Chiến lược Cạnh tranh đua lãi suất huy động

Cạnh tranh đua lãi suất huy động

12
Gần đây, các ngân hàng đang tăng lãi suất huy động nhằm hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn để đáp ứng quy định thanh khoản mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017.


Ảnh minh họa

Lãi suất huy động đang thiết lập mặt bằng mới

Từ đầu năm tới nay, các ngân hàng nhóm cổ phần Nhà nước huy động vốn với lãi suất cao nhất là 6,5 – 6,8%/năm với các kỳ hạn dài; còn nhóm cổ phần lớn, có thanh khoản tốt cũng chỉ huy động ở quanh vùng 7 – 7,5%/năm; nhiều ngân hàng nhỏ huy động vốn cao nhất quanh 8%/năm và cao nhất là ở NCB với mức 8,2%/năm.

Tuy nhiên, gần đây một số ngân hàng đua nhau niêm yết lãi suất huy động ở mức khá cao. Cụ thể, Eximbank đã điều chỉnh tăng: Kể từ 24.2, mức lãi suất cao nhất tại Eximbank tăng mạnh lên 8%/năm ở 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Đặc biệt, Eximbank đã trở thành đơn vị có lãi suất ngân hàng cao nhất hệ thống khi cung cấp dịch vụ “Lãi suất tiết kiệm online”. Gửi tiền trên internet banking, mobile banking, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất thưởng 0,2%/năm so với lãi suất gửi tại quầy đối với kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên. Như vậy, lãi suất huy động cao nhất tại Eximbank là 8,2%/năm.

Tương tự, từ ngày 10.2, Techcombank có mức lãi suất cao nhất là 7,1%/năm, tăng 0,1% so với hồi đầu tháng 2. Muốn nhận được mức lãi cao này, khách hàng phải gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng tung ra sản phẩm tiền gửi mới đó là chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, có nơi lên đến gần 9%/năm (như LienVietPostBank, Sacombank). Cụ thể: Sacombank vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với mức lãi suất 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm 1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm. Còn ngân hàng như Việt Á, chỉ với kỳ hạn từ 6 -18 tháng đã hưởng lãi suất lên đến 8,2%/năm.

VPBank là ngân hàng công bố huy động lãi suất kỳ hạn 5 năm lên đến 9,2%/năm – phá mọi kỷ lục, bởi mức 8,2% cho đến trên dưới 9%/năm là cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

Còn ở khối các ngân hàng có gốc quốc doanh gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, và Agribank hiện áp dụng lãi suất huy động ngắn hạn thấp nhất. Cụ thể: Từ 4,3%- 4,8%/năm cho kỳ hạn 1-4 tháng; và 5,3%-5,5%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng. Chênh lệch lãi suất huy động bình quân giữa các nhóm ngân hàng này và các ngân hàng TMCP khác hiện là 0,52%, tăng 0,4% từ mức thấp vào tháng 4.2016 và cũng tăng 0,23% kể từ tháng 5.2015.

Một số chuyên gia nhận định về tình hình lãi suất năm 2017 sẽ cao hơn năm ngoái. Trong báo cáo Triển vọng năm 2017, Cty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm.

Theo giới phân tích giai đoạn cuối năm 2016, các ngân hàng đồng loạt đẩy mạnh tín dụng với mức tăng trưởng khá cao nên đầu năm 2017 phải tăng lãi suất để thu hút nguồn vốn bù đắp. Đồng thời, năm vừa qua Tết đến sớm nên thời điểm này, các ngân hàng cũng đã bắt đầu bung tín dụng ra cho vay, tìm kiếm khách hàng mới nên tăng lãi suất, áp dụng các chương trình khuyến mãi để tăng nguồn vốn huy động cũng là dễ hiểu.

Nguyên nhân là một số ngân hàng đang gặp áp lực vì theo quy định của Thông tư 06, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Vì thế, nếu muốn duy trì chỉ số này, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn…

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, động thái tăng lãi suất huy động là khi ngân hàng đang muốn hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn để đáp ứng quy định thanh khoản mới của NHNN bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017.

Lãi suất đang đứng trước nhiều áp lực

Mặt bằng lãi suất huy động cao hơn sớm muộn sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo. Dự báo về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia ngân hàng cho rằng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và rất khó hạ. Bởi nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn ở mức cao.

Về mặt chính sách, chủ trương chung của NHNN và các ngân hàng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Những tháng trước đó, lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống.

Trong hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng TPHCM, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhìn nhận hệ thống tài chính Việt Nam hiện vẫn là nguồn cung ứng vốn cho nền kinh tế. 51% tổng tín dụng cấp ra là vốn trung, dài hạn nhưng tại các ngân hàng, chỉ có 12-15% tổng vốn huy động là có kỳ hạn tương đương.

Thống đốc cũng thừa nhận, lãi suất đang đứng trước áp lực bởi ở giữa nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu này còn mâu thuẫn nhau. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, NHNN sẽ dùng công cụ để kiểm soát ổn định mặt bằng, các ngân hàng thương mại tập trung tiết giảm chi phí và giữ ổn định hoặc giảm lãi suất thời gian tới…

Tỉ giá tăng có gây sức ép lên lãi suất? Trong xu hướng này, nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo làm ảnh hưởng đến chi phí tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng chưa gây sức ép quá quá mạnh bởi chủ trương của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước là ổn định và phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay ngắn hạn cạnh tranh nhất hiện nay là lãi suất của Vietcombank và Agribank, lần lượt là 7,25%-7,5%/năm. Trong khi đó, ACB áp dụng mức lãi suất thấp nhất đối với các khoản vay trung và dài hạn, là 8,7%-9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn cao nhất là 9,5%/năm tại DongA Bank, còn lãi suất cho vay dài hạn cao nhất là 11%/năm tại các ngân hàng Eximbank, Sacombank và Techcombank.

Trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD vẫn ở mức 0%, lãi suất cho vay bằng USD bình quân tăng 0,1% so với mức 4,49%/năm vào cuối năm ngoái.

Theo lao động