Chiến lược Ngành bán lẻ Mỹ rơi vào khủng hoảng

Ngành bán lẻ Mỹ rơi vào khủng hoảng

2
Các cơ sở bán lẻ của Mỹ đang trên đà lập kỷ lục về số cửa hàng bị đóng cửa trong năm nay. Đây là hệ quả tất yếu của việc xây dựng tràn lan suốt nhiều thập niên qua và sự lên ngôi của hình thức mua hàng trực tuyến.


Ảnh minh họa

Chỉ mới trong quần qua, chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ quần áo cho phụ nữ Bebe đã tuyên bố sẽ đóng cửa nốt 170 cửa hàng còn lại của họ và chuyển sang chỉ bán hàng trực tuyến. Còn chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ cho thiếu niên Rue21 thông báo kế hoạch đóng cửa 400 trong tổng số 1.100 cửa hàng.

Tính từ đầu năm nay tới hết ngày 6/4, số cửa hàng bị đóng cửa theo như thông báo là 2.880 điểm, trong đó có hàng trăm điểm bán hàng thuộc những chuỗi cửa hàng có quy mô toàn quốc như là Payless và RadioShack. Con số này cao gấp đôi số vụ cửa hàng bị đóng cửa của cùng kỳ năm ngoái.

Nếu cứ theo tốc độ như thế này, ước tính sẽ có 8.600 điểm bán hàng bị đóng trong năm nay, cao hơn cả con số của thời kỳ suy thoái 2008.

Tính tới thời điểm này của năm nay, ít nhất đã có 10 nhà bán lẻ, trong đó cả những tên tuổi khá nổi tiếng như hãng chuyên bán quần áo Limited Stores, dây chuyền bán đồ điện tử Hhgregg và chuỗi bán đồ thể thao Gander Mountain nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Con số này thực sự gây sốc nếu so với việc trong cả năm 2016 chỉ có 9 nhà bán lẻ nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành bán lẻ Mỹ có mầm mống từ cách đây gần 3 thập niên, thời điểm các nhà bán lẻ đua nhau mở cửa hàng mới để đáp ứng nhu cầu mua bán lu bù của những người tiêu dùng rủng rỉnh tiền. Mỹ có tỷ lệ diện tích cửa hàng bán lẻ tính bình quân đầu người cao nhất thế giới, cao gấp 6 lần tỷ lệ của nước Anh. Giới phân tích cho rằng các nhà bán lẻ Mỹ đã tạo ra bong bóng giống như bong bóng nhà ở, và giờ đây bong bóng đó nổ tung.

Sự tiện lợi của hình thức mua hàng trực tuyến cũng góp phần đáng kể vào sự sa sút của các cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, sự xuất hiện của Internet khiến người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá cả của các cửa hàng, đẩy các nhà bán lẻ vào tình thế phải cạnh tranh quyết liệt về giá. Năm ngoái, tỷ lệ lợi nhuận của các hãng bán lẻ giảm xuống còn 9% so với mức 10,5% của năm 2012, trong khi tỷ lệ lợi nhuận của thương mại điện tử trong cùng kỳ tăng từ 10,5% lên 15,5%.

Ngành bán lẻ Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường việc làm Mỹ với việc cứ 10 người Mỹ ở độ tuổi lao động thì có 1 người làm cho ngành này. Tuy trả lương thấp song ngành bán lẻ tuyển dụng lao động ở rất nhiều lứa tuổi, không cần tay nghề cao.

Do đó, việc các nhà bán lẻ đóng cửa hàng loạt cửa hàng và phá sản ở tốc độ cao chưa từng thấy kể từ thời suy thoái đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn người mất việc làm. Tính từ tháng 10 năm ngoái đến nay, đã có khoảng 89.000 nhân viên các cửa hàng mất việc – con số này còn nhiều hơn cả tổng số lao động làm việc cho ngành than của Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn các công nhân mỏ làm ví dụ về những người lao động chưa phục hồi sau cuộc suy thoái. Giờ đây, những người lao động trong ngành bán lẻ xem ra đang ngồi chung con thuyền với những công nhân mỏ vì cả hai nhóm lao động này đều khó có thể chuyển sang làm ở lĩnh vực khác.

Theo dự kiến, trong vài tháng tới sẽ có hơn 3.000 cửa hàng bị đóng cửa. Quy mô việc làm bị cắt giảm chưa được tiết lộ, song con số chắc chắn sẽ lên tới hàng chục nghìn người nữa. Đơn cử như chuỗi cửa hàng JCPenney sẽ đóng cửa 138 địa điểm và cho biết hệ quả là 5.000 người sẽ bị sa thải.

Theo tuổi trẻ