Chiến lược Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Nếu muốn bắt kịp với...

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Nếu muốn bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiêp 4.0, đừng đào tạo học sinh chỉ biết “ngoan ngoãn dạ vâng”

6
Nhà kinh tế khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gọi tắt là 4.0, buộc Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, phải khuyến khích phản biện, nếu không sẽ mãi lùi lại phía sau. 


Ảnh minh họa

Cách mạng công nghiệp 4.0 dường như là một khái niệm còn khá xa lạ với nhiều người Việt Nam.

Nếu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra nhờ sự xuất hiện của máy hơi nước, cuộc cách mạng lần hai liên quan đến động cơ chạy điện, lần ba là sự xuất hiện của máy tính và Internet thì đến lần thứ tư này, hệ thống máy móc điều khiển tự động, robot, trí thông minh nhân tạo sẽ là những chủ đề chính.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7/4, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ chắp cánh cho cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Chúng ta sẽ chứng kiến những chiếc áo có Internet , những cái kính có Internet. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến người tiếp đón mình ở tòa án, ở bệnh viện không phải là người thật mà là người máy”.

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nền kinh tế Việt Nam

Theo ông Doanh, cuộc cách mạng này đang diễn ra mạnh mẽ như một cơn bão, hứa hẹn mang đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

Trước hết ông khẳng định đây là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục đổi mới, tiếp tục tái cơ cấu, từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với các doanh nghiệp chỉ chạy theo khai thác tài nguyên, buôn bất động sản để làm giàu.

“Mô hình tăng trưởng của việt nam đã đến giới hạn tự nhiên của nó rồi. Nếu chúng ta không cải cách, chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng từ rất sớm”, ông Doanh chia sẻ.

Ông cho biết sức ép từ cuộc cách mạng lần bốn sẽ thúc đẩy chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam thay đổi thể chế, chính sách để bắt kịp với các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi khi máy móc sẽ thay thế rất nhiều công việc của con người.

Chuyên gia kinh tế lấy ví dụ ở Mỹ 40% luật sư mới ra trường thất nghiệp vì trí thông minh nhân tạo có thể tra cứu xem một vụ việc bất kỳ liên quan đến những luật nào chỉ trong vòng 60 giây. “Việc này một ông luật sư có làm hàng giờ cũng chưa xong”.

Trong lĩnh vực kinh tế, hơn 40% cử nhân Mỹ mới ra trường cũng thất nghiệp do chỉ cần nhập số liệu, máy tính có thể đưa ra hầu hết các biểu đồ hay dự đoán xu hướng.

“Tại Việt Nam, tôi ví dụ trong lĩnh vực sản xuất các loại áo sơ mi giản đơn, công nhân sẽ bị thay thế bằng hệ thống dây chuyền tự động có năng suất lao động cao hơn 500% so với người bình thường”.

Tuy nhiên máy móc, không thể sản xuất các mẫu áo tinh xảo, không thể quyết đinh xem có nên tiếp tục vụ kiện hay từ bỏ, không thể thay các “lão kinh tế già” đưa ra quyết định có nên giữ lại sản phẩm hay không, có nên thay thế thị trường hay không.

“Điều đó cho chúng ta thấy nếu hiểu biết về công việc thì con người vẫn còn chỗ đứng”, chuyên gia kinh tế kết luận.

Việt Nam nên làm gì để hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 67% người tham gia nghĩ rằng Việt Nam không thể “bắt” được cuộc cách mạng lần thứ tư này. Tuy nhiên ông Doanh “vẫn hy vọng là có, chứ không phải là không”.

Theo ông, Việt Nam nên khuyến khích phản biện, khuyến khích sự đổi mới để thay đổi cách thức tiếp cận một vấn đề bất kỳ. Thay vì đòi hỏi học sinh phải ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng thì phải khuyến khích học sinh nghi ngờ, chất vấn thầy giáo.

Đối với các doanh nghiệp, họ nên tìm ra con đường để tự tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 theo cách riêng của mình.

Ông Doanh lấy ví dụ tiến sĩ Thành Mỹ ở Trà Vinh đã áp dụng thành công cảm biến đo độ mặn trên sông để điều chỉnh mức nước chảy vào đồng ruộng. Nếu độ mặn giảm xuống đến một mức độ nhất định thì cảm biến điều khiển các máy bơm bơm nước ngay vào đồng ruộng. Khi độ mặn cao hơn thì ngừng.

Ngay cả một cửa hàng bán điều hòa cũng có thể hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sau khi bán cho khách một cái máy điều hòa, ông chủ có thể lưu lại thông tin khách hàng trong máy tính rồi chủ động liên lạc xem khách có cần sửa chửa, bảo dưỡng gì không.

“Chúng ta không nên nghĩ cách mạng 4.0 là một mục gì đó cao siêu trên trời, mà từ nông nghiệp, cho đến người bán hàng, cho đến ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện được ngay. Tôi tin các doanh nghiệp Việt Nam sáng tạo và năng động sẽ thực hiện cách mạng 4.0 theo cách của riêng mình”.

Theo Trí Thức Trẻ