Chiến lược Ngành ngân hàng nỗ lực “bắt tay” với SMEs

Ngành ngân hàng nỗ lực “bắt tay” với SMEs

11
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hiện chiếm trên 90% số doanh nghiệp (DN) hiện có và đóng góp gần 40% vào GDP cả nước, thu hút gần 80% lực lượng lao động, khiến khối doanh nghiệp này đang dần trở thành đối tượng trung tâm của các chính sách kinh tế.


Ảnh minh họa

Sau nhiều năm bị các tổ chức tín dụng “bỏ lơ”, liệu các chuyển động của hệ thống ngân hàng (NH) gần đây có tạo ra “làn gió mới”?

Làn gió mới?

SME là khu vực đầu tư hấp dẫn khi khối DN này đã và đang nhận được sự quan tâm và đồng hành rất lớn của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và các chính sách hỗ trợ tín dụng.

Gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với DN, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi và nới lỏng các điều kiện vay vốn. Hiện một số NH như BIDV, Viettinbank, Maritime Bank, VPBank, ABBank, ACB đã có những hạng mục vốn cho các SME vay tín chấp.

Đầu tiên có thể nhắc đến gói tín dụng Đồng hành cùng doanh nghiệp siêu nhỏ của BIDV với ưu đãi lãi suất từ 6,8%/năm áp dụng cho các khoản vay dưới 12 tháng.

ABBank ra mắt dịch vụ tài chính tín dụng chuyên biệt cho SME (SME Banking) với 7 sản phẩm. Dịch vụ này hướng đến đối tượng vay tín chấp (SME Easy, SME Easy Plus, SME Easy Auto và SME Top Up) và có tài sản đảm bảo (SME Biz Loan, SME Fast loan, SME Flex). Mỗi sản phẩm được thiết kế tùy vào đặc thù của từng DN, như DN siêu nhỏ, DN mới khởi nghiệp hoặc DN tiền thân là hộ kinh doanh.

VietinBank cũng đã xây dựng chính sách với ba hình thức cấp tín dụng cho khách hàng SME bao gồm cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm (TSBĐ), cấp tín dụng có một phần TSBĐ, cấp tín dụng có TSBĐ. NH này cũng đưa hệ thống phê duyệt tập trung vào việc cho vay.

Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2017, PVcomBank tung gói ưu đãi vay Linh hoạt cấp vốn – Đột phá tăng trưởng với hạn mức 1.500 tỷ đồng nên các DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 7,5%/năm. PVcomBank còn cho DN thế chấp tài sản từ người thân như bất động sản, sổ tiết kiệm, ô tô.

Với tiêu chí “bật tung rào cản về vốn cho SME”, VPBank là NH đầu tiên giảm lãi suất sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách giảm lãi suất. Từ ngày 10/7/2017, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các DNVVN đã được VPBank điều chỉnh giảm từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của DN, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm NH mà DN sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ.

Tuy nhiên, kết quả của các chương trình mới này thế nào, SME có dễ tiếp cận vốn hơn trước kia không, vẫn phải chờ thời gian trả lời.

Cần có bảo lãnh của Chính phủ

Ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng giám đốc Maritime Bank dẫn nghiên cứu của Maritime Bank, cho biết, nhiều chủ DN có ba nỗi lo lớn là làm gì để có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh ổn định, làm sao quản trị DN hiệu quả và làm sao để tồn tại và phát triển, tức là làm sao để phát triển khách hàng, doanh thu.

NH vận hành dựa trên tiền của người dân gửi vào. Chính vì vậy, việc quản trị rủi ro, việc cho vay, thu hồi vốn là yêu cầu trọng yếu nhất của mỗi NH. Trong Thông tư 39, Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về cho vay, tạo những cơ chế mới thích hợp hơn, thông thoáng hơn để các NH chủ động xem xét nhu cầu về vốn của DN. Ngân hàng Nhà nước cũng có các quy định yêu cầu thực hiện theo chủ trương, chính sách của Chính phủ để hỗ trợ DN. Về góc độ quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các NH phải quản lý rủi ro tốt hơn, phải giảm nợ xấu và có đủ vốn cho DN vay.

Thế nhưng, vốn cho SME sẽ mãi là vấn đề, ông Quang nhận định. Bên có nhu cầu về vốn thì rất nhiều, nhưng bên có vốn để cung cấp lại hữu hạn. Rồi NH cho vay phải đánh giá xem năng lực của người đi vay. Điều này khiến luôn có khoảng cách giữa một bên là người đi vay muốn vay bất kể điều kiện gì để có vốn sản xuất, kinh doanh, nhưng bên cho vay lại luôn đề phòng rủi ro.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 11 tháng của năm 2016, chỉ có 30% SME tiếp cận được vốn NH và số vốn được vay chỉ chiếm 3% tổng vốn của các NH cho vay trong nền kinh tế.

Với quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, việc tiếp cận khách hàng và quảng bá thương hiệu rộng rãi là một trở ngại đối với SME. Do đó, ngoài những hỗ trợ ban đầu về vốn, quy trình hay sản phẩm, các NH cần những giải pháp hữu ích để giúp họ mở rộng khách hàng, phát triển kinh doanh. Mỗi NH có giải pháp khác nhau để giải quyết. Maritime Bank mới đây đã có những gói giải pháp cụ thể, phù hợp với nhu cầu, giai đoạn phát triển, cách thức vận hành của SME.

Maritime Bank đã dành gói tài trợ 6 tỷ đồng cho DN nhỏ với tỷ lệ tài trợ dựa trên tài sản đảm bảo rất cao, cũng như thời gian rất ngắn để DN được quyết định là có hạn mức tín dụng. Theo đánh giá của ông Quang, đây hiện là giải pháp tốt nhất trên thị trường, chỉ trong ba ngày là NH trả lời DN có được vay hay không và nếu được vay thì thủ tục giải ngân hoàn tất sau một ngày.

Đối với DN vừa đã phát triển nhưng tài sản đảm bảo không theo kịp nhu cầu vốn. Vì vậy, Maritime Bank có gói sản phẩm tín dụng với tỷ lệ tín chấp so với giá trị tài sản đảm bảo rất cao cũng như thời hạn quyết định tín dụng cho DN chỉ tối đa 5 ngày làm việc kể từ khi có đầy đủ thông tin của DN. Cạnh đó, Maritime Bank cũng cho vay tín chấp hoàn toàn với số tiền lên tới 4 tỷ đồng với lãi suất cạnh tranh, giải ngân chỉ trong ba ngày sau khi nhận được đủ thông tin của DN.

Giảm áp lực vốn cho SME có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan, Hong Kong, Singapore. Chính phủ các nước này đều có những gói hỗ trợ cho SME đồng thời bảo lãnh cho DN được vay vốn NH. Họ không bảo lãnh 100% nhưng với tỷ lệ nhất định để giúp NH giảm bớt rủi ro.

Trong phân khúc DN, DN nhỏ rủi ro cao hơn DN vừa, DN vừa rủi ro cao hơn DN lớn. Các NH khi cho vay DN lớn vài trăm tỷ đồng không phải là vấn đề, nhưng đối với DN nhỏ, việc cho vay vài trăm triệu rất khó. Chính vì vậy, nếu Chính phủ có thể bảo lãnh cho vay, việc tiếp cận vốn của SME bớt nan giải hơn rất nhiều. Hiện, nhiều chính phủ trên thế giới đã làm cách này, Việt Nam có thể nghiên cứu và triển khai.

Bà Đặng Thị Thanh Lê – Giám đốc Khối Thị trường tài chính VPBank: Cần cải thiện năng lực quản lý dòng tiền

Bỏ qua yếu tố thiếu tài sản thế chấp, nguyên nhân lớn nhất mà các SME gặp khó trong tiếp cận vốn NH là năng lực quản lý dòng tiền. Nhiều SME không có kế hoạch tài chính, thiếu thông tin về thị trường là những vấn đề gặp phải khi NH thẩm định năng lực tài chính cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp để có thể cho vay vốn. Dù vậy, VPBank là một trong những NH đi đầu trong việc cho vay đối với SME.

Sau nhiều năm tìm hiểu khối SME, VPBank nhận thấy đây là khu vực khách hàng tiềm năng với sự phát triển linh hoạt, chiếm giữ lực lượng lao động lớn và có đóng góp lớn vào GDP. Nếu các SME hợp tác thông qua các cam kết gửi tiền và giao dịch thanh toán tại VPBank, VPBank sẵn sang hỗ trợ, tư vấn quản lý dòng tiền, kết nối các nhà phân phối để tham gia vào các chuỗi cung ứng. VPBank tạo ra các sản phẩm khác biệt hướng đến SME và các sản phẩm này đã giúp VPBank giành được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín.

Sáu tháng đầu năm 2917, VPBank cho vay khách hàng khối cá nhân và khối SME tăng ở mức 15% so với cùng thời điểm năm 2016. Nhằm hỗ trợ khách hàng ở những phân khúc chiến lược, đầu tháng 7 vừa qua, VPBank đã thông báo giảm lãi suất cho các SME từ 0,5 – 1%/năm. VPBank cũng phát triển những sản phẩm vay tín chấp khác biệt, giúp các SME, đặc biệt là các DN mới chuyển lên từ hộ kinh doanh có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Theo DNSG