Kiến thức quản trị 3 lưu ý quan trọng khi tìm mentor

3 lưu ý quan trọng khi tìm mentor

25
Theo định nghĩa của nhà xuất bản Merriam-Webster, cố vấn (mentor) là người hướng dẫn, giúp đỡ, đưa ra lời khuyên cho một người ít kinh nghiệm và thường trẻ tuổi.


Ảnh minh họa

Theo đó, mọi người thường hình dung người cần được hướng dẫn mang 2 đặc điểm: trẻ và ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Trên thực tế, sự cố vấn, hướng dẫn (mentorship) dành cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi – những người đang tìm kiếm sự hiểu biết và muốn tiến bộ trong công việc hoặc cuộc sống.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận National Mentoring Partnership (Mỹ), kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, 90% người trẻ từng nhận được sự cố vấn mong muốn trở thành một cố vấn.

Trong sự nghiệp, Jeffrey Hayzlett – diễn giả, tác giả cuốn Think Big, Act Bigger: The Rewards of Being Relentless, Chủ tịch mạng lưới những nhà lãnh đạo cấp cao C-Suite Network – từng có nhiều mentor. Nhưng mentor có tác động lớn nhất đến ông chính là Mike O’Connor – chủ một cửa hàng in ấn mà sau này Hayzlett đã mua lại.

Jeffrey Hayzlett cho biết, O’Connor đã dạy ông cách lèo lái một doanh nghiệp, các tiêu chuẩn để xác định cần phải bán được bao nhiêu sản phẩm/dịch vụ, thiết lập các chỉ số, KPI và cách xác định đúng mục tiêu cần đạt được. Đến hôm nay, Hayzlett vẫn thường xuyên vận dụng những bài học này, chỉ là ở quy mô lớn hơn.

Công việc cố vấn đòi hỏi thời gian và sự cam kết. Cả 2 bên đều phải thiết lập và thỏa thuận trước về những mục tiêu thực tế. Đôi khi cũng có những buổi cố vấn, hướng dẫn chỉ nhằm trao đổi thông tin quan trọng, được thực hiện thông qua một cuộc điện thoại hoặc một cuộc họp ngắn 15 phút. Theo Jeffrey Hayzlett, khi bắt đầu sự nghiệp, chúng ta thường rơi vào những tình huống bị áp đảo, đến mức sợ việc tiến về phía trước. Ông nêu ví dụ, lúc bắt đầu đi làm, khi hỏi những người cấp trên về lý do tại sao một việc lại được vận hành như vậy, ông đều nhận được câu trả lời “Vì chúng tôi luôn làm theo cách đó”. Dù thực sự muốn góp ý nhưng ông nghĩ rằng không ai muốn lắng nghe một “lính mới tò te” như mình, nên chỉ im lặng. Nhưng hiện tại khi nghĩ lại, ông lại thấy mình đã sai vì đã không nêu ý kiến.

Là một người từng có nhiều mentor và mong muốn trở thành mentor, trên Entrepreneur, Jeffrey Hayzlett đã liệt kê 3 đặc điểm hàng đầu mà ông tin rằng mọi người đều nên tìm kiếm ở một mentor:

1. Sự hào phóng

Mentor tốt luôn sẵn sàng chia sẻ những điều họ biết, với bất cứ ai đưa ra lời yêu cầu. Họ làm điều đó vì lợi ích của công việc kinh doanh, của doanh nghiệp và bởi họ muốn bạn – người đang tìm kiếm sự hỗ trợ – được thành công. Họ không bao giờ làm điều đó vì lợi ích cá nhân. Thực ra, hướng dẫn người khác là cách để họ “trả ơn bằng cách cho đi” (pay it forward), nên họ thường giúp đỡ người khác rất hào phóng.

Một nghiên cứu tại Hội nghị thượng đỉnh các doanh nhân trẻ G20 YEA (Young Entrepreneurs’ Alliance Summit) cho thấy, 88% các doanh nhân trẻ được khảo sát có khả năng “sống sót” trên thương trường khi có mentor.

2. Sự trung thực

Nếu bạn đang tìm kiếm một người sẽ tưởng thưởng cho bạn “ngôi sao vàng” vì sự cố gắng của mình, nghĩa là bạn đang có suy nghĩ sai lầm về vai trò của mentor. Họ nên là người đưa ra những lời khuyên thành thực, dù đôi khi nó có vẻ hơi khó chấp nhận. Một mentor thích nói thẳng, nói thật sẽ làm việc với bạn hiệu quả hơn về lâu dài so với một người luôn thích khen ngợi.

Những phản hồi cụ thể và mang tính xây dựng cũng có lợi hơn là những phản hồi chung chung.

3. Sự thận trọng

Để quá trình hướng dẫn, cố vấn được thành công, phải có một mức độ thận trọng và sự tin tưởng nhất định. Nếu mentor là người làm trong cùng công ty với bạn, cả 2 càng cần có sự tin tưởng lẫn nhau. Vì những người được cố vấn phải cảm thấy mình có thể nói chuyện với mentor về bất cứ thách thức nào đang phải đối mặt mà không lo sợ về hậu quả. Nếu điều này không được đáp ứng, bạn nên tìm mentor bên ngoài công ty, hoặc thậm chí bên ngoài lĩnh vực mình hoạt động.

Trên thực tế, một cuộc khảo sát của Công ty 3Plus Internationalm (chuyên cung cấp dịch vụ mentoring và coaching) cho thấy, những người cần được cố vấn có xu hướng thích chọn mentor ở bên ngoài hơn.

Kiến thức và kinh nghiệm không nằm trong một lĩnh vực cụ thể nào, vì thế đừng tự giới hạn mình. Hãy tìm một mentor có thể giúp đẩy bạn ra khỏi vùng an toàn.

Theo DNSG