Chiến lược Thấy gì từ làn sóng start-up Trung Quốc đổ ra nước ngoài?

Thấy gì từ làn sóng start-up Trung Quốc đổ ra nước ngoài?

10
Có dự báo rằng vốn đầu tư của Trung Quốc sẽ dần chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển…


Ảnh minh họa

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài tranh giành từng miếng bánh thị phần tại thị trường đông dân của Trung Quốc, thì giới khởi nghiệp nước này lại không chỉ hướng tới thị trường nội địa, mà còn đang hình thành làn sóng mở rộng ra toàn cầu.

Tư nhân đang dẫn đầu

Hãng tin CNBC cho biết, các tên tuổi như Alibaba và Tencent hiện dẫn đầu xu thế này – được phát động bởi Chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích khu vực tư nhân mở rộng ra nước ngoài.

Đây là một thay đổi lớn, nếu nhìn lại giai đoạn trước đây, khi chủ yếu mới có các công ty quốc doanh lớn của Trung Quốc mở rộng hoạt động tại nước ngoài, thông qua mua bán sáp nhập.

Các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc thậm chí tập trung vào hoạt động ở nước ngoài từ giai đoạn đầu thành lập, dù thị trường nội địa vẫn có muôn vàn cơ hội.

“Trung Quốc là một thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, chúng tôi không hạn chế ở thị trường nào cả bởi những công nghệ và sản phẩm mới của chúng tôi sớm muộn cũng sẽ có ở nước khác”, Wang Mengqiu, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Zero Zero Robotics cho biết.

Tuy nhiên, “hoạt động tại Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng với chúng tôi”, Wang Mengqiu nói.

Kể từ khi thành lập năm 2014, Wang và đội ngũ của mình đã và đang hoạt động tại cả Trung Quốc và Mỹ. Sản phẩm đầu tiên của họ, flycam tự động, ra mắt và được bán trực tuyến trên toàn cầu từ năm 2016.

Mới đây, sản phẩm này đã xuất hiện tại các cửa hàng Apple tại Mỹ, Anh, Canada, Hong Kong và Trung Quốc. Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng Wang cho biết doanh số tại nước ngoài chiếm hơn 50% tổng doanh thu của công ty.

Ngoài mục tiêu lợi nhuận, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc xem việc tồn tại ở thị trường toàn cầu là phép thử với sức bền và năng lực của công ty.

Đơn cử là trường hợp của Ofo và Mobike với dịch vụ chia sẻ xe đạp mở rộng ra nhiều nước trên thế giới, ngoài Trung Quốc.

Công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ không gian làm việc Distrii mới đây cũng cho biết đã thuê hơn 5.500 m2 tại một tòa văn phòng ở trung tâm Singapore. Dự kiến, Distrii sẽ bắt đầu hoạt động tại đây vào đầu năm 2018.

“Mục tiêu của chúng tôi là đưa công ty lên sàn chứng khoán. Để phát triển và mang lại nhiều giá trị hơn, chúng tôi cần mở rộng ra nhiều thị trường mới. Việc mang sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế là “phép thử cuối cùng” cho giá trị của chúng tôi”, Tổng giám đốc Distrii, ông Hu Jing nói.

Tái định nghĩa “made in China”

CNBC nhận xét, xu thế vươn ra nước ngoài của giới khởi nghiệp đang giúp Trung Quốc nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế, đồng thời định nghĩa lại thương hiệu “made in China”, lâu nay vốn bị gắn liền với cái mác giá rẻ, chất lượng kém.

Làn sóng này cũng giúp Trung Quốc chứng tỏ với thế giới rằng nước này có thể đi đầu với những mô hình kinh tế mới, chứ không chỉ đơn giản mua lại cổ phần tại các công ty nước ngoài, theo đánh giá của ông Neil Wang, Tổng giám đốc Frost & Sullivan tại Trung Quốc.

“Điều này cũng giúp chứng tỏ rằng các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc với thương hiệu “made in China” cũng tiên tiến và thân thiện với người dùng”, ông Wang nói.

Ông cũng dự báo vốn đầu tư của Trung Quốc sẽ dần chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Đầu tư sẽ trải rộng trên các lĩnh vực từ bất động sản, sản xuất, khai khoáng, thực phẩm, đồ uống cho tới công nghệ thông tin, Internet và truyền thông…

Tăng trưởng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc cũng phần nào khẳng định vị thế là nước “xuất khẩu” vốn và công nghệ tiên tiến của nước này. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2016, đầu tư phi tài chính ra nước ngoài của nước này đạt 170,11 tỷ USD, tăng hơn 30 lần từ 5,5 tỷ USD năm 2004.

Theo hãng kiểm toán Ernst & Young, con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, bất chấp những chính sách kiểm soát dòng tiền mới đây của chính phủ.

“Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài nhằm theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng trung và dài hạn”, bà Loletta Chow, Giám đốc Toàn cầu Mạng lưới đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Ernst & Young nói.

“Với kế hoạch “một vành đai, một con đường” cùng các chiến lược nâng cao quyền lực mềm của chính phủ, doanh nghiệp nước này sẽ còn đầu tư nhiều hơn nữa ra nước ngoài, với dự báo tăng trưởng ở mức hai con số trong vài năm tới”.

Theo Vneconomy