Chiến lược Những bí mật đen tối của ngành thời trang “ăn liền”

Những bí mật đen tối của ngành thời trang “ăn liền”

13
Thuật ngữ thời trang “ăn liền” ám chỉ dòng quần áo bình dân, dựa trên các thiết kế trên sàn catwalk và được các hãng bán lẻ sản xuất hàng loạt với giá tầm trung.


Ảnh minh họa

Cách đây 4 năm, 1134 công nhân ngành may đã thiệt mạng trong một tai nạn sập nhà máy tại vùng ngoại ô ngoài Dhaka, Bangladesh. Những người sống sót cho biết họ cảm thấy như vừa trải qua một trận động đất: những tiếng động lớn và các âm thanh nứt vỡ vô cùng đáng sợ; sàn nhà rung lắc ngay dưới chân; các xà bê tông và cột trụ đổ sụp còn toà nhà tám tầng tưởng như muốn nổ tung” – Jim Yardley đã viết như vậy trên tờ Thời báo New York. Những vết nứt đã xuất hiện trên các cột trụ của toà nhà vào ngày hôm trước nhưng các ông chủ nhà máy vẫn ép công nhân phải vào bên trong toà nhà để làm việc.

Đây chính là vụ tai nạn công nghiệp lớn nhất trên thế giới trong 30 năm qua. Các nhà bán lẻ thời trang ‘ăn liền’, gồm Benneton, The Children’s Place và Mango đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố rằng, họ không có mối liên hệ nào với nhà máy này. Tuy nhiên, trong những tuần tiếp theo, các phóng viên đã phát hiện ra rằng, thực tế Benetton, The Children’s Place, Mango, và một loạt các thương hiệu khác, kể cả Zara, Walmart, C&A, Carrefour, Joe Fresh, và KiK đều đang sản xuất sản phẩm trong các nhà máy ở Rana Plaza. Vào ngày 30 tháng 4 vừa qua, Thời báo New York tiết lộ một trong những nhà máy nằm trong khu liên hợp là New Wave đã sản xuất gần 55 tấn quần áo cho hãng The Children’s Place trong 8 tháng trước.

Đây chính là một bí ẩn lớn trong chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay. Tại sao các doanh nghiệp thời trang có thương hiệu, được đánh giá cao trên thị trường lại chẳng hề hay biết gì tới nơi thực sự tạo ra các sản phẩm của họ ?

Để trả lời câu hỏi này, tôi đã thực hiện chuyến hành trình đầu tiên trong loạt sáu chuyến đi tới Bangladesh vào tháng 7/2013. Tôi đã gặp nhiều ông chủ, người đại diện nhà máy của các thương hiệu thời trang, các nhà hoạt động thương mại, quan chức chính phủ, chủ tịch hiệp hội thương mại của các nhà sản xuất may mặc, luật sư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế và Đại sứ quán Mỹ.

Và rồi sự thật cũng sáng tỏ: không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu lại tỏ ra mơ hồ về chính chuỗi cung ứng của họ. Mọi người miêu tả với tôi về một “bí mật mở” của hợp đồng phụ. Chính điều này đã khiến nhiều nhà máy sản xuất không thể gặp được các chủ thương hiệu. Trong hệ thống sản xuất may mặc, các thương hiệu đặt hàng với các nhà máy “trục”, sau đó, các nhà máy “trục” sẽ phân phối sản phẩm cho một loạt các nhà máy “nan hoa”. Các thương hiệu chỉ biết nhà máy “trục” chứ không gặp người đại diện hay các công nhân tại các nhà máy “nan hoa”.

Lý do Benetton, Mango và Joe Fresh phủ nhận việc họ có sản phẩm ở Rana Plaza là vì họ dường như không đặt hàng trực tiếp với các nhà máy đó. Thay vào đó, họ làm việc với các cơ quan trung gian hoặc đặt hàng với nhà máy “trục”, nơi sử dụng một trong những nhà máy ở Rana Plaza là nhà máy “nan hoa”. Khi Benetton viết trên Twitter rằng, các nhà máy để xảy ra tai nạn không phải là nơi cung cấp hàng hoá cho Benetton Group hay các chi nhánh của hãng. Điều này có lẽ đúng vì công ty của họ chỉ làm việc với các nhà máy “trục” mà thôi. Vấn đề nằm ở chỗ một lượng đáng kể hàng hoá lại được sản xuất tại các nhà máy “nan hoa”, nơi các công nhân thường phải lao động trong các điều kiện tồi tệ để giảm bớt chi phí cho ông chủ.

Một thời gian sau khi tôi đăng bài báo cáo dài về hợp đồng phụ trong chuỗi cung ứng quần áo, tôi đã có cuộc nói chuyện với một nhóm các nhà buôn thời trang ở quy mô trung bình tại New York. Tôi đã hỏi hơn 100 người mua tham dự buổi gặp mặt để xem liệu điều này có đúng hay không: các nhà máy lớn thuê lại các nhà máy kém chất lượng, có quy mô nhỏ hơn và đang nằm ngoài sự giám sát hoặc kiểm tra về mức độ an toàn lao động. Hai thương nhân đầu tiên giơ tay phản đối và nói rằng, các công ty của họ có nguyên tắc hoạt động rất nghiêm ngặt và những điều tôi nói sẽ không bao giờ xảy ra trong chuỗi cung ứng của họ. Tuy vậy, người thứ ba, một phụ nữ ngồi ở hàng ghế phía sau lại trình bày rất rõ ràng rằng, “Đúng vậy, đó chính xác là cách thức hoạt động của các công ty – nhưng chúng tôi buộc phải làm ngơ trước thực trạng đó”.

Bốn năm sau sự cố ở Rana Plaza, ngành công nghiệp may mặc ở Bangladesh vẫn còn ở rất xa các tiêu chuẩn về an toàn và tính bền vững. Tất cả nỗ lực nhằm đạt đến mức tiêu chuẩn trong bốn năm sau đó đều hướng trực tiếp vào việc đổi mới các nhà máy “chất lượng kém” thông qua hoạt động kiểm tra, phê bình trước công chúng, và đe doạ đóng cửa doanh nghiệp. Nhưng những biện pháp này vẫn không mang lại nhiều kết quả. Chính vì vậy, có lẽ đã đến lúc phải thực hiện một chiến lược khác: tập trung vào chính các thương hiệu. Ngành công nghiệp thời trang ‘ăn liền’ đang bùng nổ và phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khách hàng và nhà đầu tư thực sự thích các công ty có nhân công giá rẻ, trình độ công nghệ thấp mà Bangladesh đang có thừa.

Vậy một công ty thời trang ‘ăn liền’ tốt đối xử với công nhân của mình ra sao? Tôi có một số đề nghị như sau. Đầu tiên, công ty đó cần có một chuỗi cung ứng ổn định, coi trọng mối quan hệ lâu dài với các nhà máy cung cấp. Công ty đó biết nơi sản xuất các sản phẩm của họ, điều này có nghĩa là họ không phải thông qua nhiều lớp đại lý trung gian để đặt hàng. Số tiền họ trả cho các nhà cung cấp này sẽ đủ để trang trải một mức lương tươm tất và các điều kiện an toàn cho công nhân. Nếu có cửa hàng bán lẻ ở Mỹ và châu Âu thì công ty cũng phải trả lương cho những người công nhân một cách công bằng và không lạm dụng thời gian của họ một cách quá đáng. Cùng với đó, công ty phải luôn bảo vệ sức khoẻ cho cả lao động nam và lao động nữ.

Thời trang ‘ăn liền’ không nên gây tổn thương cho người khác. Ngành công nghiệp này có thể mang đến lợi ích cho người công nhân, người tiêu dùng và cả nhà đầu tư. Nhưng ngành thời trang ‘ăn liền’ vẫn còn một chặng đường dài để bước tiếp – và người tiêu dùng có thể thúc đẩy ngành công nghiệp này đi đúng hướng. Khi chúng ta mua sắm, chúng ta luôn cân nhắc các yếu tố như sự thuận tiện, phong cách và giá cả. Việc chú ý đến cách các công ty đối xử với công nhân của họ cũng nên là một phần trong việc đưa ra quyết định mua hàng. Tuần này, khi bạn đi mua sắm, bạn hãy hỏi về nơi sản phẩm được sản xuất, không những tên quốc gia trên mác sản phẩm mà còn là tên nhà máy sản xuất hàng hoá đó. Hãy để các công ty biết rằng, với tư cách là một người tiêu dùng, bạn đang trả tiền cho những người đứng đằng sau nhãn hiệu bạn yêu thích.

Bài viết thể hiện quan điểm của Sarah Labowitz, Đồng sáng lập Trung tâm Kinh doanh và Nhân quyền, Trường Đại học NYU Stern.

Theo trí thức trẻ