Chiến lược Bất động sản lên hương, nhà thầu xây dựng nhanh chân chuyển...

Bất động sản lên hương, nhà thầu xây dựng nhanh chân chuyển sang làm ông chủ

11
Bình luận về việc các DN nhà thầu tích cực thâu tóm các dự án bất động sản, một chuyên gia cho rằng các DN cần cân đối dòng tiền, tránh việc tham mua nhiều dự án. Khi nguồn lực bị phân tán, không hoàn thành được dự án, không có hàng bung ra thị trường, sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh của DN.


Ảnh minh họa

Mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều DN là nhà thầu xây dựng đã vạch ra kế hoạch đầy tham vọng khi chuyển dịch sang đầu tư, kinh doanh bất động sản. Không chỉ các ông lớn như Coteccons, Hòa Bình mà nhiều doanh nghiệp xây dựng quy mô trung bình cũng theo xu hướng này. Thế nhưng, lợi thế chỉ thuộc về các DN thấu hiểu thị trường, có tiềm lực tài chính mạnh đủ sức thâu tóm dự án.

Dòng tiền khôn ngoan tìm đến thị trường “nóng”?

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Licogi 13 (mã LIG – HNX), một trong những thông tin nổi bật là DN này hợp tác với đối tác triển khai đầu tư Tòa nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng, chung cư Green Diamond trên diện tích đất vàng 2.676 m2, bao gồm 25 tầng nổi và 3 tầng hầm tại địa chỉ 149 Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng mức đầu tư 428 tỷ đồng . Mọi thủ tục đang được hoàn tất, LIG dự kiến khởi công dự án này vào Quý IV/2017.

Trước đó, gần 10 dự án bất động sản trên các thị trường sôi động như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam… được DN này thâu tóm tạo nên một quỹ đất có thể triển khai trong khoảng thời gian ít nhất 4 – 5 năm tới. Một số dự án đang được LIG đẩy mạnh xây dựng như: Dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) với diện tích hơn 38 ha, quy mô 1.422 căn hộ. Một dự án được kỳ vọng mang lại doanh thu lớn vào cuối năm 2017 đầu 2018 là Hội An Green Vilalage (tên quy hoạch là Khu Dân cư Du lịch và Dịch vụ Cầu Hưng – Lai Nghi) với quy mô 109 ha nằm liền kề phố cổ Hội An, thuộc tuyến đường Du lịch Đà Nẵng – Hội An.

Một ông lớn khác trong lĩnh vực nhà thầu là Tổng công ty CP XNK Xây dựng Việt Nam ( VCG ) cũng đặt ra tham vọng cho việc phát triển bất động sản trong thời gian tới. Vốn không xa lạ trong lĩnh vực bất động sản nhưng VCG đã trải qua thời gian dài từ 2012 đến 2016 vật lộn tái cấu trúc. Sau khi thoái vốn ngoài ngành khỏi các lĩnh vực tài chính, xi măng DN đặt trọng tâm vào xây lắp và bất động sản. VCG cho biết đã phát triển thành công nhiều dự án mới theo hình thức mua bán lại DN. Năm 2016 mặc dù chưa có sản phẩm nhưng cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý để bán hàng trong năm 2017, tái cấu trúc dự án Bắc An Khánh và tìm kiếm các dự án mới tại Tp Hồ Chí Minh, Nha Trang, Lào Cai.

Là một DN thuộc hệ thống của Vinaconex trước đây, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp, đến nay CTCP Xây dựng số 3 ( VC3 ) cũng giảm dần mối quan tâm với hoạt động truyền thống. Tại ĐHĐCĐ năm 2017, lãnh đạo VC3 cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh mua bán doanh nghiệp, M&A nhằm có thêm quỹ đất thực hiện dự án và phát triển thêm ngành nghề.

Việc chuyển hướng sang bất động sản của các DN nhà thầu được giới đầu tư giải thích: Kinh tế có dấu hiệu thoát đáy, thị trường bất động sản hồi phục nên kỳ vọng sinh lời lớn từ lĩnh vực này. Động thái của các nhà thầu xây dựng cho thấy sự vận động của dòng tiền khôn ngoan trong việc nắm bắt cơ hội.

Cẩn trọng khi nguồn lực bị phân tán

Theo báo cáo tài chính Quý I/2017 của VC3, riêng lĩnh vực bất động sản đóng góp 168,2 tỷ đồng, chiếm 95% tổng doanh thu, tăng hơn gấp 3 lần quý 1/2016 (50,78 tỷ đồng). Năm 2017, DN này đặt kế hoạch trên 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong năm nay, VC3 sẽ triển khai dự án tòa nhà văn phòng, cho thuê tại 389 Đê La Thành và phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng.

Vinaconex cũng có Quý I tăng trưởng ấn tượng với lãi hợp nhất đạt 148 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ 2016, trong đó có đóng góp không nhỏ từ mảng bất động sản.

Đối với LIG, năm 2017, LIG cũng đặt trọng tâm doanh thu và lợi nhuận đến từ kinh doanh bất động sản. Ông Phạm Văn Thăng, Tổng giám đốc LIG cho biết, năm 2017 đặt mục tiêu 86 tỷ đồng lợi nhuận bao gồm một số khoản đầu tư thực hiện trong năm 2016 đến nay đã đủ cơ sở để hạch toán với lợi nhuận 15 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án bất động sản như Dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hội An Green Vilalage đảm bảo tiến độ bàn giao, mang lại doanh thu và lợi nhuận vào Quý IV. Tại dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, Công ty đang triển khai giai đoạn 1 với gần 500 căn hộ trong đó có 360 căn nhà ở xã hội, 48 căn nhà ở thương mại và 72 căn cho thuê. Với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng, đến nay 50% căn nhà ở xã hội đã được khách hàng đặt mua, dự kiến đến cuối năm sẽ bán hết. Đối với nhà ở thương mại, hiện Licogi 13 đang đàm phán với đối tác để bán cả lô 48 căn.

Ngoài mảng bất động sản, ông Thăng cho biết, Licogi 13 tích cực hoàn tất thủ tục chuyển nhượng ít nhất 3 khoản đầu tư, đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2017.

Dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang cho thấy một bức tranh tươi sáng, nhưng bình luận về việc các DN nhà thầu tích cực thâu tóm các dự án bất động sản, một chuyên gia cho rằng các DN cần cân đối dòng tiền, tránh việc tham mua nhiều dự án. Khi nguồn lực bị phân tán, không hoàn thành được dự án, không có hàng bung ra thị trường, sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh của DN.

Theo trí thức trẻ