Chiến lược Ông già Vinaxuki, văn hóa thất bại, và chuyện tại sao Mỹ...

Ông già Vinaxuki, văn hóa thất bại, và chuyện tại sao Mỹ thành công còn các quốc gia khác thì không

236
Clotaire Rapaille tác giả của cuốn Culture Code từng nhận định nền văn hóa Mỹ mãi mãi vị thành niên. Ở đó, người ta chấp nhận những thứ mới, chấp nhận vấp ngã và sai lầm. Tân thế giới, để tồn tại, đã tạo dựng ra một thứ vũ khí mạnh mẽ.


Ảnh minh họa

“Tôi đã nói hết rồi, còn gì nữa đâu, mà người ta nói về tôi có ra gì đâu”, ông Bùi Ngọc Huyên, chủ công ty Vinaxuki nói như quát trong điện thoại. Nhưng rốt cuộc, ông cũng đồng ý gặp, trong 30 phút.

Hầu hết thời gian nói chuyện, ông Huyên giữ vẻ mặt căng thẳng và chỉ giãn ra khi nói về ô tô.

“Tôi mong muốn làm một chiếc xe giá hơn 200 triệu một chút để những người không có tiền cũng có phương tiện che mưa che nắng”

“Tôi yêu phương tiện này từ khi tôi là anh thanh niên 20 – 22 tuổi tham gia lái xe trên tuyến đường Bắc Trường Sơn. Xe hồi đấy nặng lắm, người thì bé, có những lúc bẻ cua, phải đứng hẳn cả người dậy mới lái được. Từ hồi đó, tôi đã nghĩ, muốn đất nước phát triển, phải có ô tô, nên tôi phải làm”.

“Câu tôi sẽ tiếp tục làm ô tô cho đến lúc chết hình như tôi đã nói, báo chí cũng đăng nhiều lần, giờ tôi vẫn khẳng định lại điều đó. Vợ tôi có một lần, lúc rất khó khăn, bảo ông già rồi, đừng cố nữa, để cho con nó làm, nhưng tôi gạt đi, sau đó bà ấy không bao giờ nói thêm gì. Bạn bè tôi cũng bảo không làm được nhưng tôi vẫn kiên quyết làm.”.

Ông Huyên chỉ vào bộ quần áo, đôi giày của mình, bảo “Toàn hàng Việt cả đấy, giờ còn thiếu cái xe ô tô nữa là được”.

Thất bại là điều cấm kỵ

John Sculley – cựu CEO Apple trong một lần gặp gỡ sinh viên Việt Nam năm 2012 đã tâm sự “Những quốc gia thành công có được ngày nay là nhờ việc đứng dậy sau những thất bại. Không có cái giá nào được coi là đắt khi bạn vấp ngã. Quan trong trọng là bạn học được những gì, rút ra được những gì và chắc chắn sẽ không thất bại thêm một lần nào vì những lý do tương tự”.

Chung Ju Yung, người sáng lập tập đoàn Hyundai cũng đã viết điều tương tự trong cuốn hồi ký được xuất bản tại Việt Nam: “Tôi nghĩ cuộc đời không có thất bại. Không xem điều gì đó là thất bại thì đó không phải là thất bại. Tất cả chỉ đang là thử thách”.

Những điều trên không phải là điều mới mẻ và dường như chỉ mang tính lý thuyết, còn thực tế, thất bại luôn là một điều cấm kỵ đối với người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Billi P.S.Lim – nhà sáng lập Viện IHK chia sẻ “chúng ta đánh giá người khác thông qua những thành tựu mà họ đạt được, chúng ta đánh giá cao sự thành công và đánh giá thấp, thậm chí không thèm nhìn nhận sự thất bại”.

Ông Bùi Ngọc Huyên có thể là một ví dụ điển hình, theo một khía cạnh nào đó. Bởi lẽ, ông đã bị truyền thông “tận thu” ở khía cạnh “ông già gàn dở”, “thất bại và cố chấp”. Và rồi, chiếu theo lăng kính đó, câu chuyện kinh doanh của ông đã trở nên nặng nề, áp lực hơn. Điều này phần nào đã khiến ông trở nên thận trọng và khó chịu, như ông chia sẻ trong cuộc gặp.

Vì sao Mỹ thành công mà các quốc gia khác lại không?

Ấn Độ từng có những cuộc tranh luận rằng tại sao không thể tìm thấy được những CEO tầm cỡ ngay tại quê hương, tại sau người Ấn chỉ trở nên “tầm cỡ” khi đến Mỹ?

Ông John Sculley về sau có nhắc đến điều này. Đó là ở Ấn Độ, không có một thứ mà người Mỹ có – Văn hóa thất bại.

Điều đó lý giải vì sao những người Ấn, và không chỉ riêng người Ấn, khi làm việc trong môi trường Mỹ lại trở nên thành công. Bởi ở quốc gia này có một vũ khí cạnh tranh cực mạnh, giúp họ trở thành cường quốc trong thời gian ngắn ngủi, chính là văn hóa thất bại của họ.

Nếu như ở Ấn hay nhiều quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á, khi thử nghiệm những gì mới, dường như người thực hiện phải một mình chịu áp lực và định kiến của cả xã hội. Và khi thất bại, chỉ trích và áp lực còn nhân lên rất nhiều lần.

Nguyên nhân cho thất bại là rất nhiều. Nhưng dường như việc đối diện với quá nhiều áp lực, định kiến đến từ xã hội mới là điều khiến cho người thực hiện mệt mỏi, muốn từ bỏ.

Trong khi đó, ở Mỹ, người ta xem thất bại là chuyện bình thường. Ở đây, người ta nói nhiều hơn về những cuốn sách có nội dung “Dare to fail” – (Dám thất bại). Đó là Thomas Edison với 10.000 thí nghiệm để phát minh ra bóng đèn điện. Ông già KFC Harland Sanders thất bại rồi lại khởi nghiệp ở tuổi 60,…

Không như ở các quốc gia khác, thất bại dường như không phải là thứ bị xa lánh, mà người Mỹ rất biết cách để cổ vũ, khuyến khích cho thất bại, đến nỗi nó là cả 1 nền văn hóa của họ.

Chính thứ văn hóa này đã tạo ra được những đế chế thành công như người ta nhìn thấy ở ngày hôm nay: là Microsoft, Apple, Facebook hay Tesla…

Hơn cả thế, văn hóa này sẽ tạo ra một hệ sinh thái tiếp tục ủng hộ, động viên những phát minh, thử nghiệm mới, những đổi thay thực sự.

Tất nhiên, thứ văn hóa này không dễ để học tập, bởi lẽ nó thuộc về căn tính của người Mỹ. Như Clotaire Rapaille, tác giả của Culture Code lý giải, mật mã của văn hóa Mỹ xuyên suốt là “mãi mãi vị thành niên”. Nó được biểu lộ vào việc khát khao những thứ mới lạ, chấp nhận sự thách thức, mang niềm tin mãnh liệt rằng luôn có cơ hội thứ 2 để sửa chữa lỗi lầm. Dù vậy, ở một khía cạnh nào đó, văn hóa có tính lan tỏa, mọi người có quyền thử và dần thay đổi.

Trở lại câu chuyện ở Việt Nam, hơn 1 năm qua, khởi nghiệp là một cụm từ được nhắc đến với quyết tâm mạnh mẽ. “Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp” là mục tiêu của Chính phủ.

Khi nói về khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng phát biểu: “Chúng ta cần học văn hóa chấp nhận thất bại và rủi ro. Khởi nghiệp là cuộc chơi dành cho những người dũng cảm”.

Nhưng quyết tâm của những người đứng đầu, sẽ khó trở thành hiện thực, chừng nào chúng ta chưa thôi nói về những người như ông Bùi Ngọc Huyên với thái độ kém trân trọng, chừng nào chúng ta chỉ biết tôn vinh duy nhất những người đã may mắn thành công… Văn hóa thất bại là biết chấp nhận và vượt qua những định kiến, vốn tồn tại bám rễ trong căn tính.

Theo trí thức trẻ