Chiến lược ‘Bệnh sính ngoại’: Nguyên nhân khiến một ngành công nghiệp Việt Nam...

‘Bệnh sính ngoại’: Nguyên nhân khiến một ngành công nghiệp Việt Nam đầy tiềm năng nhưng vẫn chịu thua thế giới đến 200 – 300 năm

5
Một ngành công nghiệp Việt Nam đầy tiềm năng, sức sản xuất chẳng thua gì thế giới, nhưng vẫn chịu lạc hậu đến hàng thế kỷ do chẳng có vốn mà làm, cũng như chẳng có nhiều cơ chế hỗ trợ để chống chọi với 30 tỷ nhập siêu từ nước ngoài hàng năm


Ảnh minh họa

Hôm ngày 3/3, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam trong cuộc phỏng vấn bên lề họp báo “Công nghiệp sản xuất Việt Nam – hành trình hướng tới ngành công nghiệp 4.0” đã chia sẻ nhiều quan điểm tâm huyết của mình về ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam.

Cụ thể, theo ông Thụ thì công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cánh cửa 4.0, với sự hiện diện của công nghệ, như một nhu cầu rất bức bách. Không chỉ riêng Việt Nam, “thực sự mà nói thì khi thế giới phát triển thì công nghiệp 4.0 là thứ bất kỳ đất nước nào cũng phải tham gia” – ông Thụ nói.

Trong làn sóng đó, cơ khí nổi lên như một đại diện rất phù hợp của công nghiệp cần được ưu tiên ứng dụng công nghệ, bởi lẽ đây là một ngành công nghiệp truyền thống, tự động hóa và vật liệu mới, rất phù hợp với sự phát triển của công nghiệp 4.0.

Một ngành công nghiệp Việt Nam đầy tiềm năng, sức sản xuất chẳng thua gì thế giới

Điểm lại thời điểm 15 năm qua, ông Thụ cho rằng cơ khí đã đón nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ như quyết định số 186, 10, 1791… Trong đó, đặc biệt có 1791 đã tạo cơ chế để các doanh nghiệp có điều kiện để thiết kế và chế tạo nhà máy nhiệt điện.

Kết quả, ngành công nghiệp cơ khí đã có nhiều sự tiến bộ như: chế tạo được những thiết bị nhà máy xi măng, thiết bị giàn khoan, chế tạo được một phần các thiết bị nhà máy nhiệt điện và thủy điện. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều công ty tư nhân đã đặt hàng lại cho chính các công ty cơ khí trong nước để chế tạo máy, mặc dù họ đủ năng lực để tự đầu tư.

Dần dần, khả năng sản xuất của ngành cơ khí đã được khẳng định qua mỗi đơn hàng như thế.

“Khả năng nếu như có đơn hàng thì chúng ta hoàn toàn đều có thể sản xuất tốt. Khi Chính phủ đặt hàng thì chúng ta đều hoàn thành tốt về chất lượng và tiến độ. Hầu hết cơ khí thủy công của chúng ta cũng đều tốt hơn máy móc nhập khẩu từ nước ngoài” – ông Thụ nhân xét.

Cuối cùng, vị Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào với những gì mà cơ khí Việt Nam đã đạt được vào thời điểm này. Tuy vẫn còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong ngành đã mạnh dạn hiện đại hóa những sản phẩm của mình.

Nhưng vẫn lạc hậu đến 2 -3 thế kỷ chỉ vì “mỗi năm chi đến 30 tỷ nhập thiết bị công nghiệp nước ngoài, nhiều thứ chẳng đáng giá trị”

Có tiềm năng là vậy nhưng công nghiệp cơ khí của Việt Nam vẫn đi sau rất nhiều nước, tính ra là trình độ chậm so với thế giới tới 200 -300 năm, theo như nhận định của ông Nguyễn Văn Thụ.

Sự chậm tiến đó, đáng tiếc, không phải vì ngành cơ khí của chúng ta kém, mà vì những những yếu tố khách quan đã ngăn cản không cho cơ khí phát triển. “Rất nhiều chủ đầu tư nghĩ chúng ta không làm được, đơn giản vì chưa thấy chúng ta làm, chứ không phải vì chúng ta kém” – nguyên văn lời vị Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam.

Ở đây, ông Thụ nhắc đến 2 rào cản lớn nhất là vốn vay thấp và thị trường chẳng thể bảo vệ được các doanh nghiệp trong nước.

Nói về vốn, ông nói “trong chương trình 186 đầu tư cho ngành cơ khí thì chúng ta chỉ được vay 364 tỷ / 9.900 tỷ, một tỷ lệ rất thấp. Thử hỏi không có vốn thì làm sao có thể đầu tư mua máy móc thiết bị”.

Rất gay gắt về vấn đề thứ hai là bảo hộ cơ khí trong nước, ông tiếp lời: “Đất nước vay đầu tư từ nay đến năm 2055 khoảng 189 tỷ USD để mua máy móc cho các công trình nhiệt điện, xi măng, hóa chất, phân bón.

“Thế nếu ta để dành 70% là giá thiết bị thì chúng ta có 200 tỷ, và chỉ cần nội địa hóa 30% thôi, tức là 70 tỷ thì ngành cơ khí đã có thể nuôi đến hàng triệu người lao động rồi”

“Kể cả Mỹ bây giờ còn giữa việc cho người lao động, trong khi chúng ta lại quá dễ dãi cho nước ngoài, cho nên không thể bảo vệ được thị trường trong nước và không nuôi được lực lượng lao động cơ khí”

Như vậy, chỉ cần 30% trong con số đầu tư tới hàng trăm tỷ USD trên kia thôi thì khoảng cách 200 – 300 năm có lẽ hoàn toàn có thể bị thu hẹp rồi.

Thế nhưng, hiện chúng ta mỗi năm lại bỏ ra tới gần 30 tỷ nhập siêu về thiết bị công nghiệp, “trong đó có những thứ thiết bị chỉ là bồn bể, kết cấu thép mà cũng phải nhập vào” – theo lời ông Thụ

Cuối bài phỏng vấn, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam nhấn mạnh rằng cơ khí có thể phát triển được hay không phải từ ý chí của Nhà nước, chứ không thể đổ thừa cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi không đòi hỏi nhiều về cơ chế thị trường, chỉ cần có những chính sách bảo vệ thị trường từ nước ngoài. Đó cần là quốc sách” – lời ông Thụ kết thúc.

Theo Trí Thức Trẻ