Marketing Sự trỗi dậy của số Ấn Độ

Sự trỗi dậy của số Ấn Độ

13
Những ai đã đọc cuốn sách “Thế giới phẳng” chắc sẽ không cảm thấy lạ khi nghe người Mỹ thường than vãn về cơn lốc bị giảm biên chế (lay-off) do hiện tượng người Ấn đang dần thôn tính các công việc cần đến công nghệ thông tin hay vốn giao tiếp tiếng Anh. Thế nhưng, vẫn còn ít người nhận ra cơn thủy triều “Ấn” ngầm đang dần chuyển thành những cơn sóng thần có nguy cơ “quét sạch” các vị trí quản lý cao cấp thuộc mọi quốc tịch, bất kể ngành nghề chuyên môn, bất chấp bao kinh nghiệm công thần lập quốc ra khỏi các vị trí then chốt tại các tập đoàn đa quốc gia. Cho đến nay, chính các tập đoàn lớn cũng đang úp mở nghi ngại về con sóng tế nhị này, hiện tượng đang được coi là sự trỗi dậy của những ẩn số “Ấn” 
Tiếng chim hót trong bụi mận gai”
Cách đây một đến hai thập kỷ, khi nói đến các chuyên gia nước ngoài (expat), tất thảy mọi người đều vẽ ngay ra một chân dung “nặng ký” xuất phát từ các cường quốc lớn. Cũng thật dễ hiểu bởi họ đều có nguồn gốc từ các thị trường lớn, mạnh của công ty như Mỹ, châu Âu, Nhật… Hiện nay, thời thế đã đổi thay, chân dung “expat” đang được vẽ lại!
Chuyên gia nước ngoài khi đến công tác tại một xứ sở mới thường được coi như khách. Nói đến từ “chuyên gia” nên mọi các lợi ích tiện nghi cuộc sống sẽ được đáp ứng tối đa. Và sau mỗi nhiệm kỳ của expat (trung bình là hai đến ba năm), những chuyên gia biết tiết kiệm, có chuẩn mực sẽ dành dụm một khoản tiền lớn cho mình và cho gia đình. Đó phần nhiều cũng là ước mơ của một số chuyên gia tại nước nghèo mong muốn được đi làm expat. 
Bức tranh thời mới của chuyên gia nước ngoài được một expat vẽ lại như sau. “Expat” gốc Mỹ hay các cường quốc chính hiệu nay phần nhiều đã phải “tạm biệt dĩ vãng” để quay về với thực tại tự lái xe, lau nhà, đóng chi phí hằng tháng. Các chàng quản lý có yếu tố Mỹ như Philipines chẳng hạn, một thời từng được xem như một lựa chọn “hời” của các giám đốc nhân sự tại thị trường mới, bây giờ cũng chỉ còn biết ngồi nhìn ly bia San Miguel tại quê hương mà oán trách thời cuộc đổi thay. Vào những năm đầu 90, tại châu Á, nếu như trong số 10 expat thì không hiếm tập đoàn có từ ba đến bốn quản lý người Philippines. Đến nay, trên 50% được thay thế bởi quản lý người Ấn Độ. 

Hiện tượng Ấn Độ, phải chăng chỉ vì vốn tiếng Anh
Cho đến khi “nhìn đâu cũng thấy quản lý Ấn Độ” thì mọi người bắt đầu giật mình. Thế là hiện tượng expat Ấn Độ được đem lên bàn mổ xẻ. Bắt đầu tìm hiểu từ góc độ văn hóa nhiều người chia sẻ rằng, trẻ con Ấn Độ Độ khi được sinh ra đã phải tập đối đáp khôn ngoan, tập tranh luận và ý thức vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Đây được xem như là vũ khí sinh tồn nếu không muốn bị xem là chậm tiến. Sâu hơn, có người lại cho rằng nền giáo dục đại học hiệu quả và lợi thế Anh ngữ đã giúp các sinh viên Ấn Độ phát triển tài năng, thậm chí nhiều sinh viên còn được các công ty tài chính tận London đặt hàng vài năm trước khi tốt nghiệp.
Còn nếu xét theo góc độ dân số học, tỷ lệ vượt qua ngưỡng cửa đại học tại Ấn Độ chỉ là một con số hết sức khiêm tốn trên tổng dân số nước này. Cộng thêm tính cạnh tranh khốc liệt với biết bao sinh viên để được ra trường hạng ưu, từ đó được các tập đoàn để mắt tới. Rồi vào đến công ty phải cạnh tranh với biết bao người tài giỏi để đứng đầu và được cử sang nước ngoài làm việc… Vì thế, khi có cơ hội đối mặt thật sự với các expat Ấn Độ, nhiều người như hiểu rõ hơn khái niệm “thế nào gọi là sharp” (cứng, rắn, sắc). Phải còn lâu mới thấu hiểu được năng lực toàn diện của các chuyên gia Ấn Độ, nhưng có thể cố đúc kết sức mạnh của họ trong hai chữ: Luận và Thức.
Lập luận, Kết luận, Thảo luận, Tranh luận là điểm mạnh mà càng quan sát càng thấy rõ từ các chuyên gia người Ấn Độ. Nhìn từ góc độ “cạnh tranh”, rõ ràng đây là một lợi thế quá tốt khi họ luôn có khả năng chuyển bại thành thắng, minh chứng cho quan điểm “kết quả không quan trọng bằng suy nghĩ và cách đạt được kết quả đó”. Khách quan nhận xét, đây chính là sức mạnh tư duy mà các quản lý đa quốc gia đều phải khâm phục.
Phương thức, Cách thức, Chiêu thức là điểm mạnh trong việc triển khai thực hiện các ý tưởng, kế hoạch. Tính chặt chẻ ở tầm chiến lược cho đến tính tỉ mỉ trong các chi tiết nhỏ nhặt nhất mà các chuyên gia Ấn Độ tổ chức thực hiện đã làm không ít đồng nghiệp phải ngả mũ bái phục. 
Tính cạnh tranh trong tinh thần làm việc của các chuyên gia Ấn Độ là dễ nhận biết. “Nếu họ chưa vào phòng họp, thì ở đó sẽ là sự buồn tẻ, nếu có một người Ấn Độ xuất hiện, bạn sẽ có sự cạnh tranh, nếu có hai người Ấn Độ cùng xuất hiện, bạn sẽ có một cuộc khẩu chiến”, câu nói được đúc kết chắc hẳn phải là của một người “từng nằm gai nếm mật”. Tính cạnh tranh cũng phần nào giải thích được ý chí vươn lên của các expat người Ấn Độ. Làm việc chăm chỉ, luôn học hỏi và tìm cách tạo dựng quan hệ tốt với những người có ảnh hưởng là những điểm sáng mà còn khá lâu các chuyên gia “đánh thuê” quốc tế mới bắt kịp.
Chuẩn bị gì cho các quản lý người Việt trẻ?
Hiện nay, tại các tập đoàn lớn, quản lý Việt Nam tài năng, chịu khó, liên tục đạt thành tích xuất sắc thường được công ty chọn lựa quyết định “xuất khẩu lao động” dạng expat. Khi tham gia thị trường mới, nhiều người còn chủ quan với quá khứ lẫy lừng tại quê nhà mà đã không lường trước sức nóng từ sự cạnh tranh của các quản lý Ấn Độ. Nếu như khi còn ở quê hương, việc đánh giá kết quả làm việc được mang ra so sánh chỉ với người bản xứ với nhau, thì khi trở thành expat, kết quả và năng lực làm việc của họ đương nhiên được đánh giá theo khu vực hoặc thậm chí cả châu lục. Với việc tham gia vào các giải đấu châu lục kiểu này thì các điểm mạnh và điểm yếu của các quản lý Việt cũng dần bộc lộ, từ đó đòi hỏi những sự chuẩn bị ngay từ khi còn thi đấu trong nước.
Lý thuyết về phát triển năng lực đôi khi cũng mang tính “thời trang”, cũng có nhiều trường phái lúc thịnh lúc suy. Nếu không tỉnh táo, đôi khi các quản lý trẻ có thể bị hoang mang với hai tư duy phát triển năng lực mang tính đối lập: tập trung khắc phục điểm yếu hay tập trung phát huy điểm mạnh, hay hoàn hảo nhất là tập trung vào cả hai. Nói theo kiểu chung chung “hãy biết cân bằng”. 
Nếu như quan sát kỹ bài học từ các chuyên gia người Ấn Độ, cần có sự tỉnh táo để phân biệt cách họ phát huy những điểm mạnh thuộc về tố chất cá nhân với việc không ngừng cải thiện các kỹ năng có lẽ là một lời khuyên thực tế cho các quản lý trẻ. 
Vậy hãy thử khám phá điểm mạnh của bạn theo những lời khuyên từ cuốn sách “Now, Discover Your Strengths”. Hãy bắt đầu tập trung và phát huy điểm mạnh của mình, đồng thời học và mài giũa những kỹ năng mà từ lâu, hệ thống đào tạo của chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Hãy lưu ý những kỹ năng mà các expat Ấn Độ đã sử dụng nhẹ nhàng như việc hít vào thở ra: Kỹ năng lập luận và giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết phục, tạo lập quan hệ, phân tích và tận dụng cơ sở dữ liệu…
Sẽ không bao lâu nữa, đối trọng bất lợi về chi phí giữa việc tuyển dụng một quản lý nước ngoài và quản lý bản địa không còn. Đặc biệt là những thị trường khan hiếm lao động cao cấp như Việt Nam thì việc dự đoán sẽ có thêm nhiều cao thủ người Ấn Độ tham gia thị trường lao động là việc không thể tránh khỏi. Do vậy, quản lý Việt phải cần tự đánh giá và có sự chuẩn bị cần thiết cho riêng mình.

Theo Saga