ câu hỏi được ấn định sẵn từ sách giáo khoa thống nhất toàn quốc và triển khai trong một cấu trúc tổ chức nhìn chung thuần nhất cố định.

Và cuối cùng, Trường học mới tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ giữa nhà trường và các cộng đồng xã hội của mình trên nhiều phương diện nhằm giúp học sinh nông thôn nghèo nuôi lớn động cơ học tập và đạt sự tiến bộ bền vững trong học tập. Trường học mới tập trung giúp học sinh và giáo viên tham gia và làm nên những sản phẩm để hiểu cộng đồng và các gia đình trong cộng đồng gia đình như bản đồ làng – xã – ấp; thẻ thông tin về các gia đình; bản tin về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường và lịch hoạt động mùa màng của cộng đồng.

VNEN mặc dù đã mở rộng cửa nhà trường mời gọi sự tham gia của cộng đồng thông qua những “góc cộng đồng” trong trường học, nhưng các hoạt động kết nối cụ thể sâu sắc kiểu như của Trường học mới có vẻ vẫn còn chưa được thấy rõ.

Từ việc nhận ra những điểm mới của dự án VNEN trong việc áp dụng mô hình Trường học mới của Colombia trên, chúng tôi có một số băn khoăn như sau:

Vì sao VNEN không thực hiện đúng như tinh thần mô hình Trường học mới Columbia? Ví dụ mô hình trường học lớp ghép dành cho các vùng nông thôn? Vệc áp dụng VNEN vào cả những trường ở thành phố như Lào Cai, Vị Thanh, TP HCM… đã được nghiên cứu thực nghiệm nhằm kiểm chứng tính chất và phạm vi khả thi của nó chưa?

Liệu với các Tài liệu hướng dẫn học chứa đựng ngữ liệu và cấu trúc tổ chức học tập kiểu cố định, thống nhất do các chuyên gia biên soạn sẵn như hiện nay của VNEN có thể làm cho năng lực chuyên môn và động lực phát triển chuyên môn của đội ngũ giáo viên bị giảm sút? Liệu với kiểu Tài liệu dạy học kiểu ăn sẵn, ăn liền và gần như không phải tư duy, xem xét gì nhiều trước khi giảng dạy này có dẫn đến một hệ lụy mà nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định là tạo nên những thế hệ thợ dạy/ kỹ thuật viên dạy học hơn là những người thầy có khả năng áp dụng linh hoạt kiến thức, kinh nghiệm vào những tình huống dạy học cụ thể trong sự tự chủ, tự tin và tự trọng chuyên nghiệp?

Nếu giáo viên vẫn được xem là nhân tố quyết định sự thành công của tiến trình cải cách giáo dục, và nếu vẫn cho rằng nghề dạy học là “nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo, một nghề đầy chất suy nghĩ” thì xin hãy cân nhắc lại cách mà các Tài liệu hướng dẫn học VNEN đang được triển khai.

Và nếu giáo viên không thực sự được tạo cơ hội thực thi đầy đủ khả năng và phẩm chất làm thầy của mình thì liệu họ có thể tạo nên những thế hệ học sinh có năng lực, tự chủ, năng động và sáng tạo vì đã được học những phương pháp sư phạm theo hướng lấy học sinh làm trung tâm mà thầy cô họ thực hiện?

Theo VNexpress