Chiến lược Chiến tranh tiền tệ thời hiện đại và chuyện cánh bướm châu...

Chiến tranh tiền tệ thời hiện đại và chuyện cánh bướm châu Phi làm chao đảo niềm tự hào Việt Nam

11
Hiệu ứng cánh bướm (butterfly effect) là cách gọi dùng để mô tả một sự thay đổi nhỏ có thể dẫn tới hệ quả vô cùng lớn. Một cánh bướm đập ở Brazil có thể là điểm khởi đầu của một chuỗi sự kiện phức tạp hình thành nên siêu bão ở Texas, cách đó hàng chục nghìn km.


Ảnh minh họa

Và cánh bướm đập ở Mozambique đã làm chao đảo niềm tự hào của Việt Nam theo cách đúng như thế.

Cánh bướm đập ở Mozambique

Cuối năm 2012, Mozambique ở đỉnh cao hy vọng khi 4 trên 5 phát hiện lớn nhất trong cùng năm của thế giới về trữ lượng dầu khí chưa khai thác là ở quốc gia này.

Tổng trữ lượng khí ở các mỏ gần bờ ước tính nằm trong khoảng 100-180 ngàn tỷ feet khối khí (tương đương khoảng 2.832-5.097 tỷ mét khối khí), đứng vị trí số 3 ở châu Phi sau Nigeria và Algeria, đủ đảm bảo nguồn cung cho Đức, vương quốc Anh, Pháp và Italia trong vòng 2 thập kỷ. Trữ lượng khí khổng lồ này khiến cho các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới như Exxon Mobil, Royal Dutch Shell, Eni, Anadarko Petrolem, Rosneft… vô cùng thèm muốn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng sẽ có khoảng 100 tỷ đô la Mỹ sẽ được rót vào hạ tầng khai thác dầu khí tại Mozambique, biến Mozambique thành đại gia xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng và tạo ra một cơ hội phát triển kinh tế khổng lồ.

Nhìn thấy trước nguồn tiền sẽ đổ vào ngành dầu khí, chính phủ tiền nhiệm ở Mozambique đã “bí mật” huy động 2 tỷ USD từ nước ngoài qua 3 doanh nghiệp nhà nước mà không công bố, trên danh nghĩa là để đầu tư vào dịch vụ đóng tàu, bãi cảng phục vụ khai thác dầu khí, tàu đánh cá. Khoản nợ tương đương 15% GDP này không qua mặt nổi các tổ chức tài chính quốc tế đang tài trợ cho Mozambique. IMF, Ngân hàng thế giới và các nhà tài trợ khác đã tuyên bố dừng các gói hỗ trợ tài chính cho tới khi nào chính phủ Mozambique phải thừa nhận, cho phép thực hiện kiểm toán độc lập và chính thức công khai khoản nợ này.

IMF đẩy quân cờ Domino đầu tiên, nỗi hoảng loạn của giới tài chính, các chủ nợ và dân chúng làm nốt phần còn lại. S&P Global Ratings hạ mức xếp hạng của Mozambique từ B- xuống CCC, Fitch hạ xuống mức CC với cảnh báo mất khả năng trả nợ.

Từ mức hơn 30 Metical đổi 1 USD đầu năm 2015, đồng nội tệ Mozambique lao dốc phi mã xuống mức đáy 78,45 Metical đổi 1 USD vào tháng 10/2016 (thực tế trên thị trường chợ đen là hơn 90 Metical đổi 1 USD, mất giá hơn 200% trong vỏn vẹn chưa đầy 2 năm). Ở thời điểm hiện tại tỷ giá đã hạ nhiệt, gần 60 Metical đổi 1 USD.

Có nằm mơ chính phủ Mozambique có lẽ cũng không tưởng tượng nổi hậu quả của việc vay nợ này lại khủng khiếp đến như vậy. Lời nguyền tài nguyên tới quá nhanh, theo cái cách không ai hình dung nổi.

Tuy nhiên, có vẻ như Mozambique đã le lói thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, tất nhiên kèm keo những đánh đổi về lợi ích. Việc kiểm toán theo yêu cầu của IMF đã được tiến hành bởi Kroll ( www.kroll.com ), kết quả kiểm toán sau nhiều lần xin gia hạn đã được hoàn tất, gửi cho Văn phòng Bộ trưởng Bộ tư pháp vào ngày 12/05/2017 và có thể sớm công bố cho đại chúng. IMF tuyên bố chấp thuận đàm phán nối lại tài trợ “có điều kiện” để thực hiện việc tái cơ cấu nợ.

Không phải ngẫu nhiên IMF để ngỏ khả năng nối lại tài trợ. Thấp thoáng ở đây bóng dáng một cuộc chiến tiền tệ của tư bản phương Tây, đẩy một quốc gia nghèo vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính tiền tệ. Không khó để đoán trước bước ra khỏi cuộc chiến này ai là người chiến thắng. Ngày 07/12/2016, quốc hội Mozambique đã chấp nhận sửa đổi các hợp đồng khai thác, sản xuất khí LNG với Anadarko (Mỹ) và Eni (Italia). Theo đó chính phủ Mozambique sẽ nhượng lại quyền của mình đối với sản lượng đầu ra trong các dự án này, qua đó Anadarko và Eni sẽ có toàn quyền đối với đầu ra của các dự án khí LNG. Anadarko và Eni cam kết sẽ sớm đầu tư để khai thác Lô 1 và 4 tại bể Rovuma (Rovuma basin), cùng với đó là lượng ngoại tệ “cứu sinh” sẽ được rót vào Mozambique.

Để lượng hóa cái giá phải trả của Mozambique, có thể tham khảo giá trị của thương vụ giữa Eni và ExxonMobil. Ngày 09/03/2017, ExxonMobil công bố mua lại 25% quyền khai thác ở Lô 4 của Eni với giá 2,8 tỷ đô-la Mỹ. Bất chấp giá dầu đang ở mức thấp, giao dịch này cho thấy quy mô các mỏ khí của Mozambique lớn đến mức nào.

Cùng với những động thái mới từ các nhà tài trợ, lạm phát ở Mozambique đã có dấu hiệu tạo đỉnh và dự kiến giảm mạnh trong năm 2017. Tỷ giá cũng đang xoay chiều ấn tượng, đồng Metical hồi phục về mức 70 Metical đổi 1 USD đầu 2017, kể cả khi chính phủ tuyên bố mất khả năng trả nợ tạm thời. Tháng 5/2017, tỷ giá đã là 60 Metical đổi 1 USD, khả năng sẽ tiếp tục đảo chiều mạnh mẽ khi kết quả kiểm toán được công bố và chính phủ đạt được thỏa thuận mới với IMF và các chủ nợ nước ngoài, hứa hẹn một năm 2017 dễ thở hơn đối với người dân bản địa và cả những nhà đầu tư nước ngoài.

…Và ảnh hưởng ở Việt Nam

Năm 2016, Viettel Global – công ty phụ trách đầu tư nước ngoài của Viettel vốn điều lệ 22.438 tỷ (trong đó Viettel nắm giữ 98,68%), bất ngờ báo lỗ 3.475 tỷ, một con số gây sửng sốt khi số lượng thuê bao vẫn tăng trưởng ấn tượng. Kết thúc 2016, Viettel Global có 35 triệu thuê bao trên 9 thị trường quốc tế, xấp xỉ số thuê bao của Mobifone ở Việt Nam. Lý do là lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại các công ty con có dự án đầu tư nước ngoài của Viettel Global phát sinh trong năm 2016 là 3.065 tỷ (năm 2015 là 3.347 tỷ), tổng công ty đã phân bổ vào chi phí tài chính năm 2016 là 2.627 tỷ và năm 2015 là 1.104 tỷ. Tuy nhiên, nhờ kết quả hoạt động kinh doanh chính tốt, năm 2015 công ty vẫn có lãi.

Quy mô thuê bao xấp xỉ, nhưng bức tranh lợi nhuận hoàn toàn khác biệt. Năm 2016, Mobifone công bố lợi nhuận lên tới 5.204 tỷ đồng.

Mặc dù Viettel Global không công bố chính xác lỗ tỷ giá ở từng thị trường, nhưng chỉ cần xem biểu đồ tỷ giá giữa USD và MZN ở trên bạn có thể tự có câu trả lời cho riêng mình.

Mạng Movitel của Viettel Global ở Mozambique đang chiếm vị trí số 1 với 6,5 triệu thuê bao (cùng với Campuchia là 2 thị trường có số thuê bao lớn nhất của Viettel ở nước ngoài tới cuối 2016). Tuy nhiên đây cũng là thị trường khiến cho kết quả kinh doanh hợp nhất của tập đoàn này rơi vào cảnh “phú quý giật lùi” trong 2 năm gần nhất.

Ngoài nguyên nhân tỷ giá thì khoản lỗ ở Viettel Global còn do chi phí vận hành gia tăng tại các thị trường mới khai trương khi doanh thu chưa đủ lớn trong 1-2 năm đầu. Thành công vang dội về tăng trưởng thuê bao ở Tanzania, Burundi, Cameroon, tổng lượng thuê bao của Viettel Global cuối 2016 tăng hơn gấp đôi so với 15 triệu thuê bao cuối năm 2015, nhưng số thuê bao mới này cần thời gian để phát sinh doanh thu đủ bù đắp chi phí.

Những diễn biến tỷ giá ở Mozambique hứa hẹn chấm dứt chuỗi ngày tháng lệch pha giữa tăng trưởng thuê bao và lợi nhuận của Movitel, nhà mạng được coi là “Điều kỳ diệu của châu Phi” với những đóng góp khiến hạ tầng viễn thông của quốc gia này nằm trong tốp đầu châu lục. Tập đoàn mẹ của nhà mạng này Viettel Global, niềm tự hào của Việt Nam trên thị trường viễn thông thế giới – cũng sẽ thôi nghiêng ngả bởi cơn bão tỷ giá khởi phát từ quốc gia châu Phi xa xôi này.

Theo NDH