Chiến lược Môi giới chứng khoán – Nghề của mâu thuẫn và thiếu thốn...

Môi giới chứng khoán – Nghề của mâu thuẫn và thiếu thốn niềm tin?

8
Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của thị trường, nghề môi giới cũng thể hiện là nghề vô cùng khắc nghiệt, và tính chất đào thải rất cao, không nhiều môi giới có thể trụ lại được với nghề trong 1-3 năm đầu tiên.


Ảnh minh họa

Ở Việt Nam nghề môi giới là nghề mới hình thành được khoảng 13 năm trở lại đây, so với các thị trường tài chính lâu đời như ở Mỹ, Anh… thì nghề môi giới ở Việt Nam vẫn chỉ được coi là nghề khá mới và non trẻ.

Năm 2006-2007 thị trường chứng mới bắt đầu được biết đến khi dòng tiền đổ vào thị trường rất mạnh mẽ, khi đó môi giới rất ít, chủ yếu hoạt động trên thị trường OTC, với nghiệp vụ chính là đặt lệnh giao dịch tại quầy và gọi điện thoại cho khách hàng, đây được coi là thời hoàng kim của nghề môi giới vì khi đó khách hàng phải xếp hàng cho tiền để nhờ nhân viên môi giới đặt lệnh.

Từ 2009 thị trường chứng khoán bắt đầu hồi phục, và các công ty chứng khoán bắt đầu tập trung phát triển đội ngũ môi giới để chiếm lĩnh thị trường, các tiêu chuẩn về nghề bắt đầu được nâng lên, đội ngũ môi giới từ vài trăm người tăng lên hàng nghìn người, và dần được thừa nhận như một nghề chính thống. Ngoài lương cứng 4-6 triệu/tháng thì nhân viên môi giới còn được hưởng các mức hoa hồng theo từng mức doanh số do mỗi công ty chứng khoán ấn định.

Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của thị trường, nghề môi giới cũng thể hiện là nghề vô cùng khắc nghiệt, và tính chất đào thải rất cao, không nhiều môi giới có thể trụ lại được với nghề trong 1-3 năm đầu tiên. Những quan điểm dưới đây do một số môi giới chia sẻ.

Nghề của những sự mâu thuẫn

Môi giới là công việc có tính mâu thuẫn, vì phải đứng giữa quyền lợi của khách hàng và thu nhập của bản thân. Ai cũng muốn là khách hàng có lãi còn mình có phí, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy trên cái thị trường chứng khoán này.

Sức ép về doanh số khiến môi giới phải liên tục đưa ra các khuyến nghị mua bán cho khách hàng, ép khách hàng phải trading để nhằm thu phí. Khi thị trường uptrend thời kỳ easy-money người ta nói đến những điều rất màu hồng, chúng ta nói đến những buổi tụ tập ăn uống, tung hô nhau nhưng với những người trong nghề môi giới họ phải sống ngay cả những lúc thị trường downtrend, việc trading và mua bán trong một thị trường đi ngược xu thế luôn là một khó khăn với người môi giới, vì càng giao dịch càng thua lỗ.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột” khi khách hàng lỗ thì áp lực đổ dồn lên người môi giới, họ có thể gọi điện quát mắng thậm chí còn doạ đánh trong trường hợp lỗ quá nặng do môi giới khuyến nghị vào những mã “đánh bạc”, cổ phiếu sàn liên tục, chất sàn không ai mua, như một hình thức “tử hình tiền bạc” của họ vì họ chỉ biết nhìn những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ ra đi mà bất lực (do cổ phiếu mất thanh khoản).

Người môi giới sẽ phải chịu áp lực “gỡ” lại tiền cho khách hàng, nhưng việc “gỡ” lại tiền trên thị trường chứng khoán nói dễ nhưng làm rất khó. Bởi vì nếu có thể “gỡ” dễ như vậy, thì khách hàng của họ đã không bị lỗ (vì gỡ được có nghĩa là anh phải thắng). Do vậy, mới có thực trạng trên thị trường hiện nay là một khách hàng nhưng mở rất nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán, vì bản thân khách hàng họ không tin vào bất kỳ môi giới nào.

Môi giới là nghề thiếu thốn niềm tin

Đa số các môi giới khi khuyến nghị qua lại cho nhau thì luôn bị coi là “lùa gà”, “tìm người thế mạng”. Khi khuyến nghị cho người khác một cổ phiếu nào đó, thì môi giới hoặc người khác có thể nghĩ là anh, người thân của anh và khách hàng của anh đã gom trước cổ phiếu đó, và bây giờ cần hô hào tìm người mua để chốt lời. Nên không phải không có lý do mà nhiều khi môi giới sống lâu trong nghề họ thường vẫn hay nói “môi giới là nghề rất bạc”.

Nó “bạc” không những vì thiếu lòng tin ở những người đồng nghiệp, mà bạc vì khách hàng của họ. Khi cổ phiếu tăng – lãi khách hàng họ tung hô môi giới, cảm giác lúc đó môi giới nói gì cũng đúng cũng hay, khi cổ phiếu giảm họ lỗ họ nói môi giới “chém gió”, họ không muốn nghe những gì môi giới nói

Môi giới là nghề dễ phát sinh cái tôi

Cổ phiếu tăng hay giảm liên quan trực tiếp đến nhận định của bạn là đúng hay sai. Do vậy hiếm có ngành nghề nào mà tính đúng sai nó lại quan trọng đến như vậy, và vì tính đặc thù đúng-sai quá lớn nên chứng khoán là môi trường chứng dễ phát triển cái tôi. Môi giới khi đúng vài ba mã, họ chuyển sang tự tin, đúng thêm vài ba mã nữa lại thành tự kiêu.

Ngộ nhận là mình giỏi khi vớ được dăm ba mã tăng, nhưng chứng khoán là cuộc chơi đường dài, đúng sai một hai mã trong một vài giai đoạn của thị trường không nói lên điều gì cả. Đôi khi lúc tự tin nhất chính là lúc nguy hiểm nhất và nguy cơ mất tiền cận kề. Khi bạn đang đúng, sĩ khí của bạn rất hăng, và khi hào khí của bạn ngút trời như vậy chính là bạn đang tự tạo cho mình hàng rào ngăn bạn tiếp thu với những ý kiến phản biện trái chiều, ai nói gì cũng khó, và bạn không muốn nghe ai và nó có thể làm mờ mắt bạn. Khi đó bạn chỉ đi tìm kiếm những lý do và luận điểm để chứng minh là mình đúng. Và lúc thua đau nhất chính là lúc mà anh tự tin nhất.

Bạn có cảm thấy khi mình mới vào thị trường, bạn còn ham học hỏi, và chịu khó đi nghe người khác, nhưng sống lâu trên thị trường thêm mấy năm thì rất khó để bạn có thể nghe được một ai vì cái tôi của bạn quá lớn. Và cái tôi của bạn nó ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của khách hàng, nên nó phải được kiểm soát và kiềm chế.

Môi giới là nghề không có tính chất đối kháng, không phải là bạn đang phải chiến đấu với thị trường, hay các môi giớ khác mà bạn đang phải chiến đấu với chính mình, vượt qua được cái tôi của bản thân đặc biệt là lúc bạn thắng. Cái khó nhất của chứng khoán đó là lúc bạn thắng. Nhiều khi thắng còn nguy hiểm hơn thua vì đau quá người ta phải học cách để thắng nhưng thắng rồi rất khó để chế ngự được cái tôi.

Theo Trí Thức Trẻ