Marketing Câu chuyện xây dựng thương hiệu năm 2016: Back to basic –...

Câu chuyện xây dựng thương hiệu năm 2016: Back to basic – quay về giá trị cơ bản

6
Hoá ra nhiều khi sự sáng tạo là nói những điều đơn giản, nói những điều hiển nhiên mà đối thủ đang bỏ quên.


Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu series “Câu chuyện kinh doanh 2016”, tập hợp những sự kiện kinh doanh và nhân vật nổi bật nhất trong năm qua ở Việt Nam và thế giới.

Bài viết sau đây của chuyên gia thương hiệu Nguyễn Đức Sơn sẽ phác họa lại một số câu chuyện xây dựng thương hiệu điển hình năm 2016. Mời quý độc giả đón đọc.

Năm 2016 tôi cùng team RMA lăn lộn ăn ngủ với đủ loại dự án to bé và đù ngành nghề. Gạo, tôm, gà, nước khoáng, rồi xoong chảo, điện máy, nhà hàng, giáo dục, cho đến bất động sản, công nghệ, bán lẻ, dược…

Qua thực tế trải nghiệm và quan sát, điểm chung nhất cho thực tế xây dựng thương hiệu 2016 chỉ gói gọn trong ba chữ: Back to basic – quay về giá trị cơ bản.

Khách hàng quan trọng nhất của doanh nghiệp là nhân viên

Ông chủ đích thực của doanh nghiệp là khách hàng, vì họ mới là người quyết định cái ghể của CEO. Nhưng bản chất việc xây dựng thương hiệu, rất cơ bản, lại bắt đầu từ nhân viên.

Chưa bao giờ internal branding (xây dựng thương hiệu nội bộ công ty) lại quan trọng như vậy. Tôi đã chứng kiến thực tế này ở tất cả khách hàng tôi may mắn làm việc cùng trong năm vừa qua. Từ các tập đoàn lớn như FPT, Minh Long, Sunhouse, Nguyễn Kim, Thaibinh Seed cho đến các doanh nghiệp SME thậm chí các doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ.

Sản phẩm chỉn chu, dịch vụ tận tâm xuất phát từ sự nghiêm túc và tâm huyết từ ông chủ. Nhưng người hiện thực hoá nó chính là những con người cụ thể: nhân viên bán hàng, người trực điện thoại, bộ phận marketing hay thậm chí bác bảo vệ.

Bao nhiêu ý tưởng lớn về sứ mệnh và chiến lược mãi mãi chỉ nằm trên giấy nếu những con người này không hiểu và không đồng lòng triển khai.

Tôi đã thấy giọt nước mắt tràn khoé mi không thể kìm nén ở bạn giám đốc truyền thông khi nhắc đến CEO của chị. Chị bảo chị yêu công ty như gia đình mình. Vì ở đó chị được truyền cảm hứng hàng ngày từ tâm từ trí của người lãnh đạo.

Tôi khâm phục sự cần mẫn tận tuỵ với công việc từ các bạn team thương hiệu của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Họ nói về công ty với ánh mắt long lanh chan chứa. Họ tình nguyện ở lại công ty làm thêm đến sau 8h tối. Họ yêu công việc.

Tất cả vì khách hàng. Đúng rồi. Nhưng các doanh nghiệp hãy chăm sóc nhân viên nhiều hơn đi. Nhân viên có hạnh phúc, khách hàng mới hạnh phúc. Chắng phải phát hiện gì mới mẻ. Back to the basic.

Đơn giản là sáng tạo

Clip quảng cáo viral của Điện Máy Xanh làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Số liệu đo lường về earned media (*) đáng mơ ước (đứng thứ 2 trong top 10 TVCs được xem nhiều nhất Châu Á tháng 11/2016 – PV).

(*) Earned media (truyền thông lan truyền): khách hàng chính là kênh quảng bá của thương hiệu. Earned media được xem như là kết quả của Paid media (truyền thông trả tiền) và Owned media (truyền thông sở hữu).

Hiệu quả đến bán hàng chúng ta chưa có số liệu. Nhưng Điện Máy Xanh được nhắc đến với tần suất như vậy đã là mơ ước của các thương hiệu điện máy khác. Cụ thể hơn, các category names (tên dòng hàng) chủ lực của một siêu thị điện máy như tủ lạnh, máy giặt và Ti vi thay nhau gắn với tên Điện Máy Xanh.

Các thương hiệu loay hoay và bế tắc về ý tưởng truyền thông sáng tạo. Hoá ra nhiều khi sự sáng tạo là nói những điều đơn giản, nói những điều hiển nhiên mà đối thủ đang bỏ quên. Cũng chẳng cần nhọc công tìm những điểm khác biệt độc đáo. Vì đối với một số ngành nghề, khác biệt chức năng là điều không thể. Back to the basic.

Tình yêu của ông chủ với doanh nghiệp là chiếc nhiệt kế đo lường khả năng thành công của thương hiệu

Các thương hiệu thành công, được yêu quý đều có đặc điểm chung: lãnh đạo nghĩ lớn làm nhỏ và lãnh đạo là tham mưu trưởng trực tiếp chỉ đạo các công việc liên quan đến marketing.

CEO thương hiệu giống lúa Thaibinh Seed mất 2 tháng để suy ngẫm và thay đổi đúng hai chữ trong câu slogan mà tôi và cộng sự đề xuất. Ông cũng là người trực tiếp lội ruộng kiểm tra từng bông lúa trổ đòng, lắng nghe hơi thở của mùa gió chướng để xác định chính xác thời gian cần gieo mạ.

Ông chủ gốm sứ Minh Long mô tả làm thế nào để một nghệ nhân sứ vẽ được hình con phượng cổ trên chiếc đĩa sứ nhìn đẹp, tinh tế nhưng hiện đại theo phong cách phương Tây. Trong các buổi thuyết trình về thương hiệu, ông bỏ không sót một từ nào.

Cô gái phụ trách marketing của thương hiệu gà sạch Lượng Huệ đã nói trong buổi phỏng vấn với nhà tư vấn thế này: “trai đẹp em chưa chắc đã mê, nhưng gà đẹp em mê ngay”. Em mô tả về gà sống động, chi tiết và thật lắm. Có cảm tưởng như em hiểu tâm tính và cảm xúc của hơn 10.000 gà giống gia đình em nuôi thì phải.

Muốn khách hàng rung động dù chỉ một lần, người làm thương hiệu cần rung động trước đó cả nghìn lần. Chúng ta hay nói nhiều về điều này. Back to the basic.

Vai trò của content writing – marketing nội dung qua công cụ viết

Mẩu quảng cáo của Vinacafe về cà phê sạch gây bão chỉ với một dòng tiêu đề phụ: “Từ 1/8, trong mỗi ly cà phê của Vinacafe sẽ là cà phê nguyên chất”.

Đoạn viết quảng cáo này của Vinacafe ước chừng dài khoảng 300 chữ. Nhưng dòng tiêu đề phụ chỉ với gần 10 từ mới là ngòi nổ gây chú ý dư luận. Thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào mục tiêu và tiêu chí đánh giá của thương hiệu này xác định từ đầu, nhưng chiến dịch này cho thấy vai trò quan trọng của quyền năng của câu chữ trong môi trường giao tiếp nhạy cảm của mạng xã hội.

Phương thức truyền thông chủ đạo trước khi có tivi và mạng xã hội ra đời chính là ngôn ngữ viết trên báo giấy truyền thống, là thư tay và biểu ngữ đường phố. Hàng trăm năm trước như vậy rồi. Facebook ra đời và vai trò của giao tiếp qua hình thức viết vẫn vậy. Back to basic.

Thời đại của những thay đổi. Thời đại của những xu thế. Nhưng thay đổi và xu thế gì đi chăng nữa, vẫn có những giá trị cơ bản không bao giờ cũ. Làm cho tốt, cho đến nơi đến chốn những giá trị cơ bản, theo tôi cũng là một sự thích nghi quan trọng.

Một sự thích nghi cần thiết để chúng ta đánh giá đúng hơn những giá trị cơ bản. Không quên lãng những điều cũ kỹ có giá trị không khác gì một phát hiện mới. Back to basic.

Đức Sơn Chủ tịch Học viện thương hiệu Plato

Theo Trí Thức Trẻ