Chiến lược Không phải lao động giá rẻ, làm gia công, TGĐ World Bank...

Không phải lao động giá rẻ, làm gia công, TGĐ World Bank gợi ý động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

7
Buổi họp mặt báo giới Việt Nam của Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới – bà Kristalina Georgieva – đã diễn ra. Chia sẻ nhận định của mình về kinh tế Việt Nam, bà nhận định những yếu tố truyền thống giúp tăng trưởng ở Việt Nam rồi sẽ cạn, chúng ta cần tập trung vào nguồn nhân lực với việc trao “cơ hội học tập suốt đời”.


Ảnh minh họa

Hôm nay ngày 23/3, buổi họp mặt báo giới Việt Nam của Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới – bà Kristalina Georgieva đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong phần trả lời câu hỏi từ phía nhà báo về nhận đình của mình về kinh tế Việt Nam, bà Georgieva trích dẫn dự báo mới nhất của World Bank về tăng trưởng kinh tế Việt Nam là từ 6,5% – 6,7%. Trong bối cảnh các nước trên trên thế giới có sự tăng trưởng sau khủng hoảng ở mức đáng thất vọng là 2 – 3% thì Việt Nam như một điểm sáng.

Tuy nhiên, theo bà Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới thì một số động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam như nguồn nhân lực giá rẻ, hay tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã dần không còn nữa. Một cách cấp thiết, chúng ta cần tìm lấy động lực tăng trưởng ở những nguồn mới.

“Nhưng những động lực này không thể tồn tại mãi mãi. Việt Nam cần tạo ra nền móng để có những động lực tăng trưởng mới”.

Động lực này đến từ đâu ? Theo vị Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới, đó sẽ đến chính từ nguồn nhân lực mà Việt Nam cần đào tạo.

Theo bà có đến 80% số công việc ở thời điểm hiện tại là những công việc mà chúng ta không thể biết đến ở thời điểm 10 năm trước. Và có lẽ ngay vào lúc này, chúng ta cũng không thể biết một nửa số công việc trong tương lai sẽ là những gì, đơn giản là vì công nghệ đang phát triển quá nhanh và những công việc mới được tạo ra liên tục.

Vì thế, “chi bằng thì hãy đầu tư vào nguồn nhân lực, cung cấp cho họ khả năng thích ứng tốt nhất cho những công việc mới sẽ hình thành trong tương lai” – bà Georgieva nói.

Quay trở lại về trường hợp Việt Nam, vị Tổng giám đốc dựa trên kết quả bài thi PISA, nơi mà học sinh phổ thông Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao trong các môn khoa học, có lời khen rằng giáo dục phổ thông Việt Nam đã làm rất tốt việc tạo cơ hội học tập cho người dân.

Tuy nhiên, ở những cấp học sau phổ thông như cấp Đại Học, Việt Nam lại chưa làm tốt. Điều đáng nói, chính những cấp học này mới là những môi trường chính ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của kinh tế Việt Nam.

“Tập trung phát triển những kỹ năng của lực lượng lao động ở những cấp học sau phổ thông – đó là thứ nền kinh tế trong tương lai cần đến”. – bà Kristalina Georgieva gọi điều này là một “cơ hội học tập suốt đời” cần được trao một cách bình đẳng cho người dân Việt Nam.

Điều đáng nói, trong suốt buổi họp báo, cụm từ này được vị Tổng giám đốc cao nhất của World Bank nhắc đến không dưới hai lần. Điều này rõ ràng đã thể hiện tầm quan trọng của nguồn lực về nhân lực trong con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai sắp tới

Ngoài ra, trong buổi hôm nay, bà Kristalina Georgieva cũng đã chia sẻ rằng World Bank sẽ tiếp tục có những kế hoạch mới, giải ngân những nguồn vốn mới cho Việt Nam trong tương lai tới đây.

Trước đây, báo chí từng thông tin rằng năm 2017 này sẽ là năm mà World Bank chính thức chấm dứt cho vay ODA ưu đãi với Việt Namm, tuy nhiên, theo bà Georgieva nói hôm nay thì chúng ta vẫn sẽ có cơ hội nhận các khoản vay với lãi suất mềm từ World Bank.

“Chúng tôi đã ký kết gói 1,8 tỷ USD hỗ trợ để hỗ trợ Việt Nam. Chúng bao gồm có các dự án hỗ trợ giảm nghèo ở nhưng vùng nghèo còn cao, một chương trình lớn về quản lý tài nguyên nước và cải thiện môi trường đô thị. Đồng thời là các dự án hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân” – bà Kristalina Georgieva phát biểu.

Theo Trí Thức Trẻ