Chiến lược Những thương vụ đình đám nhưng nhanh chóng tan tành

Những thương vụ đình đám nhưng nhanh chóng tan tành

12
Một thực tế không thể phủ nhận đó là cái “duyên” không phải đến với tất cả các ngân hàng trong hành trình M&A. Có những thương vụ tưởng chừng sẽ vô cùng đình đám nhưng đến phút chót lại tan thành mây khói.


Ảnh minh họa

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng diễn ra sôi động vài năm gần đây với hàng chục trường hợp thành công, điển hình là các thương vụ sáp nhập ngân hàng yếu kém hay M&A với công ty tài chính. Nếu tính từ 2012 tới nay thì đã có 22 tổ chức tín dụng biến mất trên thị trường.

Mối lương duyên giữa Sacombank và Eximbank là một điển hình khó quên. Hồi năm 2012, hai bên – vốn sở hữu chéo lẫn nhau – đã ký kết thỏa thuận chiến lược toàn diện, đồng thời Eximbank cũng cử người sang quản trị ở Sacombank là ông Phạm Hữu Phú. Những thông tin mở có, úp có, đều hướng về khả năng hai ngân hàng sẽ về chung một nhà trong một tương lai không xa. Nhưng chỉ chưa đầy 2 năm sau đó, ông Phú quay về Eximbank và kịch bản sáp nhập cũng tan vỡ. Một thời gian sau, SouthernBank nhập vào Sacombank. Và nay, Eximbank đang lên kế hoạch cắt duyên hoàn toàn với Sacombank bằng kế hoạch bán toàn bộ 165 triệu cổ phần của ngân hàng này.

Năm 2015 thị trường cũng chứng kiến một làn sóng tin đồn nữa về việc một ngân hàng nhỏ là Nam A Bank có kế hoạch nhận sáp nhập “ông lớn” Eximbank. Câu chuyện tưởng đã đi đến cái kết trong mơ khi hai nhân sự “xịn” nhất Nam A Bank từ nhiệm khi đang trên đỉnh vinh quang thành công để ứng cử vào Eximbank với mỗi người đại diện cho nhóm cổ đông nắm hơn 10% vốn. Nhưng cuối cùng, mối duyên ấy lại đứt gánh giữa đường. Nam A Bank ra mặt khẳng định họ không nắm giữ cổ phần nào của Eximbank và các cá nhân là cựu lãnh đạo ngân hàng này ứng cử sang ngân hàng kia là việc cá nhân của họ. Còn ĐHCĐ của Eximbank thì phải trì hoãn nhiều lần và bất thành vì chưa tìm được sự đồng lòng của cổ đông cho đến tận năm ngoái.

Sau hai thương vụ đình đám rồi chẳng đi đến đâu, Eximbank đến nay vẫn “đơn thân”, chỉ có khác là tình hình khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn 4-5 năm trở về trước. Cho đến trước thềm đại hội cổ đông 2017, ngân hàng vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 460 tỷ đồng cùng giàn nhân sự cấp cao chưa hoàn tất.

Mới đây nhất lại là chuyện liên quan Sacombank. Sau khi nhận sáp nhập SouthernBank, ngân hàng phải gồng gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ cùng kế hoạch phải mất 3 năm mới xử lý xong những tồn đọng của ngân hàng sáp nhập đem lại. Sacombank khó khăn và có nhiều vấn đề liên quan đến nhóm cổ đông lớn là ông Trầm Bê cần NHNN can thiệp. Cuối năm 2015, ông Trầm Bê đã ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn toàn bộ cổ phần của ông cho NHNN và tháng 2 năm nay, ông Trầm Bê cùng con trai đã thôi quản trị và điều hành ở ngân hàng.

Do Sacombank phải tái cơ cấu cùng với sự hỗ trợ của NHNN, có một số nhóm cổ đông được cho là đã gửi đến NHNN những yêu cầu tham gia tái cơ cấu, trong đó có Novaland muốn mua 20% vốn, và nhóm nữa gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành – cựu chủ tịch ngân hàng.

Thế nhưng mới đây, Novaland lại tuyên bố rút khỏi kế hoạch tái cơ cấu Sacombank. Còn nhóm nhà đầu tư thứ hai có đến được với Sacombank hay không vẫn còn phải chờ NHNN phê duyệt, hoặc chính họ lên tiếng như Novaland, hoặc chờ đến thời điểm đại hội cổ đông ngày 28/4 tới. Ngay lúc này, mọi thông tin về tái cơ cấu Sacombank vẫn còn là tuyệt mật.

Ngoài ra cũng có nhiều câu chuyện khá đình đám về khả năng M&A giữa các ngân hàng trong giai đoạn trước nhưng đến phút chót lại tan tành. ABBank một thời được cho là sẽ sáp nhập DongABank khi chính người trong cuộc là cựu chủ tịch DongABank ông Cao Sỹ Kiêm cho biết hai bên đang tìm hiểu, nhưng sau đó sự vụ cũng bất thành. Tháng 8/2015, DongABank rơi vào kiểm soát đặc biệt của NHNN.

Ngân hàng GP.Bank cũng từng được tin là sẽ bán toàn bộ cổ phần cho UOB của Singapore hồi 2014, nhưng đùng một cái, thương vụ này cũng được thông báo chính thức thất bại. Cựu Tổng giám đốc GPBank đã lý giải rằng do hai bên “có duyên mà chưa có phận”, rằng “do lợi ích quốc gia và của GP.Bank chưa được đối tác đánh giá hợp lý nên thương vụ chưa thành công”. Và rồi, GP.Bank bị NHNN mua lại bắt buộc giá 0 đồng do âm vốn nặng.

Thực tế cho thấy, các ngân hàng sau M&A nhìn chung đều hoạt động ổn định, chất lượng tài sản được tăng cường, các chỉ số an toàn đều được cải thiện. Trong kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2, NHNN vẫn tiếp tục khuyến khích các ngân hàng thực hiện M&A. Tuy nhiên, không chỉ ngân hàng mà trong lĩnh vực nào cũng vậy, không phải cứ muốn là sẽ được, tưởng sẽ như vậy mà cũng chưa chắc đã như vậy. Các thương vụ góp vốn hay mua bán, sáp nhập muốn thành công phải có sự tìm hiểu lẫn nhau kỹ càng và được sự đồng thuận ủng hộ của các cổ đông.

Theo Trí Thức Trẻ