Chiến lược Trong bão đóng cửa của The KAfe, Gloria Jean’s…, tại sao các...

Trong bão đóng cửa của The KAfe, Gloria Jean’s…, tại sao các chuỗi trà sữa như Ding Tea, Gong Cha…. lại bùng nổ dữ dội?

17
Tại sao một loại đồ uống không mới đã du nhập thị trường Việt Nam hơn 10 năm lại làm mưa làm gió thời gian gần đây? Chúng tôi xin phân tích một số lý do chính làm nên hiện tượng này.


Ảnh minh họa

Mấy ngày gần đây, tin tức về sự sụp đổ của không ít chuỗi cafe nổi tiếng đang khiến những người có ý định khởi nghiệp ngành đồ uống chùn tay. Và khi tử thần giăng lưỡi hái đến những chuỗi cà phê sang chảnh như The KAfe hay Gloria Jean’s thì thị trường đồ uống lại rộn ràng với sự nổi lên của hằng hà sa số các thương hiệu trà sữa.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 tới nay, các đô thị ở miền Bắc chứng kiến sự xuất hiện của khoảng hơn 170 thương hiệu trà sữa mới, cả tự mở lẫn mua nhượng quyền từ các đơn vị có tiếng.

Khác với làn sóng trà sữa các năm trước, năm nay chứng kiến sự nở rộ mạnh mẽ tại các tỉnh ngoài khu vực Hà Nội, đặc biệt ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh và Phú Thọ. Chỉ riêng tại Bắc Ninh, trong tháng 3 và 4 đã chứng kiến sự xuất hiện của hơn 30 thương hiệu trà sữa, bao gồm từ mô hình nhỏ dạng ki-ốt lẫn các quán có đầu tư tương đối về mặt bằng (15 – 20 bàn).

Dẫn đầu thị trường hiện nay vẫn là Ding Tea với hơn 100 điểm bán. Tiếp sau là những thương hiệu vốn đã xuất hiện lâu và khẳng định được chất lượng nhưng chưa mở rộng mạnh như Chatime, ChaGo, ChaChaGo. Các chuỗi nhượng quyền khác từ nước ngoài tuy khá mới nhưng cũng đang chiếm lĩnh một thị phần tương đối tại thị trường Thủ đô như Bobapop, Citea Fun, Blackball. Nhiều thương hiệu nổi tiếng từ thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đặt chân ra Hà Nội như GongCha, Trà Tiên Hưởng…

Tại sao một loại đồ uống không mới đã du nhập thị trường Việt Nam hơn 10 năm lại làm mưa làm gió thời gian gần đây? Chúng tôi xin phân tích một số lý do chính làm nên hiện tượng này.

1. Sự yêu thích của giới trẻ

Khác với trào lưu trà sữa các năm trước hướng đến “teen” là giới học sinh, sinh viên, giờ đây trà sữa đã thành thức uống của đông đảo dân công sở và các gia đình. Thế hệ 8x-9x của chục năm về trước giờ đây đã trưởng thành hơn, họ đã biết đến trà sữa từ xưa. Và nay khi đã lập gia đình, làm việc ở các tòa văn phòng, họ cũng chính là đối tượng khách hàng đông đảo của thức uống quen thuộc này.

Ở các thành phố lớn, chỉ cần đến bất cứ quán trà sữa nào có thương hiệu một chút, nhìn lượng khách trẻ, phần đa là sinh viên, học sinh, các cặp đôi trẻ tuổi, giới văn phòng (đặc biệt là nữ giới) tấp nập ra vào, shipper chạy đôn chạy đáo, là thấy được lượng cầu lớn như thế nào của loại hình kinh doanh này.

Một điều có thể nhiều người sẽ bỏ qua, đó là các thương hiệu trà sữa bắt “trend” của teen rất tốt – những người dùng chính của Instagram. Khác với cà phê, cốc trà sữa được design rất “teen”, rất bắt mắt khi chụp ảnh check in trên mạng xã hội.

Điểm qua Instagram của các thương hiệu cà phê và các thương hiệu trà sữa nổi tiếng sẽ thấy sự chênh lệch, giữa 1 bên là chụp quán và chụp món ăn được bài trí đẹp, còn các quán trà sữa thường chỉ tập trung vào hình ảnh dễ thương của cốc trà và những hình ảnh rất “teen”, gần như “lờ” đi phong cách của quán. Điều này còn đem đến lợi thế về việc trang trí quán, sẽ nói ở mục 3.

2. Dễ giao hàng, mở rộng theo hướng ship rất nhanh

Với sự nở rộng nhanh của 2 đô thị lớn nhất TPHCM và Hà Nội trong thời gian vừa qua, các khu văn phòng cũng dần hình thành và có những khu vực ở rất xa trung tâm.

Nếu trước đây văn phòng hay tập trung ở khu lõi đô thị, nhân viên chỉ cần “bước 1 chân” xuống tòa nhà là hàng trăm quán xá trong khoảng cách 500m bủa vây, thì nay có nhiều khu mới và đồ ăn uống ưa thích không ở gần nữa. Cùng với sự phát triển của mảng dịch vụ giao nhận F&B, nhu cầu “ship” về văn phòng của các nhân viên công sở ngày một nhiều.

Thêm vào đó, thực đơn các quán trà sữa thường đơn giản và rất dễ chọn đồ. Trên thực tế, gần như toàn bộ các loại trà sữa đều hướng tới mục tiêu bán mang đi và giao hàng (take away).

Cốc trà sữa được thiết kế hoàn hảo để có thể yên vị trong túi giao hàng cả tiếng đồng hồ giữa giao thông hỗn loạn và đông đúc của đô thị. Đặc điểm này ít khi được chuỗi cà phê áp dụng, cốc cà phê cũng thường thiết kế với nắp vòm hở, thay vì dán nilon kín bưng như trà sữa. Trà sữa cũng thường được ướp lạnh (thay vì dùng đá lạnh như cà phê hay nước ép), bởi vậy sản phẩm không bị ảnh hưởng lớn trong quá trình vận chuyển, như cà phê hay các món đồ uống khác.

Việc mở rộng theo hướng giao hàng đã tiết kiệm nhiều chi phí và đem lại lợi nhuận lớn cho các quán trà sữa.

Vì những lý do trên và kết hợp sự yêu thích của khách hàng, nên các thương hiệu trà sữa thường nhận được lời mời đồng khuyến mại với một số doanh nghiệp đang tập trung dịch vụ giao hàng ngành F&B như DeliveryNow hay Ahamove.

3. Chi phí thấp hơn

Dù so sánh cụ thể với các loại đồ uống khác khá khó, nhưng xét tổng quát, giá thành sản xuất trà sữa thấp hơn so với các loại đồ uống khác. Nguyên liệu chủ yếu là bột trà sữa, hương liệu và các loại topping. Nguyên liệu cũng không phải ở dạng tươi (như nước ép hay sinh tố) nên dễ bảo quản và sử dụng hơn.

Menu các quán trà sữa đa phần cũng đơn giản hơn quán đồ uống, ăn vặt khác, thường chỉ có các loại trà và một số loại đồ uống đá xay. Kết hợp với điều trên nên các quán trà sữa có điều kiện nhập nhiều nguyên liệu một lúc và tập trung, càng giúp giá thành được tiết giảm đi nhiều.

Nếu để ý một chút, có thể thấy đa phần các quán trà sữa khi khai trương thường khuyến mại mua 1 tặng 1, trong khi các loại đồ uống khác có thể chỉ giảm tới 20% – 30%. Điều này một phần do sự cạnh tranh nội bộ ngành, nhưng nó cũng phản ánh các chủ quán trà sữa dễ thở hơn nhiều về chi phí.

Một yếu tố ảnh hưởng tới chi phí của các quán trà sữa là chi phí thuê mặt bằng và trang trí. Trong khi hầu hết các loại đồ uống ở phân khúc trung và cao cấp đều phải trang trí đẹp, view ổn, vị trí tốt thì nhu cầu này với các quán trà sữa lại không cao như vậy.

Là bởi, người dùng tới với trà sữa chủ yếu vì chất lượng đồ uống hơn là không gian. Lượng bán take away với mặt hàng trà sữa cũng khá lớn, nên nhu cầu về mặt bằng không quá cao. Ngay cả các thương hiệu lớn nhất ngành trà sữa như Ding Tea hay Gong Cha thì quán cũng khá nhỏ, chật chội và trang trí bình thường. Vị trí của các quán trà sữa thì thường tập trung ở khu đông dân cư, đôi khi ngõ ngách chút cũng được.

4. Đồ cao cấp, giá hợp lí

Một vấn đề nữa cũng cần chú ý là các thương hiệu trà sữa vào Việt Nam ngày càng nhiều và đang toả sáng ở phân khúc cao cấp.

Phổ giá trà sữa nói chung hiện dao động khá rộng, từ 15 ngàn đồng đến vài chục ngàn/ly, tùy thương hiệu. Các thương hiệu trung và cao cấp giá khoảng 30-50 ngàn đồng/ly. Việc mix thêm vị theo nhu cầu của khách hàng (trân châu, thạch hay pudding…) cũng có thể đẩy giá cao thêm. Mức giá lúc này có thể lên đến 60 – 80 ngàn đồng/ly, cũng chẳng thua kém đơn vị đồ uống cao cấp nào cả. Tuy nhiên, dải giá linh hoạt vẫn tỏ ra hợp lí với túi tiền của số đông khách hàng trẻ. Bởi vậy, lượng bán hàng ở các chuỗi cao cấp vẫn rất cao và thường xuyên xuất hiện cảnh khách hàng hay shipper xếp hàng dài chờ nhận đồ.

Những thương hiệu trà sữa thuộc phân khúc cao như Gong Cha, R&B, Koi Thé, Ding Tea có thể là một trong số những nguyên nhân nhấn chìm The Kafe hay Gloria Jean’s. Bởi nếu xét chung, chỉ là một nơi để check in, sang chảnh thì chỉ có thể đến một vài lần rồi thôi. Trong khi nếu đến các quán trà sữa vì nhu cầu có đồ uống ngon thì khách hàng sẽ quay lại trà sữa hàng tuần.

Theo Trí Thức Trẻ