Marketing Kỹ năng mềm – Tại sao không

Kỹ năng mềm – Tại sao không

8
Khi nền kinh tế càng hội nhập sâu, tư duy về tuyển dụng và Quản trị nhân sự cũng có nhiều thay đổi rõ rệt. Nếu cách đây 10, 15 năm bằng cấp vẫn được coi là tấm vé đầu tiên bước qua cánh cửa của nhiều công ty thì ngày nay, các cán bộ Nhân sự hiểu được rằng chỉ có kiếm tìm những con người phù hợp mới giúp tổ chức doanh nghiệp mình phát triển bền vững. Ngoài việc nắm vững chuyên môn, kiến thức xã hội, trình độ ngoại ngữ, tin học cũng trở thành những đòi hỏi bắt buộc và trong nhiều năm gần đây, Kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, làm việc đội nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy và thay đổi bản thân… ngày càng được đánh giá cao ở nhiều doanh nghiệp.
Thực trạng về kỹ năng và chuyên môn của lao động Việt Nam 
Theo một cuộc khảo sát gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, những khiếm khuyết không ít người lao động gặp phải, là: thiếu kinh nghiệm, chuyên môn và kỹ năng mềm (38%); thiếu hiểu biết về các khía cạnh kinh tế và điều kiện sản xuất kinh doanh (20%); kiến thức ngoại ngữ và tin học chưa đáp ứng yêu cầu (20%); ít động lực làm việc, năng suất thấp, không có tinh thần trách nhiệm (0,9%); kiến thức xã hội hạn chế (0,5%)… Bên cạnh đó, đối với giai đoạn phỏng vấn xin việc, bảng nhận xét thể hiện thứ tự quan trọng như sau: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng xử lý thực tế, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm (30%); có kỷ luật, đạo đức (20%); trình độ ngoại ngữ và tin học (20%); trình độ văn hóa và kiến thức cơ bản (10%); sức khỏe (10%), quan hệ xã hội, lý lịch rõ ràng (10%) (Theo Thanh niên Online)
Tiếp xúc và tư vấn cho nhiều tổ chức từ các Tập đoàn đến các Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, chuyên gia của Skills Group, một tập đoàn chuyên về tư vấn và đào tạo của Đan Mạch nhận thấy việc không được bổ trợ kỹ năng mềm đã gây khó khăn cho cả Doanh nghiệp và người lao động. Nhiều công ty chú trọng vào việc đào tạo cho nhân viên cũng nhận thấy những thay đổi thưc sự trong hiệu quả và kết quả kinh doanh…
Không chỉ các nhân viên làm việc tại các văn phòng mà đối tượng sinh viên thậm chí sớm hơn nữa là các bạn học sinh Phổ thông trung học cũng cần được bổ sung các kỹ năng này. Chúng không chỉ phục vụ cho các bạn khi tham gia vào lực lương lao động trong tương lai mà còn thiết thực cho chính cuộc sống và các hoạt động hiện tại của các bạn. Tự tin với khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, đặt mục tiêu và biết cách đi đến mục tiêu… là những kỹ năng hoàn toàn có thể được học và rèn luyện.
Người lao động còn thiếu định hướng trong rèn luyện kỹ năng mềm 
Hoàng, học chuyên ngành Tài chính Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng cậu lại rất yêu thích công việc kinh doanh. Tuy nhiên hình thức khá, nói năng trôi chảy không giúp câu gắn bó với công ty nào hết thời gian thử việc. Nguyên nhân chủ yếu là sau hai tháng thử việc, cậu không chốt được một hợp đồng nào mặc dù có khá nhiều khách hàng tiềm năng. Anh trưởng phòng nơi cậu làm việc gần đây khuyên cậu nên tìm một công việc khác phù hợp hơn. Cậu đã phải nghỉ làm 4 tháng và thử theo học các khóa dạy về kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp và đến nay cậu đã làm ở công ty mới đến tháng thứ sáu sau thời gian thử việc do đem lại cho công ty một vài hợp đồng lớn. Hay trường hợp của Phương, nhân viên một công ty xuât nhập khẩu lớn tại Hà Nội, lại là một ví dụ khác. Không có kỹ năng làm việc nhóm, Phương gặp phải khó khăn khi giao tiếp với đồng nghiệp trong phòng Hành chính. Cô gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười đặc biệt là trong việc phân công, điều phối công việc và phải rời vị trí trưởng nhóm chỉ sau một tháng lên ngôi mà không hiểu mình đã phạm sai lầm gì. 
Giải pháp cho đào tạo 
Rõ ràng, việc đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động ngày càng được nhiều doanh nghiệp và xã hội quan tâm. Nhiều trường đại học cũng đã bước đầu hiện thực hóa bằng các Câu lạc bộ cho sinh viên với nhiều hoạt động nhằm cung cấp các kiến thức bổ trợ cho các bạn bên cạnh kiến thức chuyên ngành. Góp phần vào phong trào này, Thành đoàn Hà Nội cũng liên tục kêu gọi các đơn vị tài trợ tổ chức đào tạo Kỹ năng mềm cho Đoàn viên Thanh niên Thủ đô. Ngày 23 tháng 05 năm 2009, kết hợp cùng Tập đoàn Giáo dục Skills Group, Đan Mạch, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức buổi học về Kỹ năng Quản lý Thời gian hiệu quả tại hội trường lớn Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hơn 300 Đoàn viên thanh niên là các Thanh niên tình nguyện đến từ các trường Phổ thông Trung học, Đại học Cao đẳng và các quận, huyện đoàn của Hà Nội. Nhân dịp này, bà Văn Thị Thúy Hường, Giám đốc Đào tạo của Skills Group chia sẻ, “Đào tạo kỹ năng mềm nên phổ biến thành một môn học được khuyến khích thậm chí bắt buộc trong chương trình học. Để tạo một thói quen làm việc chuyên nghiệp, các bạn sinh viên phải có cơ hội thực hành nó thường xuyên ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học”. 
Xây dựng một xã hội làm việc và hơn thế là làm việc chuyên nghiệp, bên cạnh kiến thức chuyên môn, chúng ta còn phải quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng. Cần nhận thức rằng không chỉ người lao động cần mà từ các giám đốc điều hành, nhà quản lý… cũng rất cần rèn luyện và nâng cao kỹ năng cho bản thân. Đặc biệt với đội ngũ lao động tương lai như học sinh, sinh viên càng nên được phổ cập và hỗ trợ để tạo thành thói quen ngay khi còn trẻ. Để đạt được điều này, sự kết hợp và trợ giúp của nhiều chuyên gia, các tổ chức giáo dục, tuyên truyền, cơ chế chính sách về giáo dục của Nhà nước và nhận thức của toàn xã hội là rất quan trọng.

Theo skillsgroup